Bỏ phố về rừng: từ nhà đầu tư nhỏ đến các đại gia bất động sản 

Nếu vài năm trước “bỏ phố về rừng” chỉ là một phong cách sống theo trào lưu thì nay nó thực sự trở thành chiến lược của nhà đầu tư cũng như nhiều “ông lớn” bất động sản.

Người trẻ: về rừng để sống chậm và gần gũi thiên nhiên    

Lăn lội tại TP HCM gần hai năm sau khi tốt nghiệp đại học, Nguyễn Yên quyết định về quê nhà Đăk Nông sinh sống. Quyển số tiết kiệm 100 triệu đồng mà cô gái 24 tuổi vất vả kiếm được, nay hoá thành một mẫu đất rộng 500m2 sau khi Yên đi vay mượn thêm từ gia đình, người thân 250 triệu đồng. Dự kiến đến cuối năm nay, một farmstay cách Quốc lộ 14 chừng 1,5km sẽ thành hình.

“Khói bụi, bí bách và cảnh người xe như nước, áo quần như nêm của Sài Gòn làm mình ngán ngẩm”, Yên bộc bạch. Là người theo chủ nghĩa sống wellness (lối sống hướng đến các hoạt động thể chất, tình cảm, xã hội và môi trường), cô nàng yêu cách sinh hoạt tối giản, dùng sản phẩm thân thiện môi trường và thường xuyên tham gia các hoạt động cải tạo cảnh quan thiên nhiên. Càng ngày, Yên càng nhận ra thành phố đông đúc không phải là chốn nương thân thích hợp cho mình. Cô suy nghĩ đủ đường và rồi quyết định “bỏ phố về rừng”.

bo-pho-ve-rung-1628636820.jpg
Khi "về rừng" Yên cân bằng được sinh kế và lối sống xanh, chú trọng sức khoẻ mà mình theo đuổi.

Yên phân tích, rời TP HCM, cô mất đi công việc ổn định với thu nhập tốt. Các mối quan hệ bạn bè, đối tác hay người thân cũng dễ xa cách. Chưa kể, môi trường học tập và phát triển bản thân ít nhiều sẽ hạn chế hơn. Đổi lại, Yên được sống trong môi trường trong lành, trở thành người con của núi rừng như thuở nhỏ. Cô cũng có điều kiện gần gũi, chăm sóc cha mẹ đang gần tuổi xế chiều. Với farmstay, cô cân bằng được sinh kế và lối sống xanh, chú trọng sức khoẻ mà mình theo đuổi. Qua nông trại du lịch nhỏ, Yên muốn gửi gắm thông điệp bền vững đến từng khách lưu trú, nhất là các bạn trẻ.

Câu chuyện của Yên chỉ là một điển hình. Thời gian qua, nhiều người trẻ cả độc thân lẫn có gia đình, đang có xu hướng chuộng quay về vùng nông thôn, nhất là khu vực cao nguyên để sinh sống. Một nhóm cộng đồng “bỏ phố về rừng” trên Facebook cũng có hơn 40.000 thành viên. Mỗi tuần, các thành viên đều chia sẻ lý do chọn rời thành thị, sinh kế khi sống ở nông thôn, kinh nghiệm để không thất bại khi tìm về miền rừng núi…

Các đại gia bất động sản cũng “về rừng”

Không chỉ cá nhân, phong trào “về rừng” cũng trở thành kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản. Sôi động nhất trong năm nay là Lâm Đồng với cực nam châm thành phố Đà Lạt. Mới đây, Cty cổ phần Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh được UBND tỉnh này đồng ý nghiên cứu khảo sát, lập ý tưởng thiết kế quy hoạch khu đô thị phía Đông TP Đà Lạt rộng 530 ha. Hồi tháng 6, Liên doanh Tập đoàn Hưng Thịnh - Tập đoàn Đèo Cả - Tập đoàn Nam Miền Trung Group cũng đề xuất tài trợ lập quy hoạch và đăng ký đầu tư dự án 15.000 ha tại huyện Lâm Hà - Lâm Đồng theo hướng "khu đô thị mới tầm cỡ hiện đại, đồng bộ và đa chức năng". Trước đó, Tập đoàn Ecopark cũng tài trợ lập quy hoạch Khu đô thị đường Nguyễn Hoàng và hồ Vạn Kiếp rộng 207 ha, kỳ vọng hình thành trung tâm thứ hai của TP Đà Lạt.

4 tỉnh còn lại của khu vực Tây Nguyên cũng trở thành địa bàn của nhiều đại gia trong và ngoài ngành bất động sản. Sản phẩm điền địa đầu tay của Tập đoàn Trung Nguyên Legend là Khu đô thị Thành phố Cà phê rộng hơn 45ha tại trung tâm Buôn Mê Thuột (Đăk Lăk). Trong khi đó, Gia Lai trở thành nơi đổ bộ của Tập đoàn FLC với dự án FLC Hilltop hay TNR Holdings với dự án TNR Star Đăk Đoa…

bo-pho-ve-rung-flc-hill-top-1628637271.jpg
Xu hướng “bỏ phố về rừng” nằm trong chiến lược “đánh bắt xa bờ” và mang tính dài hạn của doanh nghiệp bất động sản

Cần hiểu rằng, xu hướng “bỏ phố về rừng” của doanh nghiệp bất động sản không hẳn “ăn theo” trào lưu của nhiều bạn trẻ. Đây thực chất chỉ là phương thức đa dạng hóa thị trường và dòng sản phẩm, nằm trong chiến lược “đánh bắt xa bờ” chung và mang tính dài hạn của mỗi doanh nghiệp. Từ những năm 2016-2017, các dự án bất động sản của một số ông lớn đã trở thành nàng vedette thu hút đầu tư của nhiều địa phương mới nổi.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến làn sóng viễn chinh này. Trong đó, quỹ đất ngày càng eo hẹp của TP HCM được xem là nhân tố cốt lõi. Ngoài ra, thủ tục pháp lý tắc nghẽn đẩy giá đất lên mức đắt đỏ tại thành phố đông dân nhất cả nước cũng khiến các địa phương mới nổi trở thành địa bàn sống còn trong tương lai của các doanh nghiệp địa ốc.

Trong một hội thảo bất động sản hồi cuối năm ngoái, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam từng nêu quan điểm, xu hướng tìm kiếm thị trường mới của các đại gia ngành địa ốc là câu chuyện bình thường vì đơn giản rằng "đất lành chim đậu". Nơi nào thị trường cởi mở, quỹ đất rộng và sức tiêu thụ tốt, các doanh nghiệp sẽ điểm danh. Theo dự báo toàn ngành bất động sản cả năm, VNDirect nhận định "làn sóng di cư" đến các tỉnh khác TP HCM và Hà Nội nói chung sẽ tiếp tục là xu hướng chính.

Chưa kể, cao nguyên thường là điểm đến du lịch ưa chuộng của nhiều người. Trong bối cảnh dịch bệnh và “sức nén” sau thời gian dài giãn cách, du lịch nội địa càng có nhiều kỳ vọng trong tương lai. Khảo sát của Booking.com trong năm trước chỉ ra, 46% du khách dự định khám phá một điểm đến mới ngay tại khu vực hay quốc gia họ sống. 44% du khách sẽ dành thời gian để tận hưởng vẻ đẹp tự nhiên của quê hương. 54% số người được hỏi dự định ghé lại nơi mà họ đã từng đến và muốn lưu trú trong nhà nghỉ dưỡng hoặc căn hộ hơn là ở khách sạn.

Những hệ luỵ

Tuy nhiên, việc kéo nhau “về rừng” dễ dẫn đến nhiều hệ luỵ cho quy hoạch và môi trường nếu diễn ra không bài bản và có trách nhiệm. Những dự án nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ, thiếu liên kết và tính bổ trợ sẽ khiến quy hoạch tổng thể bị phá nát. Vùng đồi núi với kết cấu địa hình, thổ nhưỡng và khí hậu phức tạp, nếu không tính toán khoa học, địa phương dễ lâm vào cảnh phá vỡ sự thống nhất và hoàn chỉnh của lớp vỏ địa lý. Nhiều hệ luỵ như ô nhiễm môi trường, mất rừng, sạt lở đất núi… cũng xuất phát từ đây.

Chưa kể, sự đầu tư tràn lan vào đất nền phân lô, chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà không tính đến việc đủ sức kéo dân về ở sẽ hình thành những đô thị “ma”, nặng hơn là thiếu đất sản xuất nông nghiệp. Dự án dân sinh mà tách bạch với hệ thống hạ tầng giao thông và hệ tầng xã hội cũng là mối nguy tiềm ẩn cho các địa phương trong việc quản lý. Ngay cả một số dự án vùng ven TP HCM cũng xuất hiện tình trạng “nhà ma”, “chung cư ma” khi hoàn tất xây dựng một thời gian dài mà không thấy cư dân đâu.

Do đó, “bỏ phố về rừng”, dù là cá nhân hay các doanh nghiệp bất động sản, cũng cần sự tính toán, khảo sát và triển khai bài bản, khoa học. Các dự án cần đầu tư mạng lưới hạ tầng giao thông, tăng tính liên kết và đồng bộ. Hiện tại, nhiều địa phương cũng khuyến khích các siêu dự án vài trăm đến hàng ngàn ha, làm thay đổi bộ mặt đô thị của toàn vùng với nguồn vốn lớn, tính chuyên nghiệp và quy củ của những doanh nghiệp uy tín.

Y Khải

Link nội dung: https://toancanhbatdongsan.com.vn/bo-pho-ve-rung-a466