Điểm tin bất động sản 31/10: 100 dự án TP.HCM bị ách tắc; 30% khách sạn biển Đà Nẵng rao bán

Bảo An
100 dự án TP.HCM bị ách tắc; 30% khách sạn biển Đà Nẵng rao bán… là các tin tức bất động sản đáng chú ý sáng 31/10.

Ồ ạt rao bán khách sạn biển Đà Nẵng

Hiện nay, trên các trang mua bán nhà đất, hàng chục bản tin rao bán khách sạn, nhà nghỉ… tại Đà Nẵng được đăng mỗi ngày. Tuy nhiên, thông tin rao bán cũng khá kín kẽ, không ghi rõ tên khách sạn, việc rao bán cũng chỉ qua môi giới chứ chủ khách sạn không ra mặt. Hầu hết các khách sạn được rao bán trên mạng chứ không treo biển công khai.

Ông Trịnh Bằng Có, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng, cho biết Đà Nẵng có khoảng 1.000 khách sạn lớn, nhỏ, trong đó hiện có khoảng 20-30% khách sạn rao bán. Nguyên nhân các khách sạn rao bán là vì nguồn khách không có, không đảm bảo trang trải các khoản vay và nợ ngân hàng lại đến hạn.

84pano0020-3-pano-850x503-1-1667185012.jpg

"Sau đại dịch, hoạt động du lịch đã quay trở lại nhưng khách đến Đà Nẵng chưa ổn định như các năm trước dịch. Du lịch Đà Nẵng chủ yếu phụ thuộc vào 3 thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, hiện 3 thị trường này vẫn chưa phục hồi", ông Trịnh Bằng Có nói.

Hà Nội sẽ trở thành đô thị thông minh; TP.HCM là trung tâm tài chính trong khu vực

Nghị quyết 138/NQ-CP đã đề cập đến định hướng phân bố các vùng đô thị lớn, gồm: Vùng đô thị Hà Nội, Vùng TP.HCM, Vùng đô thị Đà Nẵng và Vùng đô thị Cần Thơ.

Theo đó, phát triển đô thị Hà Nội trở thành đô thị thông minh, năng động, sáng tạo, dẫn dắt; đầu tàu trong khoa học, công nghệ; trung tâm giao dịch quốc tế, dịch vụ giáo dục - đào tạo, y tế, tài chính - ngân hàng chất lượng cao; đầu mối giao thông quan trọng của khu vực và quốc tế.

TP.HCM là đô thị hạt nhân, trung tâm phát triển của toàn vùng; chuyển nhanh sang dịch vụ chất lượng cao, trở thành trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh trong khu vực; đi đầu về công nghiệp công nghệ cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo, y tế chuyên sâu và là đầu mối giao thương với quốc tế. Chú trọng quy hoạch và khai thác hiệu quả không gian ngầm. Nghiên cứu khai thác tiềm năng và lợi thế để phát triển khu vực Thủ Đức, Cần Giờ trở thành động lực tăng trưởng mới cho TP.HCM;

TP.HCM có khoảng trên 100 dự án đang bị ách tắc

Hiện, trên địa bàn TP.HCM có khoảng trên 100 dự án đang bị ách tắc do việc xử lý hồ sơ chậm so với quy định. Theo đánh giá của các nhà đầu tư bất động sản, ách tắc khâu hồ sơ pháp lý của dự án dẫn đến chậm tiến độ, kéo theo thị trường khan hiếm và mất cân đối về nguồn cung, giao dịch ảm đạm khiến nhiều chủ đầu tư gặp khó khăn và khách hàng mua nhà ảnh hưởng theo.

Ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển -Công ty DKRA Việt Nam, cho biết thị trường bất động sản TP.HCM trong 9 tháng đầu năm 2022 khan hiếm nguồn cung mới, chủ yếu là các dự án quy mô nhỏ, tập trung tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè,… Sức cầu chung thị trường ở mức thấp, xu hướng sụt giảm mạnh kéo dài từ giữa quý II năm 2022 đến nay.

Ngoài ra, thị trường căn hộ của thành phố gặp sự sụt giảm mạnh trong sức cầu ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, đặc biệt ở quý III năm 2022 do tâm lý e ngại của nhà đầu tư trước những diễn biến vĩ mô, lãi suất tăng cao. Trong khi đó, thị trường nhà phố, biệt thự ghi nhận tăng 10-15% trong giá bán sơ cấp nhưng giá thứ cấp giảm 5-10% so với thời điểm đầu năm 2022.

Hà Anh