Thiếu hụt vật liệu xây dựng: giá BĐS có thể tăng 20% trong một năm

Sự thiếu hụt vật liệu xây dựng đã tăng vọt trong năm 2021, liệu điều này có tiếp diễn trong năm 2022?

Ở thị trường quốc tế, nguồn cung các vật liệu xây dựng chính như ngói lợp, xi măng và thép ngày càng khan hiếm khiến giá của chúng tăng vọt, tác động đến ngành xây dựng trong cả năm. Trong đó nguyên nhân gây ra sức ép về giá được xác định là do lạm phát tăng trưởng, quy trình sản xuất các nguyên vật liệu tại các nhà máy ở Châu Âu bị chậm tiến độ và thiếu tài xế vận chuyển do tình hình dịch bệnh kéo dài.

Tuy nhiên đây không phải là chuyện chỉ diễn ra tại thương trường quốc tế. Ngay tại Việt Nam, quy trình nhập khẩu một số vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng từ quốc gia khác cũng phức tạp, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt và kéo theo giá thành phẩm của các doanh nghiệp xây dựng tăng mạnh.

vat-lieu-xay-dung-thep-1641270428.jpg
Sự thiếu hụt vật liệu xây dựng một phần có thể bắt nguồn từ việc gia tăng hoạt động xây dựng và cải tạo nhà khiến cung không đủ cầu

Nhìn chung giá nguyên vật liệu tại thị trường Việt Nam tăng do ảnh hưởng từ các vấn đề của ngành logistic. Theo thống kế từ Bộ Xây Dựng, trong năm 2021 tình hình dịch bệnh phức tạp khiến việc đi lại bị hạn chế, thông quan hàng khó khăn dẫn đến thiếu hụt và tăng giá nguyên vật liệu, vật tư xây dựng. Thêm vào đó là thời gian lưu kho bãi đối với hàng hóa xuất khẩu kéo dài, thiếu nhân công bốc xếp và vận tải buộc giá thành sản phẩm vật liệu xây dựng trên thị trường bật tăng bất thường. 

Những vật liệu, vật tư nào bị ảnh hưởng?

Trong 9 tháng đầu năm 2021, chỉ số giá xây dựng trong tăng 3,82% so với cùng kỳ năm 2020, tác động chính do sự tăng giá vật liệu, vật tư đầu vào như giá thép xây dựng tăng 30 - 40%; nhựa đường tăng 9 - 10%; xi măng tăng 3 - 5%... 

Thép

Riêng thị trường thép, sau nhiều ngày ổn định, các doanh nghiệp lại đồng loạt điều chỉnh mức tăng giá bán lên khoảng 16.610 - 18.120 đồng/kg tùy từng thương hiệu. Cụ thể, giá thép cuộn CB240 của Tập đoàn Hòa Phát tại miền Bắc tăng 460 đồng/kg, hiện ở mức 16.770 đồng/kg; thép cây D10 CB300 tăng 410 đồng/kg, lên mức 16.820 đồng/kg. Tại miền Trung và miền Nam, giá thép cuộn CB240 tăng 460 đồng/kg, lên mức 16.820 đồng/kg; thép cây D10 CB300 tăng 410 đồng/kg, hiện ở mức 16.870 đồng/kg.

Xi măng

Từ tháng 10/2021 đến nay, giá thành các vật liệu xây dựng lại được đẩy lên mức cao hơn sau một quý kinh doanh ảm đạm. Cụ thể, xi măng Công Thanh thông báo tăng thêm 70.000 đồng/tấn đối với tất cả sản phẩm. Xi măng Bỉm Sơn, Vicem Hà Tiên, Xi măng Luks Ninh Thuận Việt Nam... cũng điều chỉnh tăng giá các loại thêm 80.000 đồng/tấn. 

Cát

Cận tết, nhu cầu sửa, xây nhà ở riêng lẻ, các công trình dân dụng đang đẩy nhanh tiến độ nên giá cát xây dựng và cát san lấp mặt bằng vẫn tăng từng ngày. Ngược lại với giá, nguồn cung cát xây dựng cho thị trường TPHCM lại có dấu hiệu suy giảm. Theo thống kê, nguồn cát phục vụ công trình xây dựng ở TPHCM đang thiếu hụt khoảng 30 - 40%.

Lợi dụng sự khan hiếm vật liệu, nhiều doanh nghiệp nhanh chóng đẩy giá bán tăng gấp 1,5 – 3 lần. So với thời điểm trước đó, giá cát san lấp chỉ 100.000 đồng/m3 giờ tăng lên 150.000 đồng/m3. Cát xây thô lúc trước có giá 300.000 đồng/m3, giờ cũng tăng lên 450.000 đồng/m3. 

Áp lực tăng giá của doanh nghiệp bất động sản

Giá vật liệu xây dựng tăng cao đã tác động không nhỏ đến ngành xây dựng. Đối với doanh nghiệp ngành xây dựng dân dụng, giá vật liệu, đặc biệt là giá thép tăng vọt làm chi phí xây dựng tăng mạnh, biên lợi nhuận từ đó cũng bị thu hẹp lại. Đặc biệt, đối với các công trình của công ty làm hợp đồng với phía chủ đầu tư theo dạng khoán trọn gói thì khi giá thép tăng, phía nhà thầu phải chịu khoản chênh lệch. 

vat-lieu-xay-dung-day-gia-cong-trinh-1641270427.jpg
Doanh nghiệp bất động sản đang đứng trước những thách thức lớn về thiếu hụt nguồn lao động, vật liệu xây dựng,...

Theo đánh giá, với việc giá vật liệu xây dựng tăng nóng cũng khiến người mua nhà nhấp nhổm lo ngại. Nếu tình trạng vật liệu xây dựng tiếp tục gia tăng như hiện nay, trung bình giá thành xây dựng sẽ tăng 10 - 20%, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá thị trường bất động sản nói chung. 

Nhận định từ ông Ngô Quang Phúc - Tổng giám đốc Phú Đông Group cho biết trong một dự án chi phí sắt thép chiếm khoảng 15-20%. Với sản phẩm bất động sản, tất cả chi phí này sẽ được tính vào giá bán và khách mua nhà phải “gánh”.

“Khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao sẽ đẩy chi phí xây dựng tăng lên, cấu thành vào giá bán, điều đó bắt buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh giá tăng lên. Với các dự án chưa công bố bán hàng, chưa khởi công xây dựng, chủ đầu tư vẫn còn đủ thời gian để điều chỉnh tăng giá bán. Riêng với những dự án đã khởi công xây dựng và đang trong quá trình triển khai, chủ đầu tư sẽ phải chịu thiệt thòi về lợi nhuận”, ông Phúc chia sẻ.


 

Mỹ Lệ

Link nội dung: https://toancanhbatdongsan.com.vn/thieu-hut-vat-lieu-xay-dung-a864