Nhận diện thủ thuật “xào nấu” báo cáo tài chính

Cuối tháng 3 được xem là mùa các công ty cũng có dịp trổ tài “xào nấu” chuyên nghiệp để báo cáo tài chính trở nên “ngon” hơn trong mắt các nhà đầu tư. 

Trên thị trường, tùy vào mục đích mà có rất nhiều thủ thuật được các công ty vận dụng để làm đẹp báo cáo tài chính. Chuyện doanh nghiệp "thêm mắm, thêm muối" để tăng chi phí hay tìm cách pha loãng để giảm lợi nhuận và thu xếp ghi nhận doanh thu sang năm sau là những chuyện diễn ra thường xuyên. 

Dưới đây là 5 thủ thuật biến tấu báo cáo tài chính phổ biến nhất mà các nhà đầu tư cần tìm hiểu.

Big Bath

Big Bath là thuật ngữ chỉ việc công ty cố tình thao túng báo cáo kết quả kinh doanh, để thấy khoản lỗ rất lớn nhưng kèm theo đó tình hình sẽ tốt hơn trong tương lai. Để thực hiện thủ thuật Big Bath, công ty sẽ trì hoãn các khoản phải thu sang năm sau, trả trước chi phí để giảm bớt lợi nhuận năm nay. Sang năm tiếp theo, công ty sẽ tiến hành xóa bỏ những khoản mục "treo" trên bảng cân đối kế toán nhằm "gột rửa" báo cáo tài chính, vẽ bức tranh tươi sáng hơn về tình hình kinh doanh của mình.

big-bath-thu-that-xao-nau-bao-cao-tai-chinh-1680570071.jpg
Thủ thuật này mang lại lợi ích rất lớn cho các giám đốc điều hành.

Thủ thuật này mang lại lợi ích rất lớn cho các giám đốc điều hành. Các giám đốc mới thường sử dụng big bath để đổ lỗi hiệu suất hoạt động kém là do CEO cũ và nhận lấy công trạng về những cải tiến và doanh thu sắp đạt được trong năm tới (bản chất doanh thu này phải được ghi nhận trong năm hiện tại).

Ngoài ra, dưới tác động của Big Bath, doanh thu và lợi nhuận có chiều hướng tích cực trong tương lai. Điều này sẽ khiến các nhà đầu tư có cái nhìn lạc quan hơn về hiệu quả hoạt động công ty, cổ phiếu có thể được đẩy giá nhanh chóng. 

Cookie Jar Reserve

Cookie Jar Reserve (lọ bánh ngọt) là thuật ngữ chỉ về phần thu nhập được công ty giấu kín. Đợi đến khi công ty không đạt được mục tiêu doanh thu như kỳ vọng, các kế toán viên nội bộ có thể nhúng tay vào Cookie Jar để thổi phồng các con số. 

cookie-jar-thu-that-xao-nau-bao-cao-tai-chinh-1680570071.jpg
Thủ thuật Cookie Jar được sử dụng để tạo ra các khoản lợi nhuận được ghi nhận vào các năm sau

Thông thường thủ thuật Cookie Jar được sử dụng để tạo ra các khoản lợi nhuận được ghi nhận vào các năm sau. Thủ thuật này được thực hiện bằng cách ghi nhận các khoản dự phòng, hạch toán trước chi phí hoặc trì hoãn ghi nhận doanh thu.

Cherry Picking

Cherry Picking tạm dịch là nhặt quả cherry. Đây là một trong những cách gian lận khá phổ biến của các thương lái. Khi bán hàng, thương lái chỉ chọn ra những quả ngon, tươi và đẹp nhất trong rổ cho người mua xem nhưng đến khi mua về thì túi cherry có hàng tá trái bị hư do nứt, dập. 

thu-thuat-cherry-picking-1648697456.jpeg

Tương tự trong báo cáo tài chính, do  Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể yêu cầu doanh nghiệp phải công bố thông tin theo chuẩn mực kế toán quốc tế. Chính vì thế nhiều doanh nghiệp tận dụng “lỗ hổng” để xây dựng báo cáo tài chính theo chuẩn mực riêng theo ý chí của người chủ doanh nghiệp.

Thủ thuật Cherry Picking được thực hiện bằng cách công ty sẽ chọn lọc khéo léo loại hàng để bán hoặc chứng khoán đầu tư nhằm ghi nhận lãi hoặc lỗ như mong muốn.

Big bet on the future

Công ty đánh cược vào tương lai (Big bet on the future) thông qua áp dụng các lỗ hổng trong quy định của chuẩn mực kế toán để ghi toàn bộ lợi nhuận có thể thu được trong tương lai vào năm hiện tại.

Các nhà đầu tư dễ nhận diện những thủ thuật này trong các thương vụ mua và sát nhập (M&A). Bên mua có thể “bùa số” lỗ bằng cách ghi nhận các chi phí xử lý liên quan đến thương vụ. Thực chất, những chi phí này sẽ phát sinh trong tương lai nhưng được ghi nhận vào năm hiện tại. Mức lợi nhuận qua các năm cũng vì thế mà trông có vẻ như “cải thiện” hơn.  Một cách khác doanh nghiệp có thể đẩy phần lợi nhuận tăng lên nhờ tích hợp doanh thu của công ty thu mua trong báo cáo tài chính hợp nhất. 

Một loại hình khác thường thấy của thủ thuật này là công ty “mẹ” mua đi bán lại cổ phiếu của công ty thành viên. Với động thái bán đi, rồi mua lại để điều chỉnh mức sở hữu từ dưới 50% lên trên 50% (tỷ lệ xác định quan hệ công ty mẹ - công ty con), một số công ty lợi dụng kẽ hở của chuẩn mực kế toán để hoàn thành ghi nhận khoản lợi nhuận khủng do công ty con mang lại. Ở mặt khác, tương lai lợi nhuận của công ty mẹ sẽ phụ thuộc vào thị giá của công ty thành viên. Nếu thị giá công ty thành viên trong thời gian tới không được đẩy lên cao hơn mức giá đánh giá lại thì công ty mẹ sẽ phải chịu lỗ nếu thay đổi tỷ lệ sở hữu. Thế mới gọi là Big bet on the Future (Đánh cược lớn và tương lai).

Throw out the problem child

Throw out the problem child được biết là thủ thuật công ty loại bỏ những phần xấu nhất trên báo cáo tài chính thông qua các giao dịch tài chính với bên thứ ba. Đây là thủ thuật phổ biến nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Thủ thuật được sử dụng khi công ty có một mảng hoạt động không hiệu quả, không có dấu hiệu cải thiện trong tương lai và gây ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp. Lúc này, mảng hoạt động không hiệu quả (“Problem Child”) sẽ được loại bỏ (“Throw out”) khỏi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bằng một trong những cách sau:

1. Bán mảng hoạt động đó cho bên thứ ba

Nếu như có doanh nghiệp khác nhìn thấy tiềm năng của mảng hoạt động này, họ sẽ mua và giải quyết các vấn đề. Khi đã bán đi mảng hoạt động xấu, họ sẽ ghi nhận được lợi nhuận bất thường từ thương vụ. Trong trường hợp không có người mua, công ty này sẽ đi đến phương án khác.

2. Sử dụng các công ty SPE (Special-purpose entity). 

Đây là những công ty con được lập ra không nhằm mục đích phục vụ hoạt động kinh doanh mà dành cho các mục đích khác của doanh nghiệp. 

Thông  thường các SPE sẽ thực hiện mua bán tài sản với mảng không hiệu quả để ghi nhận lợi nhuận bất thường hoặc tiêu thụ “ảo” sản phẩm mà mảng kinh doanh không hiệu quả tạo ra. Khi đó công ty sẽ được ghi nhận tăng doanh thu hoạt động chính và khoản phải thu khách hàng. Nhưng nếu xét về bản chất, hoạt động này chỉ tạo ra lợi nhuận về mặt hình thức báo cáo kế toán chứ Không có dòng tiền thực tế phát sinh.

3. Tách công ty riêng và để các thành viên nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp quản lí

Khi tách mảng kinh doanh không hiệu quả thành một công ty riêng và chỉ kiểm soát dưới 49% số lượng cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp sẽ không cần hạch toán hợp nhất trên báo cáo tài chính. Như vậy, tất cả các hạng mục xấu về tài sản, lợi nhuận của mảng kinh doanh không hiệu quả sẽ được loại trừ khỏi báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Tóm lại, điểm chung là việc "xào nấu" cuối cùng đều nhắm vào 2 chữ "lợi nhuận". Vậy nên khi xem báo cáo tài chính, nhà đầu tư không nên chỉ dừng ở việc xem lợi nhuận có tăng giảm hay không, mà cần có cái nhìn tổng quan về bản chất các tài khoản và giao dịch để đánh giá được hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Thế Công

Link nội dung: https://toancanhbatdongsan.com.vn/nhan-dien-thu-thuat-xao-nau-bao-cao-tai-chinh-a1070