Founder P.I architect: Muốn có gu, đừng chỉ xem hình!   

Khoa Đỗ, khách mời của series The Master số thứ 6, là cái tên không xa lạ với người yêu kiến trúc hiện đại thông qua nhiều công trình hòa hợp với thiên nhiên tại Hội An, Đà Lạt, Phú Quốc.   

Phải đánh đổi và chấp nhận các nguy cơ

Được đào tạo kiến trúc tại Pháp, Khoa Đỗ trở về nước và dần dần tạo được thương hiệu thông qua nhiều dự án. Anh cho rằng bản thân mình không cố gắng tạo ra dấu ấn cá nhân bằng cách áp đặt ý đồ - phong cách của mình lên khách hàng. Thay vì vậy anh thường nhận đề bài, tạo ra 3 phương án thiết kế: một là phương án đúng theo ý khách, hai là phương án trung hòa và ba là phương án phá cách, để khách hàng lựa chọn. Anh chủ trương cởi mở, mời khách hàng tham gia vào các công đoạn thiết kế, tư vấn cho họ tất cả các trường hợp xảy ra với mỗi lựa chọn. “Dấu ấn của công ty mình chính là khách hàng thấy được cái tôi của mình trong công trình của họ, bên mình như là background thôi. Giống như mình chỉ tạo nên các khung tranh, rồi việc dùng màu, canvas như thế nào, phối màu như thế nào, bên mình chỉ giúp khách hàng truyền tải cái đó lên trên đó thôi”. 

Tuy nhiên, Khoa Đỗ cũng khẳng định, các công trình của công ty anh luôn có một tiêu chí mà anh cố gắng giữ. Đó là tất cả các không gian đều có ánh sáng tự nhiên. Thêm một điều anh luôn tâm huyết đó là thiết kế dựa vào thiên nhiên, nhưng theo anh điều đó không hề dễ dàng. Bởi vì rất khó để tìm được khách hàng có cùng mong muốn đi đến tận cùng ý đồ gần gũi thiên nhiên đó.

Anh cho biết: “Khách hàng phải hiểu là có những sự đánh đổi. Muốn gần với thiên nhiên, muốn sống với cây cỏ thì phải chấp nhận cái gọi là nguy cơ có thể xảy ra, ví dụ như là không gian mở kết nối với thiên nhiên nhiều đôi khi sẽ có rắn, có tiếng ồn từ côn trùng bên ngoài. Hoặc là thích nhà phố, nhà mở có thông gió tự nhiên thì phải chấp nhận bụi vào nhiều, chứ không thể nào có giải pháp mà vừa thông gió tự nhiên, ít sử dụng máy lạnh mà lại kêu là tui không muốn bụi, nhà lúc nào cũng sạch bóng thì rất khó”.

Cũng trong buổi talkshow, Khoa Đỗ chia sẻ anh luôn cố gắng trung hoà rất nhiều yếu tố và vì thế nên bắt buộc phải thử nhiều phương án hơn, phải làm đi làm lại và làm tới khi nào mà bản thân hài lòng, khách hàng hài lòng. Đối với một số dự án như quán cà phê, thì khách hàng ở đây không chỉ là khách hàng ký hợp đồng với mình mà các bạn làm việc ở quầy pha chế thấy thoải mái với dây chuyền kiến trúc sư đưa ra thì mới là sự hài lòng thực thụ.

“Nếu mà mình giải quyết được tất cả các bài toán đó thì cảm giác sướng nó là cảm giác cuối cùng đọng lại với kiến trúc sư và ngay cả khách hàng cũng vậy”, anh chia sẻ.

Để xây dựng "gu", cần phải đọc nhiều hơn

Bàn về gu trong kiến trúc, Khoa Đỗ cho rằng, thị trường Việt Nam hơi bát nháo về gu. Khách hay có kiểu thích mỗi nơi một chút rồi trộn vào, “tui thích cái nhà này một chút, thích nhà kia một chút trộn vào thì nó ra một cái lẩu thập cẩm”. 

Theo Khoa, gu nói lên cái background của một con người, nó là tổng hợp của nhiều thứ từ quá trình học tập và trải nghiệm, đa số là trải nghiệm sẽ tạo nên phong cách riêng. Tuy nhiên, người Việt mình thua thiệt so với các nước bạn về mặt văn hoá cơ bản, nền tảng và sự trải nghiệm thẩm mỹ nên ít có gu riêng.  

Để nâng cao gu thì đầu tiên phải biết mình thích gu nào trước, bằng cách nhìn ngắm nhiều bằng hình ảnh, bằng các chuyến đi. Còn để nâng cao gu thì cần phải đọc nhiều, qua quá trình đọc mình sẽ lọc được kiến thức mình cần, mình muốn, tiếp nhận theo ý của mình được và từ đó nâng cao gu thẩm mỹ.  

“Nhiều người Việt chỉ xem hình thôi mà không đọc. Tức là chỉ xem hình ảnh thấy hay, đẹp mà không biết để có nó thì người ta phải trải qua cái gì. Để có được cái đẹp như trên hình ảnh đó thì phải có nhiều thứ như điều kiện của khu đất, đề bài người chủ đưa ra, gu của người chủ, kể cả ngân sách của họ… mới tạo ra hình ảnh công trình đó. Đấy là những câu chuyện ở phía sau những bức hình. Chỉ xem hình mà không biết nội dung bên trong cũng là một nguyên nhân tạo ra cái gu tùm lum”. 

Khoa Đỗ cũng cho biết thêm rằng kiến trúc Việt hiện tại đang ảnh hưởng bởi kiến trúc Nhật, hoặc copy nguyên xi một mô hình kiến trúc nào đó. Điều này phần lớn là do kiến trúc sư chiều theo khách hàng của mình để tạo ra những thứ tương tự bên ngoài còn phần kết cấu bên trong thì vẫn y nguyên lối xây dựng đã cũ kỹ. “Tôi nghĩ rằng để thành công trong nghề, các kiến trúc sư trẻ cần phải làm đúng đi đã rồi hãy nghĩ đến chuyện bay bổng”. 

Trần Vân Anh

Link nội dung: https://toancanhbatdongsan.com.vn/founder-pi-architect-khoa-do-a1287