Vì sao vật liệu xây dựng mới chưa được đón nhận đúng mức? 

Những vật liệu xây dựng mới như tấm cách nhiệt panel, gạch không nung, xốp XPS,.. có công dụng tốt hơn trong bảo vệ môi trường, đảm bảo chất lượng công trình bền vững song vẫn chưa được sử dụng phổ biến.

Vật liệu mới góp phần xây dựng ‘xanh’

Sự phát triển không ngừng của các ngành kinh tế, tiến bộ của khoa học kỹ thuật tạo điều kiện cho ngành vật liệu xây dựng đạt những bước tiến lên tầm cao mới. Nhiều vật liệu xây dựng mới ra đời đáp ứng những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe, hiện đại cho công trình. Đồng thời giúp bảo vệ môi trường, rút ngắn thời gian thi công, nguồn nhân lực,...

Tại các nước phát triển, các công trình được xây dựng bằng những vật liệu mới đa dạng. Tuy nhiên ở Việt Nam, các vật liệu xây dựng mới như gạch không nung, xốp XPS, tấm cách nhiệt panel, bê tông nhẹ,... được quan tâm song vẫn chưa thực sự sử dụng một cách sâu rộng. 

Đa phần các vật liệu vẫn xuất phát từ việc khai thác tự nhiên như núi đá vôi, đất sét, sản xuất sắt, thép, xi măng thải ra môi trường nhiều khí CO2. Theo thống kê của Viện Vật liệu xây dựng, lĩnh vực xây dựng nói chung và các công trình tòa nhà phải chịu trách nhiệm với 50% lượng phát thải, tạo ra 33% lượng khí thải carbon và 40% chất thải rắn xây dựng. Điều này tác động rất lớn đến môi trường, ảnh hưởng đến điều kiện tự nhiên, sinh thái. 

tam-cach-nhiet-panel-1641005026.jpg
Tấm cách nhiệt Panel với trọng lượng nhẹ giảm chi phí và thời gian thi công cho công trình

Cũng vì vậy mà việc sử dụng các vật liệu mới đem lại nhiều ý nghĩa quan trọng đối với ngành vật liệu nói chung cũng như với đời sống, môi trường nói riêng. Những vật liệu mới được sản xuất từ nguồn gốc thực vật có sẵn trong tự nhiên hay chất thải công nghiệp sẽ giúp giảm giảm ô nhiễm môi trường, tránh tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Đối với các vật liệu có trọng lượng nhẹ còn giúp rút ngắn thời gian thi công, dễ dàng di chuyển đến mọi địa điểm, giảm chi phí điện năng trong hoạt động sản xuất. Nhờ vậy mà các công trình xây dựng được đảm bảo độ bền vững, chịu những sức ép lớn từ môi trường bên ngoài như gió, bão, khả năng về cách nhiệt và cách âm tốt hơn hẳn những vật liệu cũ. 

Ngoài ra, các vật liệu xây dựng sinh học còn bảo vệ sức khoẻ, tăng độ an toàn cho người sử dụng, dễ dàng phân huỷ hơn so với các vật liệu truyền thống. Trong số các vật liệu xây dựng mới như gạch không nung, đá siêu nhẹ,... nổi bật có vật liệu tấm cách nhiệt panel ngày càng phổ biến cho nhiều tập đoàn đầu ngành khi xây dựng nhà xưởng, phòng sạch, kho lạnh tiện lợi, bền đẹp. Các bê tông nhẹ, gạch bê tông cũng dễ dàng thay thế các bê tông thông thường giúp bảo vệ môi trường. 

Truyền thống 'ăn sâu', vật liệu xây dựng mới chưa được đón nhận đúng mức

Mặc dù có nhiều ưu điểm vượt trội và ngày càng phổ biến tại các nước phát triển trên thế giới, song tai Việt Nam các vật liệu xây dựng mới chưa được đón nhận đúng mức. Dưới đây là một số lý do chủ yếu:

Thói quen sử dụng vật liệu truyền thống ăn sâu

Sử dụng các vật liệu truyền thống đã ăn sâu thành thói quen từ xưa đến nay, nhất với xi măng, cốt thép là những vật liệu rắn chắc không thể thiếu trong các công trình. Bên cạnh đó, những kiến thức về những vật liệu xây dựng mới này chưa được phổ cập rộng rãi. Các vật liệu mới chưa được nhìn nhận đúng tiềm năng, nhất là ý nghĩa đối với công trình và môi trường. 

vat-lieu-xay-dung-truyen-thong-1641005026.jpg

Cần quan tâm hơn đến nguồn vật liệu xây dựng để hạn chế lượng phát thải toàn cầu

Việc tuyên truyền và phổ cập những kiến thức, đưa ra những chính sách để sản xuất và tiêu thụ những vật liệu xây dựng mới, vật liệu xanh là vô cùng cần thiết. Điều này sẽ dần thay đổi cách nhìn nhận cũng như hành vi sử dụng cho người dân và doanh nghiệp khi lựa chọn vật liệu xây dựng.

Giá thành, chi phí lắp đặt cao

Khi xây dựng các công trình, chi phí là yếu tố được các nhà đầu tư chú trọng, cần được tiết giảm tối đa. Thế nhưng nếu so với các vật liệu truyền thống, các vật liệu xây dựng còn mới mẻ, chưa được sản xuất rộng rãi đòi hỏi giá thành cao hơn. Cũng vì vậy mà các doanh nghiệp có tâm lý e ngại khi nhận định giá thành, việc so sánh giá vô tình trở thành lý do khiến họ chùn bước khi lựa chọn những vật liệu xây dựng mới.

Song xét về độ bền vững, những vật liệu cũ chắc chắn không mang lại hiệu quả cho công trình xây dựng. Một trong những vấn đề lớn thường gặp là tiêu thụ quá nhiều điện năng, ảnh hưởng đến năng suất cho người làm việc tại môi trường đó, khó khăn khi phải tháo dỡ công trình,... Có lẽ việc sử dụng các vật liệu mới sẽ cần mức vốn đầu tư ban đầu cao nhưng sẽ mang lại tính bền vững, giá trị lâu dài cho công trình và doanh nghiệp.

Kỹ thuật thi công

Năng lực của đội ngũ thiết kế thi công, nhà thầu, chủ đầu tư cũng là những yếu tố khiến công trình từ vật liệu mới chưa được đầu tư đúng mức. Để chuyển đổi nguồn nguyên liệu, vật tư mới trong xây dựng công trình đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao, trình độ tay nghề của đội ngũ lao động. Do đó các kỹ thuật kiểm tra chi tiết vật liệu, thực hiện thao tác lắp ráp theo trình tự cần đạt những tiêu chuẩn nghiêm ngặt.

Các kỹ thuật thi công mới cũng cần được đồng bộ giữa các công trình, đi kèm với nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến việc lắp đặt các vật liệu mới như vị trí của công trình, điều kiện khí hậu, quy trình khai thác, sử dụng của công trình khi đi vào hoạt động.

Có thể thấy vật liệu xây dựng mới, vật liệu xanh đang được quan tâm song chưa thực sự sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên trong tương lai gần, các vật liệu mới này sẽ ứng dụng sâu vào công trình công nghiệp , lan tỏa đến các công trình dân dụng, thương mại. 
 

Lý Võ

Link nội dung: https://toancanhbatdongsan.com.vn/vat-lieu-xay-dung-moi-chua-duoc-don-nhan-a860