Ký giáp ranh đất là gì? Khi nào cần ký giáp ranh đất?

Thực tế cho thấy, việc ký giáp ranh khi làm Sổ đỏ nảy sinh rất nhiều vấn đề phức tạp. Nhiều trường hợp người dân không được cấp sổ đỏ do hàng xóm không chịu ký giáp ranh. Để khỏi vướng mắc và biết cách giải quyết người dân phải nắm rõ các quy định về ký giáp ranh đất.

Ký giáp ranh đất là gì?

Ký giáp ranh đất là việc người sử dụng đất ký xác nhận ranh giới, mốc giới và ghi ý kiến ​​của mình về ranh giới đất liền kề của họ. Ký giáp ranh đất là cách dễ dàng nhất để xác nhận tình trạng không có tranh chấp đất giáp ranh và không lấn chiếm đất với những người sử dụng đất liền kề.

Cách xác định ranh giới thửa đất

Tại khoản 1 Điều 11 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT, xác định ranh giới thửa đất được quy định như sau:

- Trước khi đo vẽ chi tiết, cán bộ đo đạc phải phối hợp với người dẫn đạc (là công chức địa chính cấp xã hoặc cán bộ thôn, xóm, ấp, tổ dân phố... để được hỗ trợ, hướng dẫn việc xác định hiện trạng, ranh giới sử dụng đất), cùng với người sử dụng, quản lý đất liên quan tiến hành xác định ranh giới, mốc giới thửa đất trên thực địa, đánh dấu các đỉnh thửa đất bằng đinh sắt, vạch sơn, cọc bê tông, cọc gỗ và lập bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất để làm căn cứ thực hiện đo đạc ranh giới;

ranh-gioi-dat-dai-1658196474.jpg
Thửa đất vẽ trực tiếp sau khi xác định ranh giới sử dụng đất

Đồng thời, yêu cầu người sử dụng đất xuất trình các giấy tờ liên quan đến thửa đất (có thể cung cấp bản sao các giấy tờ đó không cần công chứng, chứng thực).

- Ranh giới thửa đất được xác định theo hiện trạng đang sử dụng, quản lý và chỉnh lý theo kết quả cấp Giấy chứng nhận, bản án của Tòa án có hiệu lực thi hành, kết quả giải quyết tranh chấp của cấp có thẩm quyền, các quyết định hành chính của cấp có thẩm quyền có liên quan đến ranh giới thửa đất.

Lưu ý: Trường hợp đang có tranh chấp về ranh giới thửa đất thì đơn vị đo đạc có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản cho UBND xã, phường, thị trấn (cấp xã) nơi có thửa đất để giải quyết.

Nếu tranh chấp chưa giải quyết xong trong thời gian đo đạc ở địa phương mà xác định được ranh giới thực tế đang sử dụng, quản lý thì đo đạc theo ranh giới thực tế đang sử dụng, quản lý đó; nếu không thể xác định được ranh giới thực tế đang sử dụng, quản lý thì được phép đo vẽ khoanh bao các thửa đất tranh chấp; đơn vị đo đạc có trách nhiệm lập bản mô tả thực trạng phần đất đang tranh chấp thành 02 bản, một bản lưu hồ sơ đo đạc, một bản gửi UBND cấp xã để thực hiện các bước giải quyết tranh chấp tiếp theo theo thẩm quyền.

Đơn vị địa chính có được đo đạc đất khi người sử dụng đất liền kề vắng mặt

Tại điểm 2.4 khoản 2 Điều 11 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 8 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT quy định người sử dụng đất liền kề vắng mặt trong suốt quá trình đo đạc thì bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất được cán bộ đo đạc, các bên liên quan còn lại và người dẫn đạc xác định theo thực địa và theo hồ sơ thửa đất liên quan (nếu có).

- Đơn vị đo đạc chuyển bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất đã lập cho UBND cấp xã để xác nhận vắng mặt và thông báo trên loa truyền thanh của cấp xã, niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã để người sử dụng đất đến ký xác nhận.

- Sau 15 ngày kể từ ngày thông báo mà người sử dụng đất không có mặt và không có khiếu nại, tranh chấp liên quan đến ranh giới, mốc giới thửa đất thì ranh giới thửa đất được xác định theo bản mô tả đã lập.

- Nếu sau 10 ngày kể từ ngày nhận được bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất mà người sử dụng đất liền kề không ký xác nhận, đồng thời không có văn bản thể hiện việc có tranh chấp, khiếu nại, tố cáo có liên quan đến ranh giới thửa đất thì ranh giới thửa đất được xác định theo bản mô tả đã được các bên liên quan còn lại, người dẫn đạc ký xác nhận và ghi rõ lý do người sử dụng đất liền kề đó không ký xác nhận vào phần “lý do không đồng ý” trong bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất.

Đơn vị đo đạc có trách nhiệm lập danh sách các trường hợp nêu trên để gửi cho UBND cấp xã biết và lưu hồ sơ đo đạc.

do-dac-lap-ban-do-thua-dat-1658196665.JPG
Đo đạc lập bản đồ thửa đất

Khi sang tên Sổ đỏ, chuyển nhượng đất có cần ký giáp ranh?

1. Điều kiện của thửa đất được chuyển nhượng

Tại khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định người sử dụng đất được chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

- Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

- Đất không có tranh chấp;

- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

- Trong thời hạn sử dụng đất.

Lưu ý: Khi chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất không cần ký giáp ranh để xác định có hay không có tranh chấp đất đai.

2. Điều kiện của bên nhận chuyển nhượng

Bên nhận chuyển nhượng không được thuộc một trong các trường hợp không được nhận chuyển nhượng quy định tại Điều 191 Luật Đất đai 2013. Cụ thể:

- Tổ chức, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trong trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất.

- Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất trồng lúa của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

- Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.

- Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng nếu hộ gia đình, cá nhân không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.

3. Điều kiện về chủ thể

Các bên chuyển nhượng là cá nhân phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Các bên chuyển nhượng hoàn toàn tự nguyện.

4. Điều kiện về mục đích, nội dung

Mục đích và nội dung hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không vi phạm điều cấm của luật, đạo đức xã hội.

5. Điều kiện về hình thức

Hợp đồng chuyển nhượng phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.

6. Được đăng ký biến động theo đúng quy định (đăng ký sang tên Sổ đỏ)

Do đó, điều kiện để giao dịch dân sự hợp pháp nói chung và điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp, phát sinh hiệu lực nói riêng không có quy định phải ký giáp ranh.

Phải làm sao khi hàng xóm không chịu ký giáp ranh đất?

Biên bản ký giáp ranh được thực hiện trong 2 trường hợp:

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Yêu cầu bổ sung hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai giữa 2 nhà liền kề.

Như vậy không có trường hợp xây nhà phải ký giáp ranh trong các yêu cầu trên. Mảnh đất đang làm thủ tục cấp sổ đỏ nhưng hàng xóm không chịu ký giáp ranh đất thì gia chủ vẫn được nộp hồ sơ cấp sổ đỏ để các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết. Vì không có thông tư hay nghị định nào quy định từ chối tiếp nhận hồ sơ khi hàng xóm không ký giáp ranh.
Hơn nữa, theo Thông tư 25/2014/TT-BTNMT, ký giáp ranh không phải là thủ tục bắt buộc khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất.

Mẫu giấy xác nhận ranh giới đất

Biên bản xác nhận ranh giới giữa các thửa đất liền nhau không có biểu mẫu cụ thể. Văn bản (giấy xác nhận ranh giới đất) dưới đây người sử dụng đất có thể tham khảo.

Thùy Liên

Link nội dung: https://toancanhbatdongsan.com.vn/ky-giap-ranh-dat-la-gi-a1344