Chủ nhà chỉ là ‘cổ đông’

Nhiều người cứ nghĩ căn hộ hay ngôi nhà mà họ đang thuê thuộc sở hữu của chủ nhà. Trong khi đó, rất nhiều chủ nhà hiện nay đầu tư nhà ở cho thuê dùng khoản vốn không chỉ từ cá nhân, mà còn có thể là khoản hùn hạp làm ăn từ bạn bè, hoặc là ngôi nhà của các anh em trong gia đình...

Đơn cử như trường hợp của chị Thanh Tuyền - chủ 8 căn hộ dịch vụ tại quận Bình Thạnh, TP HCM, khoản tiền đầu tư 4 tỷ đồng có được nhờ vào vốn liếng của 3 anh chị em cùng vay mượn từ bố mẹ. Đưa vào hoạt động từ đầu năm 2021, may mắn khi tốc độ lấp đầy khá nhanh, kể cả mặt bằng tầng trệt cũng được một salon tóc thuê lại. Chị khá an tâm mình sẽ nhanh chóng hoàn vốn trong khoảng 3 năm đổ lại. Lợi nhuận thì chưa thấy đâu, điểm hòa vốn còn cách khá xa thì dịch Covid-19 ập đến hai lần vào tháng 1 và tháng 5. 

“Tuy là quản lý chính cho tòa nhà, nhưng toàn bộ thu chi đều phải được xét duyệt bởi tất cả anh chị em và cả bố mẹ. Chưa kể lợi nhuận mỗi tháng cũng sử dụng cho các chi phí trong gia đình. Do đó nếu muốn giảm giá, mình phải xin ý kiến của toàn thể các ‘cổ đông’ chứ không tự mình quyết định được’, chị Tuyền nói và đồng thời cho biết trong mùa dịch này chính chị cũng mất thu nhập từ công việc chính ba tháng qua.

171761014-232552065227243-6113079973718033349-n-1626433840.jpg
Chị Tuyền tăng cường dịch vụ vệ sinh phòng ốc, chia sẻ quà bánh với khách thuê chứ khó giảm giá.

“Mình chỉ có thể hỗ trợ khách thuê khi cố gắng tăng cường tần suất dọn dẹp vệ sinh căn hộ, biếu tặng hoặc san sẻ cho họ những món quà, đồ ăn, thức uống của gia đình. Chứ giảm giá thì rất khó”, chủ nhà này nói thêm.  

Áp lực từ chủ gốc

Một dạng “chủ nhà” khác khá thịnh hành là mô hình thuê lại nhà rồi cho thuê nhằm hưởng phần lợi nhuận chênh lệch. Thế nhưng, hình thức kinh doanh này lại gặp khó trong việc giảm giá tiền nhà bởi khi khách thuê phải chịu cảnh một cổ hai tròng. Một tròng là chủ gốc của bất động sản, tròng còn lại là chủ nhà hiện thuê lại từ chủ gốc.

Anh Tuấn Minh – hiện thuê lại 6 phòng trọ tại quận 4, TP HCM cho biết anh vừa phải ra quyết định giảm giá một triệu đồng cho một phòng vào đầu tháng 7. Ít ai biết, chủ nhà gốc chỉ giảm cho anh 3 triệu đồng/một tháng, tức tương ứng mỗi phòng chỉ giảm 500.000 đồng. Phần còn lại anh đã tự cắt đi lợi nhuận để giảm cho khách. Thế nhưng trái khoáy lại có đến 3 trên 6 khách đã trả phòng khi nghe tin TP HCM giãn cách theo Chỉ thị 16. Đồng nghĩa với việc anh Đạt đang lâm vào cảnh “khó chồng khó’, mất nguồn thu từ số phòng đã trả, vừa phải giảm lợi nhuận cho thuê.

“Giảm cho khách một triệu đồng một người mà có người còn đi so sánh với các dãy phòng kế bên, thậm chí có người còn post facebook kể lể than vãn kiểu như chủ nhà ác, tham, không có tình đồng loại... Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, sức khỏe tài chính của người đi cho thuê cũng khác nhau, không thể đánh đồng tất cả được”, Minh nói.

Anh cho biết trong thời gian cho thuê trước đó còn phải bù cho khách khá nhiều, khi các khách ở trọ đều không mấy trân trọng chỗ ở. Mỗi đợt khách dọn khỏi phòng, anh đều phải chi tiền để sửa chữa hỏng hóc thiết bị, hư hại nhà cửa. “Chủ gốc họ cũng đâu chịu nhận lại nhà nếu tình trạng phòng không được như ban đầu”, Minh trần tình.

Chủ nhà phải trả thêm chi phí vì dịch bệnh 

Chị Phi, quản lý 17 căn hộ dịch vụ của công ty gia đình tại Thảo Điền cho biết, năm ngoái khi thành phố giãn cách, chị đã gửi thông báo giảm 20% tiền nhà trong 3 tháng (6,7,8) cho khách để chia sẻ. Năm nay dù rất khó khăn nhưng công ty cũng quyết định tiếp tục giảm tiền nhà. Thực tế căn hộ dịch vụ như bên chị giá thuê thấp hơn chung cư tầm 25% cho cùng một diện tích. Đối với căn hộ dịch vụ chủ nhà phải tốn thêm chi phí dọn vệ sinh căn hộ, giặt drap trải giường mỗi tuần cho khách. Chi phí bảo trì sửa chữa đồ dùng trong căn hộ cũng không nhỏ, vì đặc trưng của căn hộ dịch vụ là "bao trọn". Càng trong giãn cách, khách ở nhà nhiều hơn thì trang bị trong nhà hư hao nhiều hơn, đồng nghĩa với việc chi phí vận hành lại cao hơn. 

woman-calculating-rent-payments-6lh6nqk-1626433892.jpg
Chủ nhà cũng có biết bao nhiêu chi phí cần giải quyết trong mùa dịch.

Cùng quan điểm với chị Phi, anh Hùng Anh ở quận Gò Vấp cho biết: "Chi phí vận hành khu phòng trọ cho thuê của anh không hề giảm, thậm chí tăng lên trong mùa dịch. Cụ thể, anh phải thuê người bảo trì toàn thời gian để hỗ trợ khách kịp thời, bảo vệ, người vệ sinh ở lại không được về nhà theo yêu cầu của chính quyền, phải chăm lo chỗ ở, thức ăn và chi trả thêm tiền thời gian cho họ. Nếu không thì mình đâu có tự kham hết chừng đó công việc được. Như vậy giảm tiền nhà cho khách, chi phí lại tăng thì thành ra mình lỗ vốn. Thêm vài tháng nữa có khi tôi phá sản!”

Chủ nhà đâu phải là chuyên gia tâm lý!

“Dẫu biết trong mùa dịch, ai cũng khó khăn, tiết kiệm được khoản nào thì hay khoản ấy. Nhưng không vì thế mà khách thuê luôn mặc định là chủ nhà phải là người chủ động giảm giá nhà hay đợi chúng tôi đưa ra đề nghị giảm giá” là chia sẻ của Khánh Vy, chủ của 4 căn hộ dịch vụ tại quận Gò Vấp, TP HCM. 

Khánh Vy kể cô gặp trường hợp “dở khóc dở cười” khi nửa đêm thì một khách thuê nhà gửi đường link 4 bài báo kể về những câu chuyện ấm lòng, san sẻ cho nhau giữa đại dịch và sau đó… không nói gì thêm. Điều này khiến Khánh Vy trằn trọc suốt cả đêm để rồi phải hỏi ngược lại ý đồ của khách thuê.

“Thay vì đề cập thẳng thắn nguyện vọng, khách thuê chọn cách đi đường vòng. Làm sao tôi có thể biết họ cần hỗ trợ khi nhìn bề ngoài, mọi chi tiêu, ăn uống của họ đều không mấy thay đổi, thậm chí còn mua sắm online nhiều hơn bình thường”, Khánh Vy tâm sự.

Đồng tình với quan điểm trên, Hoàng An - chủ một căn hộ cho thuê ở TP Thủ Đức cho biết: “Họ mặc định việc giảm giá thuê là đương nhiên, là nhiệm vụ của tôi nên không có ý thức tự giác nêu tình trạng khó khăn của bản thân để nhờ tôi hỗ trợ. Hỗ trợ như thế nào, hỗ trợ bao nhiêu là đủ cũng là điều người cho thuê rất băn khoăn”.

Kể cả người đi thuê hay người cho thuê đều có cái khổ riêng. Đặt mình ở vị trí của "phe đối diện", chúng ta sẽ có cái nhìn thông cảm hơn, cùng cố găng vượt qua giai đoạn khó khăn của thị trường.