Trò chuyện cùng Toancanhbatdongsan.com.vn, TS Cấn Văn Lực  - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đồng thời là  thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho biết, đầu năm 2021, các dự báo đều cho rằng nền kinh tế sẽ phục hồi rất nhanh. Tuy nhiên thì cú sốc hai đợt Covid-19 và biến chủng Delta đã khiến tình hình kinh tế tại thế giới và Việt Nam có nhiều xáo trộn. Các dự báo theo đó cũng thay đổi rất nhiều.

“Qua liên tiếp hai đợt bùng phát Covid-19 thứ ba và thứ tư, các hành vi về tiêu dùng, về đầu tư, về cuộc sống, về đi lại của con người đã thay đổi. Đặc biệt cả thế giới và cả Việt Nam chúng ta cũng đang theo chiều hướng như vậy”, ông Lực cho biết. “Trong 7 tháng đầu năm, qua theo dõi số liệu cập nhật chúng tôi thấy rằng các kênh đầu tư ở Việt Nam đã và đang có những phân hóa rất rõ rệt, khác biệt, về cả tỷ suất sinh lợi, cũng như sức đón nhận của thị trường”. 

Qua nghiên cứu, tiến sĩ Lực cũng đã đưa bức tranh rõ nét về hướng chảy của dòng vốn ở năm kênh đầu tư phổ biến của người Việt. 

Thứ nhất, kênh đầu tư tiền gửi tiết kiệm có nhích nhẹ 3,5-4%. Tuy nhiên mức tăng này chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Người dân và đặc biệt là các nhà đầu tư đang có chiều hướng dịch chuyển dòng vốn sang các kênh đầu tư khác.

Thứ hai, kênh đầu tư vàng cũng chung cảnh ngộ, khi được đánh giá kém hiệu quả, trong cả ngắn hạn và dài hạn. Khoảng 3-4 năm ở lại đây, vàng không còn là kênh được ưa chuộng, dù trước đó vàng được xem là kênh giữ tiền truyền thống của người Việt. Đầu năm đến nay, giá vàng chỉ tăng khoảng 2%. Hầu như ít có đợt tăng giảm mạnh từ đầu năm 2021 đến nay. Quan sát thị trường cũng thấy số lượng giao dịch không đột biến, lượng khách mua vào tuy nhiều hơn khách bán ra nhưng xu hướng không quá mạnh, chủ yếu phục vụ nhu cầu tích trữ, làm quà tặng. Vào quý II, các tiệm vàng trong nước đóng cửa hàng loạt, giao dịch và giá vàng cũng gần như “đóng băng” theo.

06-08-2021-quan-binh-thanh-tiep-nhan-may-tro-tho-phong-chong-dich-covid19-3109edc5-details-1628430790.jpg
TS Cấn Văn Lực là Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đồng thời là  thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia.

Thứ ba, chứng khoán đã có sự trỗi dậy mạnh trong năm 2021, phát triển tương đối tích cực mặc dù thị trường còn nhiều biến động. Chỉ số chứng khoán VNIndex từ đầu năm đến đầu tháng 8 có mức tăng 18%, theo ông Lực đây là mức tăng tương đối cao, nhất là với bối cảnh là kinh tế của Việt Nam còn nhiều khó khăn. Nhất là khi so sánh với năm ngoái, VN-Index chốt tăng có 15%.

Số lượng nhà đầu tư tham gia vào thị trường tăng rất nhanh. 6 tháng đầu năm có khoảng 620.000 nhà đầu tư F0 gia nhập, gấp khoảng 3,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái và tăng khoảng 58% so với cả năm 2020. Động lực này đã thúc đẩy thanh khoản của thị trường chứng khoán rất tích cực, bình quân khoảng 1 tỷ đô/ ngày trong 7 tháng đầu năm. 

“Tuy nhiên kênh này cũng là một kênh tương đối rủi ro bởi vì chỉ số biến động khá là thất thường và đương nhiên nhà đầu tư phải có những kiến thức rất là vững chắc mới đảm bảo thành công bền vững”, ông Lực nhấn mạnh.

Thứ tư, bất động sản trong 7 tháng đầu năm vẫn giữ sức nóng xuyên suốt. Tuy vậy, theo ông Lực phân tích, nhóm đầu tư lướt sóng chủ yếu rơi vào quý I, khi thị trường còn khá nóng và sốt đất xuất hiện ở một số cụm điểm. Sau đó sang quý II, cơ quan chức năng đã vào cuộc và đã giảm bớt đi những cơn sốt đất nền không đáng có tại một số địa phương.  Đến tháng 4 và 5, “cơn sốt” đất đa phần đã hạ nhiệt. Các nhà đầu tư ở quý II chủ yếu đặt mục tiêu dài hạn, song song đó sẽ tái cơ cấu danh mục sản phẩm của mình để chuẩn bị cho các kịch bản ở quý III, quý IV.

Cuối cùng, dòng vốn đổ vào đầu tư cho các công ty khởi nghiệp cũng trở nên bó hẹp khi bối cảnh dịch bệnh diễn ra phức tạp. Nhiều ngành nghề trước đây rất “nóng”, doanh thu, chỉ số tăng trưởng khá cao nhưng trong 2020 và 2021 đã có dấu hiệu chững lại, tuột dốc như khách sạn, di chuyển… Bù lại, các startup gắn với chuyển đổi số (fintech, proptech, edtech), thương mại điện tử, lương thực - thực phẩm và bất động sản có nhiều tiềm năng.

Tương tự ý kiến của ông Lực, báo cáo của quỹ đầu tư Do Ventures công bố tháng 5 cho thấy,  HRTech (công nghệ nhân sự), PropTech (công nghệ bất động sản) tiếp tục thu hút vốn đầu tư, trong khi các ngành như EdTech (công nghệ giáo dục), MedTech (công nghệ y tế), và SaaS (phần mềm dạng dịch vụ) đang tăng dần lên do sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp sau dịch COVID-19.

Ông Lực đồng thời nhấn mạnh, số lượng doanh nghiệp bất động sản khởi nghiệp trong đầu năm qua cũng có cú nhảy vọt bất ngờ. 

Theo số liệu Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm số lượng doanh nghiệp mới kinh doanh đầu tư môi giới bất động sản tăng 34%, tức là có khoảng 4.800 doanh nghiệp mới. Đây có thể coi là con số tích cực khi so sánh với mức tăng 8,1% của tổng thị trường. Đồng thời số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản quay trở lại hoạt động cũng tăng khoảng 23% và tương đương 1.000 doanh nghiệp. Mức này rõ ràng rất khả quan và cao so với mặt bằng chung của toàn bộ thị trường doanh nghiệp là chỉ có tăng khoảng 3,6% số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Mặc dù vậy thì số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản ngừng hoạt động kinh doanh tạm thời cũng tăng tương đối cao gần 30%, tương đương với là 1.200 doanh nghiệp kinh doanh đầu tư bất động sản đã phải tạm ngừng hoạt động kinh doanh tạm thời trong thời gian vừa qua, mức này cao hơn so với mức bình quân của toàn thị trường là 23%. 

Nhằm giúp độc giả và các nhà đầu tư có cái nhìn cụ thể về sự chuyển động của dòng vốn trong năm qua, cũng như dự báo cho giai đoạn tới, Toàn Cảnh Bất Động Sản thực hiện chương trình “Talkshow Toàn Cảnh” số thứ 5, với chủ đề “Dòng tiền chảy về đâu”

Chương trình hé lộ góc nhìn tổng quan của chuyên gia về sự chuyển động dòng vốn đầu tư trên thị trường nửa cuối năm 2021. Đồng thời chia sẻ lời khuyên về đầu tư ở 5 danh mục quan trọng: bất động sản, chứng khoán, vàng, khởi nghiệp, tiết kiệm. 

digitech-google-slidespptx-1628430408.png
Talkshow Toàn Cảnh” số thứ 5, với chủ đề “Dòng tiền chảy về đâu”.

Talkshow có sự góp mặt của: 
⋆ TS. Cấn Văn Lực - Cố vấn Cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV. 
⋆ Ông Nguyễn Quốc Bảo - chủ tịch của Câu lạc bộ bất động sản Việt Nam (VREC) và CLB BĐS TPHCM (HREC)

Thông tin chi tiết:
• Thời gian dự kiến: 20:00 PM - 20:30 PM | Thứ 4 Ngày 11/8/2021
• Hình thức: Công chiếu trên Fanpage và YouTube TOÀN CẢNH BẤT ĐỘNG SẢN và chuyên trang Toancanhbatdongsan.com.vn