Cần làm gì khi chủ đầu tư phá sản?

Chủ đầu tư phá sản, tôi chỉ ký hợp đồng đầu tư thôi thì tôi được bảo vệ như thế nào? 

Khi chủ đầu tư bị tuyên bố phá sản, tài sản của chủ đầu tư sẽ được phân chia theo thứ tự để thanh toán các khoản nợ và chủ nợ nên thực hiện các biện pháp bảo toàn tài sản của chủ đầu tư để đảm bảo quyền lợi tại Hợp đồng hợp tác.

Hợp đồng hợp tác là gì?

Hợp đồng hợp tác (bao gồm: Hợp đồng hợp tác đầu tư, Hợp đồng hợp tác kinh doanh…) là sự thỏa thuận giữa các bên về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.

Luật không quy định chi tiết để điều chỉnh mối quan hệ hợp tác giữa các bên, mà trao cho các bên quyền thỏa thuận và đôi bên thiện chí thực hiện Hợp đồng. Điều này dễ hiểu, bởi quan hệ hợp tác đầu tư giữa các bên là quan hệ được xác lập trên nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận; miễn sao các thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội thì được pháp luật công nhận và thỏa thuận sẽ có hiệu lực thực hiện đối với các bên. 

ky-hop-dong-hop-tac-1669943790.jpeg
Các quy định về Hợp đồng hợp tác được quy định từ Điều 504 - 512 Bộ luật dân sự.

Phá sản là gì?

Phá sản là tình trạng doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và bị Tòa án tuyên bố phá sản. Quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia thủ tục phá sản được quy định tại Luật phá sản và các văn bản khác liên quan.

Theo đó, chủ đầu tư là một bên trong Hợp đồng hợp tác phá sản thì quyền lợi của bên còn lại có được đảm bảo

Cách thức chia tài sản của doanh nghiệp phá sản

Khi doanh nghiệp bị Tòa án tuyên bố phá sản, tài sản của doanh nghiệp được phân chia theo thứ tự như sau:

- Chi phí phá sản;

- Nợ lương, trợ cấp, bảo hiểm với Người lao động;

- Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;

- Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

thu-tu-phan-chia-tai-san-khi-doanh-nghiep-bi-pha-san-1669944349.jpeg
Thứ tự phân chia tài sản khi doanh nghiệp phá sản

Theo đó, tài sản sẽ phân chia theo thứ tự từ trên xuống dưới, nếu tài sản không đủ để thanh toán các khoản nợ cùng một thứ tự ưu tiên thì được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ. Chi tiết việc phân chia tài sản của doanh nghiệp được quy định tại Điều 54 Luật phá sản.

Trong đó, cá nhân ký Hợp đồng hợp tác với chủ đầu tư được phân loại là "chủ nợ không có bảo đảm" theo luật. Vì thông thường theo Hợp đồng hợp tác đầu tư, cá nhân sẽ góp tiền và chủ đầu tư góp sức để thực hiện dự án; chủ đầu tư cam kết một số lợi ích với cá nhân và nghĩa vụ thanh toán khoản lợi ích này không được bảo đảm bằng tài sản của chủ đầu tư. Các phân loại các chủ nợ được quy định tại Điều 4 Luật phá sản.

Thực tế, rất có khả năng là họ không thu hồi được nợ hoặc nếu có thu hồi được thì cũng chẳng đáng là bao vì tài sản của doanh nghiệp mắc nợ thường là còn rất ít mà chủ nợ thường lại rất đông, thêm vào đó tài sản còn lại của doanh nghiệp mắc nợ được thanh toán theo thứ tự ưu tiên…

Làm thế nào để thu hồi nợ nhanh nhất?

Ngăn chặn doanh nghiệp phá sản cất giấu, tẩu tán, tặng cho, làm suy giảm tài sản và bảo toàn tài sản, tối đa hóa giá trị tài sản để thanh toán là việc chủ nợ nghĩ đến. Chủ nợ có thể yêu cầu Tòa án ra các quyết định cần thiết như: 

- Yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu với các Hợp đồng với mục đích tẩu tán tài sản được doanh nghiệp ký kết trong thời gian 06 tháng trước ngày mở thủ tục phá sản;

- Yêu cầu Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực;
bù trừ nghĩa vụ; 

- Áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời như phong tỏa tài khoản ngân hàng, niêm phong tài sản...

- Đọc thêm về các biện pháp bảo toàn tài sản của doanh nghiệp phá sản tại Chương V Luật phá sản.

Việt Hương

Link nội dung: https://toancanhbatdongsan.com.vn/can-lam-gi-khi-chu-dau-tu-pha-san-a1605