Loạt doanh nghiệp BĐS 'khất nợ' báo cáo tài chính

Lan Anh
Dù đã hết hạn nộp báo cáo tài chính, không ít doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa công bố theo đúng quy định. Trong đó, một số doanh nghiệp xin tạm hoãn gửi vì cần ổn định hoạt động kinh doanh và tái cơ cấu doanh nghiệp.

Vì đâu doanh nghiệp trễ hạn nộp báo cáo tài chính?

Tập đoàn Novaland

Tập đoàn Novaland vừa gửi văn bản đến Uỷ ban Chứng khoán Nhà Nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) xin tạm hoãn công bố báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán, dự kiến sẽ công bố vào ngày 15/4.

Nguyên nhân xin gia hạn là do Novaland đang sắp xếp, ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước tái cơ cấu doanh nghiệp. Ngoài ra, đơn vị kiểm toán cần thêm thời gian tiến hành thủ tục kiểm toán và đánh giá toàn diện khách quan để có thể hoàn thành kiểm toán báo cáo tài chính của công ty. Do đó Novaland đề nghị được gia hạn công bố báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán, với thời gian dự kiến công bố là ngày 15/4.

Trong bối cảnh thị trường trái phiếu gặp khó khăn, Novaland cũng như nhiều doanh nghiệp bất động sản bị tắt nghẽn dòng tiền, phải đàm phán để kéo dài thời gian trả nợ trái phiếu.

novaland-gallery-custom-1676289817.jpg
Novaland xin gia hạn nộp và công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 dự kiến đến 15/4.

Novaland cho biết hiện nay đang tái cấu trúc toàn diện. Vào ngày 24/3, cổ đông Novaland đã thông qua tất cả 7 tờ trình với tỷ lệ xấp xỉ 72,5% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, tương đương 99,4% tổng số cổ phần biểu quyết hợp lệ.

Một trong những tờ trình đáng chú ý được thông qua là việc phát hành hơn 975 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Số tiền thu về nếu chào bán thành công 100% lượng cổ phiếu tối thiểu là 9.750 tỷ đồng.

Novaland sẽ chào bán thêm 1,95 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ thực hiện là 1:1. Nghĩa là, cổ đông sở hữu mỗi cổ phiếu sẽ có quyền mua 1 cổ phiếu mới với giá bán không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu và Novaland có thể thu về 19.500 tỷ đồng.

Novaland dự kiến sử dụng số tiền thu về nhằm tái cơ cấu nợ và thanh toán các khoản nợ đến hạn, thanh toán chi phí lương cho cán bộ nhân viên, thanh toán chi phí vận hành chung và thực hiện các dự án do Novaland làm chủ đầu tư.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình

Tương tự, Công ty cổ phần Xây dựng Hòa Bình cũng xin được gia hạn công bố báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán, chậm nhất đến ngày 12/5.

Chủ tịch Lê Viết Hải cho biết, gần đây hàng loạt công trình trên cả nước của doanh nghiệp bị ngưng trệ do thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn. Nhiều khách hàng vướng mắc rất lớn về dòng tiền, không thể thi công và thanh toán đúng hạn, dẫn đến tình hình thu tiền tại các dự án của Hòa Bình bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng so với kế hoạch. Vì vậy đơn vị kiểm toán cần thêm thời gian để tiến hành thủ tục, thu thập thêm chứng từ.

"Từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023 công ty chúng tôi có nhiều biến động về nhân sự cấp cao và có nhiều xung đột trong hội đồng quản trị. Vì vậy, công ty gặp khó khăn trong việc phối hợp hoàn thành báo cáo tài chính và công bố thông tin đúng thời hạn", ông Lê Viết Hải cho hay.

CTCP Louis Capital

Công ty CP Louis Capital (mã chứng khoán: TGG) cũng thông báo xin gia hạn thời gian nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 đến (chậm nhất) ngày 30/4 với lý do công ty thay đổi đơn vị kiểm toán. Louis Capital đã lựa chọn Công ty Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán (AASC) là đơn vị thực hiện kiểm toán lại báo cáo tài chính năm 2021 và kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022.

Năm 2022, Louis Capital ghi nhận lỗ gần 22,5 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi hơn 91 tỷ đồng.

Trong báo cáo tự lập, Louis Capital trải qua năm 2022 kinh doanh thua lỗ, xuất hiện nợ xấu tăng đột biến khi mới thực hiện trích lập một phần của đối tác, khách hàng lớn. Cụ thể, năm 2022, Louis Capital ghi nhận lỗ gần 22,5 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi hơn 91 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 22/3, Louis Capital tổ chức họp đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 lần 2 trong đó thông qua miễn nhiệm nhiệm kỳ 2021 - 2025 đối với 4 thành viên Hội đồng quản trị gồm ông Nguyễn Mai Long, ông Ngô Thục Vũ, ông Trịnh Văn Bảo và ông Cao Bá Trung.

Đồng thời, bầu thay thế 4 nhân sự vào Hội đồng quản trị gồm ông Võ Kim Nguyên, ông Lý Thanh Nhã, ông Nguyễn Thomas Thanh và ông Ngô Quang Tuấn.

Đáng chú ý, đại hội cổ đông công ty này cũng thông qua nội dung đổi tên công ty từ Công ty CP Louis Capital thành Công ty CP The Golden Group.

Tập đoàn Everland

Công ty CP Tập đoàn Everland (mã chứng khoán: EVG ) cũng xin hoãn công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 chậm nhất đến ngày 15/5. Everland cho biết, quý I năm nay đang đẩy mạnh công tác kiện toàn và củng cố bộ máy nhân sự của công ty mẹ, đồng thời kiện toàn và sắp xếp lại cơ cấu bộ máy tổ chức nhân sự tại các công ty con, công ty thành viên.

Sự thay đổi về nhân sự tại các công ty con làm ảnh hưởng đến công tác tổng hợp, cung cấp số liệu để phục vụ lập báo cáo tài chính năm 2022 của công ty, dẫn đến quá trình hoàn thiện báo cáo kiểm toán kéo dài hơn so với kế hoạch.

Năm 2022, Everland báo lãi sau thuế hơn 27 tỷ đồng, không đạt kế hoạch đề ra. Dòng tiền kinh doanh năm 2022 của Everland âm 190 tỷ đồng do các khoản phải thu tăng, trong khi khoản phải trả giảm.

CTCP Đầu tư LDG

CTCP Đầu tư LDG xin gia hạn thời gian công bố thông tin Báo cáo tài chính được kiểm toán năm 2022 chậm nhất đến ngày 28/4/2023. Trong công văn, LDG lý giải việc chậm nộp Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 do hiện tại ngành bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn từ những bất ổn của nền kinh tế, tình hình bán hàng của Công ty cũng bị chậm lại.

dau-tu-bat-dong-san-min-1679878293.jpeg
Phần lớn các lý do đến từ việc ngành bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn do đó doanh nghiệp cần phải thực hiện cơ cấu về nhân sự lẫn tài chính

Ngoài ra, từ các chính sách bất lợi của lãi suất, rất nhiều khách hàng của Đầu tư LDG đang gặp khó khăn về tài chính nên không thể thanh toán đúng hạn theo tiến độ. Tình hình thu tiền từ các khách hàng của Đầu tư LDG bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng so với các tháng trước và so với kế hoạch.

Trong bối cảnh đó, đơn vị kiểm toán của Đầu tư LDG cần thêm thời gian để tiến hành các thủ tục kiểm toán và thu thập thêm các chứng từ để có thể hoàn thành kiểm toán Báo có tài chính cho năm 2022.

Bên cạnh đó, từ giữa năm 2022 đến nay, Đầu tư LDG đã có nhiều biến động mạnh về nhân sự dẫn đến nhiều khó khăn trong việc phối hợp hoàn thành Báo cáo tài chính được kiểm toán và công bố thông tin đúng thời hạn theo quy định.

Chậm nộp BTCT gây ảnh hưởng gì?

Thực tế, việc "chây ì" nộp báo cáo tài chính đã trở thành "bệnh kinh niên" và có nhiều nguyên nhân của "bệnh" chậm nộp BCTC được chỉ ra. Trong đó có thể do bộ phận kế toán của doanh nghiệp chưa chuyên nghiệp hay mức xử phạt hiện nay chưa đủ tính răn đe dẫn đến doanh nghiệp vẫn “tái diễn” nhiều lần do “nhờn luật”.

Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo quy định, hành vi nộp BCTC cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm dưới 3 tháng so với thời hạn quy định sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

Mức xử phạt có thể từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi không nộp BCTC cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc không công khai theo quy định.

Các chuyên gia cho rằng, “căn bệnh” chậm nộp BCTC sẽ dẫn đến nhiều hậu quả. Đó là việc thông tin thiếu rõ ràng, khiến nhà đầu tư không thể ra quyết định, hoặc quyết định thiếu chính xác hoạt động đầu tư, mua bán cổ phiếu của doanh nghiệp.

Không chỉ vậy, việc này có thể tạo điều kiện cho những giao dịch nội gián, dựa trên thông tin quan trọng, không được công khai về công ty. Thực trạng này nguy hiểm bởi sẽ dẫn đến những hoạt động đầu tư thiếu bền vững, chủ yếu mang tính lướt sóng. Đó là chưa kể đến câu chuyện "xào nấu" thông tin trên BCTC.

Việc doanh nghiệp lỗ sau kiểm toán là chuyện thường thấy trong mùa BCTC sau kiểm toán, nhưng việc tăng lãi đến hàng trăm tỷ đồng lại chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ. Và câu hỏi "có hay chăng việc doanh nghiệp cố tình giấu lãi" cũng được nhiều nhà đầu tư thắc mắc.

Theo chuyên gia tài chính PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, một số doanh nghiệp cố tình “vẽ báo cáo đẹp” để thực hiện các đợt phát hành thêm cổ phiếu và thu được lợi ích cao hơn từ các đợt bán cổ phần, cổ phiếu. Việc làm này là vi phạm pháp luật và sẽ bị cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chức năng có các biện pháp xử phạt. Thậm chí có thể cấm doanh nghiệp này hoạt động giao dịch trên thị trường tài chính, chứng khoán.

Ngoài ra là do yếu tố chủ quan bởi những người lập báo cáo không làm tròn trách nhiệm của người làm BCTC, trong quá trình hoạt động, vấn đề hoạch toán doanh nghiệp chưa đầy đủ.

Ngọc Tâm