7 chiêu lừa đảo tinh vi khi mua bán nhà đất

Trước những công nghệ hiện đại và chiêu trò tinh vi, người mua nhà đất hiện nay dẫu cho có nhiều kinh nghiệm, đã tận mắt nhìn thấy sổ đỏ rồi những vẫn bị rơi vào những tình huống "tiền mất tật mang".

Ngày nay, các chiêu trò lừa đảo mua bán nhà đất ngày càng phổ biến. Nếu không thận trọng bạn có thể rơi vào những màn kịch mua bán được dựng sẵn. Dưới đây là những chiêu lừa đảo trong mua bán nhà đất thường gặp nhất.

1. Giấy tờ được công chứng đầy đủ nhưng sổ đỏ giả

Đối tượng lừa đảo làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giả vờ báo mất để cơ quan nhà nước cấp lại. Sau đó, họ sử dụng giấy này để công chứng, qua mắt các cơ quan và người mua bất động sản. 

toan-canh-bat-dong-san-thu-tuc-sang-ten-so-do-khi-thua-ke-nha-o-1623728036.jpeg
Những kẻ lừa đảo làm giả sổ đỏ để qua mắt người mua

Văn phòng công chứng chỉ có chức năng kiểm tra thông tin sổ đỏ và tình trạng thửa đất (tranh chấp, thu giữ, thế chấp…) chứ không có trách nhiệm, năng lực chuyên môn để xác nhận tính xác thực của sổ đỏ. Lợi dụng điều này, những kẻ lừa đảo rất dễ qua mắt được người mua và chiếm đoạt tài sản.

Để tránh bị lừa, bạn vui lòng mang sổ đỏ chính chủ đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, xác minh. Nếu kết quả là có thật, bạn có thể tự tin ký hợp đồng mua bán, đặt cọc, thanh toán.

2. Một mảnh đất nhưng bán cho nhiều người

Những kẻ lừa đảo thường đăng tin rao bán bất động sản với giá hấp dẫn kèm theo hình ảnh sổ đỏ, giấy tờ xác thực bất động sản rõ ràng, chân thực. Khi tiếp cận người mua, họ dụ người mua đặt cọc dưới nhiều hình thức khác nhau và viết cam kết bằng tay. Sau khi người mua đặt tiền cọc mua bán nhà với số tiền lớn thì bọn lừa đảo sẽ cắt đứt liên lạc.

Trong trường hợp này, người mua cần yêu cầu người bán xuất trình bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chỉ đặt cọc số tiền không quá 10% giá trị chuyển nhượng. Hợp đồng đặt cọc phải ghi rõ trách nhiệm và lưu ý điều khoản thời gian chuyển nhượng (không quá một tháng kể từ ngày đặt cọc).

Nếu quá thời gian quy định mà người bán không chuyển nhượng và có dấu hiệu bỏ trốn thì người mua có thể trình báo cơ quan công an, yêu cầu khởi tố vụ án để điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

3. Lừa mua nhà đất đang bị kê biên

Thật là một trường hợp trớ trêu khi bạn mua một căn nhà của người đang phải thi hành án. Giữa lúc tòa tuyên án đến khi thi hành án, những người này sẽ tìm cách bán nhanh nhà rồi chuyển cho bạn để đổi lấy tiền mặt. Sau đó, họ sẽ tẩu tán tiền ra ngoài thay vì sử dụng nó để thi hành án theo yêu cầu của tòa án.

dat-nen-chu-du-dieu-kien-mo-ban-1630231407.jpg
Người mua nên tìm hiểu kỹ pháp lý của bất động sản trước khi quyết định xuống tiền

Theo điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật thi hành án dân sự quy định cho dù đã công chứng sang tên nhưng: "Kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu người phải thi hành án chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố tài sản cho người khác mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án và không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Khi kê biên tài sản, nếu có người khác tranh chấp thì Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật Thi hành án dân sự." 

Vì vậy, nếu bên bán không còn tài sản nào khác và không có đủ tài sản để thi hành án thì căn nhà bạn mới mua vẫn bị tịch thu. Khi bạn muốn lấy lại sẽ xảy ra tranh chấp, kéo theo nhiều rắc rối. Bạn cũng có thể cần phải trả thêm tiền để thuê luật sư xử lý theo đúng luật.

4. Giấy tờ nhà là thật nhưng người bán không phải là chủ sở hữu

Kẻ lừa đảo tự xưng là chủ sở hữu, cho bạn xem sổ đỏ thật và khiến bạn tin tưởng và đặt cọc. Nhưng thực chất, chúng đóng giả người mua nhà, liên hệ với người có nhu cầu chuyển nhượng, yêu cầu người đó cho xem sổ đỏ, sau đó yêu cầu photo để có thể làm giả sổ.

Sau đó, một người khác tiếp tục đóng vai người đi xem nhà, yêu cầu chủ nhà cho xem sổ đỏ, khai thác sơ hở để đánh tráo. Thủ đoạn rất hiệu quả, những kẻ lừa đảo đã bán căn nhà cho người khác bằng cách sử dụng giấy tờ thật và tự xưng là chủ nhà.

Để phòng tránh chiêu trò tinh vi này này, người mua cần kiểm tra thông tin Sổ đỏ và thông tin cá nhân của chủ sở hữu. Cách tốt nhất là bạn nên kiểm tra thông tin từ các cơ quan nhà nước để biết được tình trạng của thửa đất và ai mới là chủ sở hữu thật sự.

5. Đóng vai người mua và người bán để đẩy giá nhà đất lên

Hình thức lừa đảo này được sử dụng khi người mua vẫn còn do dự về nhà đất vì nó được định giá cao hơn giá trị thị trường. Khi đang phân vân thì đột nhiên có người đến hỏi mua mảnh đất đó với giá cao hơn rất nhiều lần so với số tiền mà người mua đã trả cho bất động sản đó. Kể cả việc đặt tiền cọc để tạo dựng niềm tin. Do đó, người mua bị sập bẫy mua bất động sản ngay mà không hề biết rằng mình đang tham gia vào một trong những trò lừa đảo trong mua bán nhà đất.

6. Bán đất khác so với quảng cáo

Đối tượng lừa đảo lợi dụng lòng tin của khách hàng để bán không đúng loại đất ví dụ như: đăng tin bán đất thổ cư nhưng thực chất là bán đất nông nghiệp, đất chuyển đổi mục đích sử dụng, đất vườn ...

Người mua không nên tin tưởng 100% vào lời quảng cáo của người bán mà cần có những nguồn thông tin chính xác khác liên quan đến đất đai, được cơ quan nhà nước xác minh.

7. Thông qua hợp đồng vi bằng để lừa đảo mua bán nhà đất

Các trường hợp lừa đảo mua bán nhà đất thông qua các hợp đồng vi bằng thường xảy ra ở khu vực vùng ven thành phố. Những kẻ lừa đảo thường gom đất ở đây rồi tiến hành xây nhà, sau đó rao bán từng căn theo vi bằng.

Những kẻ lừa đảo mua bán nhà đất thường sử dụng những thuật ngữ như "vi bằng công chứng thừa phát lại" hay "công chứng thừa phát lại" để dụ những người mua nhà chủ quan rơi vào bẫy. Nên nhớ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật.

Thực tế là việc lập vi bằng chỉ là xác thực giao dịch xảy ra, với việc người mua thanh toán và người bán nhận tiền, chứ chưa thể xác minh tính xác thực của giao dịch đó theo luật. Đất dính kiện tụng, thế chấp ngân hàng, xây dựng trái phép… thì giấy chứng nhận trên không còn giá trị.

Trúc Nhã

Link nội dung: https://toancanhbatdongsan.com.vn/7-chieu-lua-dao-tinh-vi-mua-ban-nha-dat-a1346