Doanh nhân Chương Đặng: 'Đừng mua đất Bảo Lộc'

Cũng đừng mua đất Mũi Né, Lạc Dương trong thời điểm này nếu bạn không thật sự có một dự án cụ thể trong tay hay một lí do thiết thân liên quan đến việc thay đổi cuộc sống.

*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của doanh nhân Chuong Dang về bất động sản Bảo Lộc

Nếu bạn là dân kinh doanh bất động sản, bạn có tự hỏi vì sao bất động sản năm vừa qua ở hai đầu Hà Nội và Sài Gòn nóng ran mà Đà Nẵng miền Trung lại không sôi sục? Hội An từng sốt đất như Đà Lạt, như Bảo Lộc, như Phú Yên nhưng có lẽ Hội An là nơi hiếm hoi có một lượng rất lớn những người yêu tha thiết mảnh đất này, có rất nhiều người (cả người nước ngoài không phải dân đầu tư mà chỉ vì yêu mà đến sống) họ đến trước, trong và ở lại sau cơn sốt đất. Đất Hội An có thể đổi tên người làm chủ nhưng địa phương này vẫn kiếm tiền nhiều từ du lịch song hành cùng đời sống dân địa phương. Trừ phố cổ, và một số khu nhỏ, người địa phương không bị thay đổi nhiều dù khách du lịch có là ai và số lượng bao nhiêu. Song không phải nơi nào cũng có may mắn như Hội An; rất nhiều nơi sẽ phải hứng chịu tàn dư của những ham muốn kiếm tiền nhanh.

Nếu bạn nghiêm túc đầu tư chứ không đầu cơ, bạn sẽ nghĩ đến tính lâu dài: 

- Ai có thể dễ dàng bỏ ra vài ba tỉ mua một miếng đất nông nghiệp vài ngàn mét vuông ở Bảo Lộc? 

- Họ chắc chắn là bác sĩ, kĩ sư là tiểu thương hay công chức gặp thời… không ai trong số họ có ý định canh tác trên mảnh vườn ấy cả. Họ sẽ xây một căn nhà tiền chế hoặc chạy chọt giấy tờ lên thổ cư để xây biệt thự an dưỡng. Đó gọi nôm na là sử dụng sai mục đích nhưng vẫn còn mặt tích cực đáng kể trong việc tạo ra và giữ giá trị đất. Thật không may là phần lớn sẽ rơi vào trường hợp sau: mua đầu cơ, chứ không phải đầu tư! 

Đầu cơ đất là một cách lùa tiền qui mô hơn bán hàng đa cấp nhiều. Vì nó gom tiền của người trung bình, khá. Tùy vào sự thoải mái mà họ có thể mất vài tỉ, vài chục tỉ sau những biến động chính trị và tài chính; trong và ngoài nước.

Công thức: nông dân bán mảnh vườn nhỏ giá 1 tỷ. Cầm tiền hơi vi vu. Khách làng chơi (là khách thành thị đến chơi ở làng) sau khi mua cũng rủ bạn bè đến chơi cho vui. Năm ba bảy người tạo thành nhịp mua hớn hở khiến giá tăng lên. Nông dân sau bán cao hơn nông dân trước và khách làng chơi (vẫn là khách chơi làng) nổi máu con buôn, tiền lưng sẵn có hốt về vài ha. Từ đây nên nỗi.

Khách thơ từng đổ về những ngôi làng phía bắc, khu vực ngoại ô Huế, Hội An, nhà vườn miền Tây, và cao nguyên sương mù từ lâu rồi; nhưng họ là thơ thật, thơ trong cách sống và trong đạo đức vun quén về một nơi ở mới họ xem như quê hương thứ hai. Nhưng khách thương (buôn đất) thì không; bản chất của con buôn là mua một khối lượng lớn, rồi phân loại, bao gói, ca hát nhảy múa rồi bán lẻ. Nôm na là mua tận gốc, bán tận ngọn. 

Hầu hết các dự án đều có mùi “nham nhở”. Ban đầu họ phóng 1 con đường, sau đó họ ủi và cắt tà li, từ những cây rừng, hoặc cây lâu năm sẽ có những vườn hoa linh tinh diêm dúa, nhỏ bé, tủn mủn và những lô đất nền 4 mét x 40 mét.  
Những vẻ đẹp và giá trị hao hụt mạnh. Chẳng còn những bờ hoa quì vàng hanh hao tháng 11, chẳng còn những khe suối nước chảy ngang đường mùa hạ xanh mát, chẳng còn những bông hoa cà phê nở hương huyền thoại trong những thung lũng mùa xuân lạnh mướt.

Trước những biến động chính trị, khủng hoảng kinh tế, chiến tranh, bệnh dịch, lạm phát thì một khu vực, tỉnh thành sẽ được réo tên trên bản đồ du lịch, mãi sau này người ta mới nhận ra đó là “bị” chứ không phải “được”, bảng phong thần sẽ vĩnh viễn xóa sổ một nơi chốn ban đầu đầy những hoa mộng.

Thủa ban đầu, thị trấn B’lao đúng là một xứ hoa mộng. Ở đây có hai thứ trời ban: Thứ nhất, nước trong ngọt mát lành, khi  bắt được nước ngầm là một con suối cạn, một chiếc giếng khơi, một con lạch nhỏ đều là nước có thể uống được, không có mùi, mà có vị ngọt mát. Thứ hai, tính cân bằng của thời tiết: không quá nóng, không quá lạnh, không quá nhiều dông gió, không chịu khô hạn; nhiệt độ trong 24 tiếng không chênh lệch đáng kể. Khí hậu và thời tiết rất dễ đoán biết, ngày và đêm, mưa hay nắng rõ ràng và dịu dàng.

Hai điều này đã mang đến điều tuyệt vời thứ ba: con người thân thiện dễ chịu. Người Bảo Lộc vốn dĩ là dân nhập cư từ các nơi khác đến theo các đơn vị tôn giáo, nên khi thành lập và phát triển họ đã có sẵn tinh thần san sẻ, nhường nhịn và chấp nhận khác biệt. Cũng chính sự ôn hòa của khí hậu, mùa màng khiến họ không quá bon chen. Điều tuyệt vời khác là việc canh tác các loại cây lâu năm như trà, và cà phê, sầu riêng, hạt điều, hay cây ăn trái đã khiến cuộc sống của người dân đi vào một trật tự lý tưởng là lên kế hoạch chi tiêu xây dựng, đầu tư cho con cái rất căn cơ; không nhanh và vui tính như dân miền Tây với cây hoa màu ngắn ngày, cũng không phải canh chừng gió bão, mưa bay như miền Trung, cũng không hứng chịu sương giá, hanh nồm như miền Bắc.

Bảo Lộc sẽ hái lá trà mỗi tuần để mua lương thực, mua phân bón, đổi công để chăm cà phê thu hoạch mỗi năm để đóng tiền học cho con, mua gạch xây nhà, tu sửa đường phố… đều tăm tắp kể từ hơn nửa thế kỉ trước. Người Bảo lộc không hào hoa phóng khoáng như dân Sài gòn, cũng không thơ chất sành điệu như Đà Lạt.

Dân B’lao có giọng nói ấm áp, tính cách hiền hòa có phần nhút nhát, không manh động chụp, giựt. Ai đặt đâu thì cũng ngồi đó, xong rồi từ từ xin phép đi chỗ khác! Dân Bảo Lộc lành thôi chứ không hiền, nhưng được cái không gây mất lòng.
Thị trấn B'lao sau đó trở thành thị xã, và bây giờ là thành phố Bảo Lộc.  

Nóng lên, bê tông nhiều, ô nhiễm từ tiếng động đến ánh sáng. Những ngôi làng quy hoạch thời Pháp lấy nhà thờ làm trung tâm, đường nội hạt tách khỏi quốc lộ, chứ không bám theo trục đường; quảng trường làng, trường học, nhà thờ hay đình là tổ hợp kiến trúc tập trung sinh hoạt lành mạnh có kiểm soát. Các ngôi chùa nép mình bên núi hay ẩn trong thung lũng mù sương, những cô thôn nữ líu lo, những thanh niên chạy honda mang chân không, những cụ ông mặc pyjama dạo bộ, những em bé mắt buồn… Tất cả dần xa.

Đã nói là đầu tư, ai chẳng biết nguyên tắc này: không mua vào một sản phẩm giá sốt bất thường, giá trị bơm lên quá mức do thị trường bị lũng đoạn; lợi nhuận tiềm năng đều không khả dĩ bù lại vốn. Giá trị ảo chỉ giành cho đầu cơ, mà khi hạ màn, ai càng sở hữu nhiều càng thiệt.

Thôi đừng mua đất Bảo Lộc. Đừng mua đất Phan Thiết, Lạc Dương, Cam pu chia hay bất kì đâu mà trong lòng bạn không thật tình nghĩ về 3 điều:

- Mỗi sớm mai thức dậy tôi muốn thấy mặt trời bên hiên nhà, bên cửa sổ, bên khóm hoa trong sân ở nơi này!   

- Tôi muốn đưa anh tôi, bạn tôi, vợ hay tình nhân của tôi đến nơi này … tôi muốn giới thiệu với hàng xóm của tôi rằng: đây là anh tôi, đây là bạn tôi, đây là vợ tôi còn hôm bữa là ... À mà thôi, có khi chỉ “say hi”.

- Tôi muốn thi thoảng dù chỉ ghé ở vài ngày, được mặc chiếc áo len mỏng ra phố, uống cà phê, nghe giọng Bảo Lộc vừa quê quê, vừa thơ thơ … uống li cà phê không được chuẩn ngon dù là xứ cà phê, bèn uống li trà lại cũng chán vì trà phục vụ trong quán cũng thường là mất mặt xứ trà. Nhưng không sao, uống xong đi ăn bún bò, bùn bò Bảo Lộc ngon!

Không có 3 điều (tượng trưng ám chỉ sự gắn kết) trên, xin đừng đầu cơ đất xứ này hoặc một xứ nào.

Link nội dung: https://toancanhbatdongsan.com.vn/dung-mua-dat-bao-loc-a996