Bức tranh toàn cảnh Khu Tây dần hiện rõ nét

Sở hữu nhiều động lực phát triển, bất động sản Đức Hòa - Long An càng nóng lên từng ngày khi các “ông lớn” bất động sản đua nhau đổ bộ, tạo nên một làn sóng chưa từng có tại thị trường đầy tiềm năng này.

Là điểm kết nối chiến lược giữa TP Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế của cả nước với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trong những năm gần đây, Long An nhanh chóng bứt phá trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Năm 2021, Long An thu hút vốn FDI trên 3,7 tỷ USD, riêng trong các khu công nghiệp thu hút được 84 dự án, trong đó có 35 dự án FDI với số vốn đăng ký gần 450 triệu USD và 49 dự án trong nước với số vốn gần 12.000 tỷ đồng

Sự phát triển về hạ tầng, kinh tế - xã hội tại Long An đã kéo theo sức cầu lớn về chốn an cư cũng như các dịch vụ thương mại chất lượng. Tuy nhiên, sản phẩm này trên địa bàn còn thiếu vắng, đó chính là động lực để các “ông lớn” địa ốc đổ về đầu tư, điển hình là các dự án quy mô của các Tập đoàn lớn như: Vingroup, MIK group, Sun Group...

duc-hoa-long-an-1-custom-1646906942.jpg

Mới đây, trong buổi tọa đàm “Xu hướng đầu tư vùng ven: Long An” do trang cộng đồng Review Bất động sản tổ chức, ông Trương Trần Thế Vinh – Tổng giám đốc Winhouse – cho biết về bất động sản khu Tây cũng sở hữu tiềm năng tăng trưởng tương tự như khu Đông. Đặc biệt khi khu vực này hiện tại mang nhiều màu sắc như khu Đông giai đoạn 2015-2016 về hạ tầng, quỹ đất, giao thông…

“Các quận phía Tây TP HCM như quận 6, quận 8, huyện Bình Chánh và tiến đến khu vực huyện Đức Hòa, Bến Lức và Cần Giuộc ở tỉnh Long An sẽ trở thành miếng bánh ngon cho các chủ đầu tư, các nhà đầu tư lẫn cộng đồng môi giới trong tương lai, khi nơi đây sẽ sớm cất cánh về mặt bằng giá trong giai đoạn tới”, ông Vinh cho biết.

Đồng quan điểm trên, ông Lê Tấn Minh Quân – Giám đốc Kinh doanh dự án Diamond City đồng thời cho rằng, bức tranh toàn cảnh của khu Tây đang dần hiện rõ nét trong những năm vừa qua. Mức giá bất động sản tại đây gần như tỷ lệ thuận với đà phát triển về hạ tầng, tiện ích.

“Lấy ví dụ năm 2007, khi đó thị trường bất động sản tại TP HCM chỉ tập trung về hai cực khu Nam và khu Đông. Thế nhưng khi trục xuyên tâm Võ Văn Kiệt hình thành, rút ngắn thời gian di chuyển từ phía Đông đến Tây TP HCM thì giá nhà đất nơi đây tăng vọt. Đó là cột mốc thứ nhất. Đến cột mốc thứ hai là khu vực tiện ích hiện đại tại quận Bình Tân thành hình bao gồm trung tâm thương mại Aeon Mall Bình Tân, bệnh viện quốc tế… thì giá bất động sản càng được đà bật nhảy”, ông Quân nói.

Lấy ví dụ khu Tên Lửa (quận Bình Tân), năm 2010 giá trị nhà đất tại đây rất thấp, chỉ ngang với các khu vực ngoại ô. Tuy nhiên đến năm 2021 vừa qua, ghi nhận của ông Quân là nhiều khu vực tại đây có giá đạt 200 triệu đồng/m2, ngang với nhiều cung đường lớn tại khu Đông.

Long An - điểm đến cho nhà đầu tư

Đào sâu hơn tại khu vực phía Tây TP HCM, theo giới chuyên giá hiện tại tiềm năng phát triển sẽ còn lan tỏa mạnh đến các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc thuộc tỉnh Long An.

Theo ông Lê Tấn Minh Quân – Giám đốc Kinh doanh dự án Diamond City, Long An sở hữu vị trí chiến lược khi là vùng đệm giữa TP HCM và Đồng bằng Sông Cửu Long. Do đó, không sớm thì muộn khu vực này cũng sẽ được đầu tư hệ thống hạ tầng, đường sá nhằm tăng tính kết nối liên vùng. Bằng chứng là trong giai đoạn 2020-2021, tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành đã thành hình và dự kiến thông xe vào cuối năm 2022 là một ví dụ điển hình. Đây được xem là đường dẫn mạch quan trọng, giúp kinh tế Long An nói riêng và các tỉnh miền Tây nói chung bứt phá.

thanh-pho-tan-an-1-1646906942.jpg

“Sẽ cần khoảng 7 năm, tức đến năm 2030 để ba khu vực đô thị vệ tính giáp ranh TP HCM này hiển thị rõ về mặt hạ tầng, tiện ích. Đây chính là giai đoạn ‘vàng’ để các nhà đầu tư có thể tìm cho mình một cơ hội”, ông Quân nhận định.

Phân tích cụ thể hơn về lợi thế giữa ba vùng phụ cận này, chuyên gia từ Winhouse – Thắng Lợi Group cho rằng, Đức Hòa và Bến Lức sẽ có nhiều lợi thế hơn trong ngắn hạn và trung hạn. Có ba lý do chính:

Thứ nhất, Đức Hòa và Bến Lức tiếp giáp với 3-4 vùng kinh tế quan trọng, bao gồm TP HCM, Đồng Bằng Sông Cửu Long, Campuchia, và Thành phố Tây Bắc tương lai tại TP HCM.

Thứ hai, nơi đây là khu vực tập trung nhiều dự án hạ tầng quan trọng như tuyến Vành đai 4, đường tỉnh 823D, đường Lương Hòa - Bình Chánh, đường Hựu Thạnh - Tân Bửu… 

Thứ ba, cả hai huyện và đặc biệt là Đức Hòa đều sở hữu nền đất cao, kết cấu tốt cho các dự án bất động sản quy mô, phù hợp với “gu” của các chủ đầu tư lớn. Điển hình là ngay tại Đức Hòa, Long An, theo chuyên gia, sắp tới sẽ xuất hiện khu đô thị 900ha của "ông lớn" Vingroup. Đây được xem là dự án khai phá tiềm năng bổ ngỏ của khu vực Đức Hòa này, thay đổi mạnh mẽ cục diện thị trường Long An.

“Sắp tới, khi đồng loạt Đức Hòa, Bến Lức và Bình Chánh cùng được nâng cấp thành thành phố, dự đoán sẽ có một cuộc tăng giá mạnh mẽ tương tự như khi Dĩ An, Thuận An và Thủ Đức cùng lên thành phố. Và dĩ nhiên các nhà đầu tư nào đón đầu tiềm năng này trong giai đoạn 5-10 năm tới thì đều sẽ hưởng được thành quả”, chuyên gia nói.

Cũng theo hai chuyên gia, đối với các thị trường còn triển vọng dài hạn như Long An nói chung hay Đức Hoà, Bến Lức nói riêng thì đất nền vẫn được xem là tài sản đáng sở hữu nhất. Lợi thế của đất nền ở các thị trường mới gồm có: khung giá vừa tầm, biên lợi nhuận thường niên cao, tính đa dạng trong khai thác, pháp lý rõ ràng và thanh khoản cao.

"Trên thực tế, hiện tại các dự án đất nền sổ hồng riêng tại khu vực Đức Hòa đang được giới đầu tư săn đón mạnh mẽ nhất. Đặc biệt là các sản phẩm ở khung giá 18-20 triệu đồng luôn nhanh chóng thoát hàng, chứng tỏ hấp lực với các nhà đầu tư", chuyên gia nói.