Điểm tin bất động sản 1/4: Hà Nội quy hoạch đô thị sông Hồng, đầu tư 2 tuyến đường sắt đến sân bay Long Thành

Lan Anh
Hà Nội quy hoạch đô thị sông Hồng, đầu tư 2 tuyến đường sắt đến sân bay Long Thành,... là các tin tức đáng chú ý sáng 1/4

Đề xuất đầu tư sớm 2 tuyến đường sắt đến sân bay Long Thành

Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa có công văn yêu cầu Bộ Giao thông vận tải thống nhất với UBND 3 tỉnh, thành phố Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, UBND TP. HCM và các Bộ liên quan về phương án đầu tư dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu và dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – cảng hàng không quốc tế Long Thành, bảo đảm phù hợp quy hoạch, đúng thẩm quyền theo quy định pháp luật.

tuyen-duong-sat-1648798912.jpg

Tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - cảng hàng không quốc tế Long Thành được đưa vào quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối TP. HCM. Theo đó, tuyến có điểm đầu tại ga Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức, TP. HCM, điểm cuối là cảng hàng không quốc tế Long Thành. Chiều dài toàn tuyến khoảng 38km, thiết kế đường đôi với 19 nhà ga, chuyển vận chuyển hành khách đi lại tới sân bay này. Tính toán ban đầu cho thấy, tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 40.500 tỷ đồng.

Trong khi đó, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài khoảng 84km, có điểm đầu từ ga Trảng Bom, điểm cuối tại cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 50.000 tỷ đồng.

Vì các tuyến đường sắt trên đi qua địa phận của 4 tỉnh thành gồm Đồng Nai, Bình Dương, TP. HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, do đó theo quy định của Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất với các địa phương để báo cáo Thủ tướng quyết định giao UBND tỉnh Đồng Nai làm cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy đến năm 2030, ở phía Nam có 4 tuyến đường sắt gồm Biên Hòa - Vũng Tàu; tuyến TP HCM - Cần Thơ từ ga An Bình đến ga Cái Răng dài 174 km; tuyến TP HCM - Lộc Ninh từ ga Dĩ An đến biên giới Việt Nam - Campuchia (cửa khẩu Hoa Lư) dài 128 km; tuyến Thủ Thiêm - Long Thành.

Hà Nội: Phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND về phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) với quy mô gần 11.000ha, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện.

Theo đồ án quy hoạch, Hà Nội đã nghiên cứu quy hoạch 8 bãi sông Hồng. Phân khu đô thị sông Hồng trải dài 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở; thuộc địa giới hành chính của các quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Đan Phượng, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín và Thanh Trì.

khu-do-thi-song-hong-1648798912.jpg

Phân khu quy hoạch có diện tích gần 11.000ha, trong đó, sông Hồng chiếm 3.600ha (33%), đất bãi sông trên 5.400ha (50%), phần diện tích còn lại là khu vực đã xây dựng gồm các khu làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời như: xã Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt; Các khu phố ngoài đê như Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá... Ngoài ra, còn có đất các công trình hạ tầng xã hội (công cộng, trường học), các công trình hạ tầng kỹ thuật, đất an ninh quốc phòng, công nghiệp (kho bãi, bến cảng). Dự báo quy mô dân số tối đa tại khu vực này đến năm 2030 vào khoảng 300.000 người. Trong đó, dân số hiện có giữ lại cải tạo chỉnh trang là 215.000 người, dân số đất nhóm nhà ở mới là 85.000 người.

Theo định hướng quy hoạch, phân khu đô thị sông Hồng có chức năng chính là không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm được xác định tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, là trục không gian đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm, với chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hóa dịch vụ du lịch giải trí biểu tượng của Thủ đô, phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch.

Dự báo quy mô dân số tối đa tại khu vực này đến năm 2030 khoảng 300.000. Trong đó, dân số hiện có giữ lại cải tạo chỉnh trang là 215.000, dân số đất nhóm nhà ở mới là 85.000

Hải Dương: Thành lập hai Cụm công nghiệp 116,5ha 

Mới đây, UBND tỉnh Hải Dương đã có quyết định về việc thành lập hai Cụm công nghiệp Tứ Cường và Tứ Cường - Chi Lăng Bắc, huyện Thanh Miện.

Cụm công nghiệp Tứ Cường thuộc xã Tứ Cường có diện tích 41,5 ha. Phía bắc giáp bờ vùng hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải. Phía nam giáp Quốc lộ 38B. Phía đông giáp khu dân cư thôn Gia Cốc. Phía tây giáp cụm công nghiệp Cao Thắng, huyện Thanh Miện. Các ngành nghề hoạt động gồm công nghiệp phụ trợ, điện, điện tử, tự động hoá, công nghiệp nhẹ, máy móc, thiết bị, chế biến hàng tiêu dùng, thực phẩm, công nghệ dược ...

Chủ đầu tư là Công ty cổ phần An Lộc Phát HD, doanh nghiệp thành lập được gần hai năm, có địa chỉ tại số 8 Đào Tấn, phường Tân Bình, TP.Hải Dương.

Còn cụm công nghiệp Tứ Cường - Chi Lăng Bắc có quy mô 75 ha tại các xã Tứ Cường, Chi Lăng Bắc và Ngũ Hùng. Phía bắc giáp đất canh tác và dân cư thôn An Khoái. Phía nam và tây giáp đất canh tác. Phía đông giáp đường tỉnh lộ 392B. Ngành nghề hoạt động gồm công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử và các ngành công nghiệp công nghệ cao…

Ngoài ra đây cũng là cụm công nghiệp sinh thái, xanh, sạch, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, đạt tiêu chuẩn về môi trường theo quy định; các nhà đầu tư thứ cấp bảo đảm tiêu chí hoạt động công nghiệp xanh, sạch, không gây tiếng ồn, không bụi, không khói.
Công ty cổ phần hạ tầng công nghiệp và đô thị TeLin làm chủ đầu tư. Doanh nghiệp được thành lập từ tháng 1/2020, địa chỉ tại thôn An Khoái, xã Tứ Cường, huyện Thanh Miện.

Các cụm công nghiệp này đều được định hướng phát triển đa ngành, bao gồm nông nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; sản xuất truyền thống, thủ công mỹ nghệ; cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng; các ngành công nghiệp hỗ trợ và những ngành nghề không gây ô nhiễm môi trường thuộc danh mục sản phẩm hỗ trợ ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh và Chính phủ ban hành; ưu tiên thu hút các ngành, nghề có tính liên kết, hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp và thu hút, giải quyết được nhiều lao động tại địa phương.

Trần Thy