Thanh Hóa trở thành “điểm nóng” BĐS công nghiệp ở phía Bắc

Lý do quan trọng khiến Thanh Hóa có lợi thế lớn về bất động sản công nghiệp bao gồm quỹ đất lớn, nguồn nhân lực dồi dào, cơ sở hạ tầng tốt và liên tục được đầu tư phát triển.

Theo ông David Jackson - Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, không chỉ ở phía Nam, xu hướng “ly tâm” của phân khúc BĐS công nghiệp cũng diễn ra ở phía Bắc.

Với các lợi thế về quỹ đất, giá thuê, cơ sở hạ tầng và chính sách phát triển, Thanh Hóa nhiều khả năng sẽ trở thành địa điểm sôi động tiếp theo của bất động sản công nghiệp tại phía Bắc.

Ngoài các thuận lợi về chính sách đã được đề cập trên truyền thông cùng với đà tăng trưởng kinh tế, lý do quan trọng khiến Thanh Hóa có lợi thế lớn về bất động sản công nghiệp bao gồm quỹ đất lớn, nguồn nhân lực dồi dào, cơ sở hạ tầng tốt và liên tục được đầu tư phát triển.

Về cơ sở hạ tầng, địa phương này có quốc lộ 1A đi qua, cảng nước sâu Nghi Sơn hay sân bay Thọ Xuân (đã được quy hoạch là sân bay quốc tế). Đoạn cao tốc Ninh Bình – Thanh Hóa thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam cũng sẽ dự kiến được hoàn thiện trong năm 2022. 

Thanh Hóa cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đầu tư 43 dự án giao thông với vốn đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng, đảm bảo việc di chuyển thuận lợi nhiều hơn nữa giữa các khu vực của địa phương có diện tích rộng và nhiều kiểu địa hình này. 

dji-0966-jpg-1631092775-9720-1631092849-custom-1640053848.jpg
Thành phố Thanh Hóa.

Xét về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tính đến tháng 11/2021, Thanh Hóa dẫn đầu khu vực miền Trung với 165 dự án và tổng vốn đăng ký đạt 14,6 tỷ USD. Thông tin Foxconn muốn chọn Thanh Hóa làm địa điểm đầu tư nhà máy có quy mô từ 100 đến 150 ha, tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD, doanh số xuất khẩu 10 tỷ USD/năm, cũng là tín hiệu quan trọng cho thấy nhiều nhà đầu tư quốc tế lớn đã bắt đầu có những động thái muốn đầu tư vào tỉnh Bắc Trung Bộ này. Trong số này, còn phải kể đến Aeon Mall của Nhật Bản và dự kiến Trung tâm thương mại Aeon Mall Thanh Hóa sẽ được khởi công trong quý đầu tiên của năm 2022. 

Ưu thế về giá cũng phải kể đến khi mà giá thuê trung bình bất động sản KCN tại Thanh Hóa vào khoảng 40 - 50 USD/m2/kỳ hạn thuê – mức rất hấp dẫn so với các địa phương sôi động về bất động sản công nghiệp ở phía Bắc. Theo đà phát triển, khi mà đất dành cho bất động sản công nghiệp ở các tỉnh thành khu vực xung quanh Hà Nội ngày càng “chật chội” và giá có xu hướng tăng cao, các nhà đầu tư sẽ hướng đến những tỉnh thành xa hơn và Thanh Hóa là lựa chọn phù hợp. 

david-jackson-colliers-vietnam-1634824201-1640053792.jpg
Ông David Jackson - Tổng giám đốc Colliers Việt Nam

Trước đó, trao đổi với Toàn Cảnh Bất Động Sản, ông Phạm Văn Nam - Đồng sáng lập Cổng thông tin Khu công nghiệp Việt Nam - Vietnam Industrial Zone cũng cho biết, quỹ đất ảnh hưởng nhiều đến tiềm năng phát triển của bất động sản công nghiệp. Muốn đầu tư khu công nghiệp có đầy đủ các phân khu chức năng thì phải có diện tích lớn, mà diện tích lớn chỉ có thuộc địa bàn kinh tế đặc biệt khó khăn mới dễ bố trí chứ còn quanh khu vực lân cận đô thị lớn thì hầu như đã quá tải.

Đặc thù phân bổ dân cư phía Bắc là dạng phân tán rải rác, dẫn đến để có được KCN mấy nghìn ha như miền Nam là khó. Mà chỉ có quy mô lớn thì mới bố trí đủ công năng, có tính liên kết. Ví dụ mô hình khu công nghiệp sinh thái phải đủ một quy mô thì mới hình thành được quần thể doanh nghiệp cộng sinh tuần hoàn, trong đó doanh nghiệp này cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp kia. 

"Tuy nhiên, các khu vực này lại thường không được thuận lợi cơ sở hạ tầng và giao thông, do đó, các khu công nghiệp phải bám theo các trục giao thông, logistics chính thì mới có thể thuận lợi phát triển và có cơ hội hoạch định lên những cấp độ cao hơn", ông Nam cho biết,

Link nội dung: https://toancanhbatdongsan.com.vn/thanh-hoa-tro-thanh-diem-nong-bds-cong-nghiep-o-phia-bac-a831