Đừng bao giờ nghĩ khán giả chả biết gì!
Mặc dù hiện nay, các sự kiện bất động sản có sự phân chia rõ ràng về thể loại, theo những mục đích nhất định như sự kiện kickoff dành cho sale, lễ mở bán cho khách hàng, lễ tri ân cho khách hàng đã mua… nhưng đứng trên góc độ của một MC, sự kiện bất động sản chỉ chia làm 2 loại là sale và non-sale. Tức là, nếu sự kiện không cần phải bán hàng, người dẫn chỉ cần điều khiển để nó diễn ra suôn sẻ, trơn tru, khán giả hài lòng, nhà tổ chức hài lòng. Cái khó hơn là sự kiện có yếu tố bán hàng. Khi đó, MC phải là một chuyên gia, phải có kiến thức nhất định về cả thị trường chứ không chỉ biết về đúng cái dự án đó. Level chuyên gia càng cao thì càng bán được những sản phẩm giá trị. “Vì bạn bán một căn nhà cả triệu đô mà người MC không hiểu gì về nó thì không thể nào bán được”, Minh Tuấn cho biết.
Cũng theo Nguyễn Minh Tuấn, MC đứng dẫn dắt chương trình, họ chính là người trực thuộc đơn vị chủ đầu tư, “bạn phải nói thế nào để người nghe thấy “ồ bạn là người biết về bất động sản". Vì mọi thông tin đã có trên quảng cáo, trên tờ rơi, thì vì sao người nghe lại ngồi để nghe MC lặp lại những thông tin đó nữa?”.
“Đừng bao giờ nghĩ khách hàng chả biết gì. Họ là tiên là thánh, họ biết tất cả mọi thứ, chỉ là họ có nói cho bạn nghe hay không thôi. Họ sở hữu chừng đó tiền thì kiến thức kinh nghiệm nằm trong đầu họ. Thậm chí sale phải đi học ngược lại khách hàng”. Muốn thuyết phục một người đầy kiến thức, đầy trải nghiệm và đầy tiền như vậy thì không đơn giản. Người MC, ngoài việc là một chuyên gia thì còn phải là nhà đầu tư. Chỉ khi là nhà đầu tư thật sự thì mới có thể kể các câu chuyện phù hợp với cả các đối tượng mua đầu tư và mua để ở.
Tôi không định vị bản thân bằng giá dự án bất động sản
Trong buổi talkshow, Nguyễn Minh Tuấn đã chia sẻ nhiều quan điểm sống đã giúp hình thành nên cá tính, phong cách trong nghề nghiệp của anh. “Tôi không định vị bản thân theo giá bất động sản, cũng không định vị theo loại hình bất động sản, tôi định vị mình theo khách hàng có gu - tức là những dự án có câu chuyện, họ có nghiên cứu, có tâm huyết. Vì khách hàng có gu nên sẽ tạo cho tôi nhiều cảm hứng, từ đó tôi tạo cảm hứng cho người xem”.
Một nguyên tắc nằm lòng của anh đối với mảng bất động sản là anh sẽ không nhận nhiều. Bởi vì, MC bất động sản luôn có 2 mặt: nếu sự kiện nào mình cũng xuất hiện, loại hình nào mình cũng dẫn hết, thì người nghe họ sẽ đặt câu hỏi là “ủa vậy tôi có nên tin bạn không". Nhận ít lại, có chọn lọc lại giúp Tuấn luôn hết mình, tưng bừng trong tất cả mọi khoảnh khắc và cùng thăng hoa với khán giả.
Nguyễn Minh Tuấn cho biết, “sự cố” mà MC hay gặp nhất trong các sự kiện bất động sản chính là sự khác nhau giữa tư duy của người dẫn chương trình và tư duy của đơn vị tổ chức. Có trường hợp đơn vị tổ chức chỉ muốn MC đọc 100% theo kịch bản mà không tin tưởng vào sự ứng biến ở MC. Có trường hợp team marketing muốn làm một sự kiện đẳng cấp sang trọng nhưng bên sale lại muốn sôi động, muốn push sale, phải tạo ra kịch tính FOMO… khiến MC “đứng hình" ngay tại chỗ.
Anh cho rằng đây là một “vấn nạn" cần có sự cải thiện của nhiều bên. Cụ thể, chủ đầu tư hoặc đơn vị tổ chức nên tin tưởng vào MC hơn, và quan trọng là người MC cần học hỏi nhiều hơn, hiểu biết sâu hơn, và có cách để thuyết phục chủ đầu tư trong các cuộc họp, trong các buổi tập dượt nhằm làm cho sự kiện thành công.
Với Nguyễn Minh Tuấn, có sự khác biệt rõ rệt giữa một MC không thể thay thế và một MC giỏi. MC giỏi là xử lý tình huống công việc một cách trơn tru từ đầu đến cuối, không vấp váp gì. “MC không thể thay thế là MC khiến sự kiện thành công 200% tức là đảm bảo 100% các yêu cầu của nhà tổ chức và phải làm khán giả bùng nổ, dẫn dắt họ đi theo mình, điều khiển được cảm xúc của họ”. Muốn làm được điều đó, thì cần có một khả năng “trời cho" là khả năng đo được nguồn năng lượng, độ hứng thú của người nghe. Và kĩ năng này không có trường lớp nào đào tạo được.
Dành lời khuyên cho các bạn mới vào nghề, Nguyễn Minh Tuấn đã đưa ra nhiều lời khuyên giá trị trong cả chiến lược nghề nghiệp và rèn luyện bản thân. Anh tâm sự rằng “nếu bạn phải lệ thuộc nguồn sống ở công việc hiện tại thì hãy ráng làm, ráng chiều lòng cả thiên hạ, ngậm đắng nuốt cay mà làm”. Nhưng khi bạn đã nâng công việc lên một đẳng cấp khác, mỗi sự kiện tạo ra một giá trị thì bạn có quyền chọn lọc khách hàng cho mình.
“Nếu làm một chương trình mà chỉ vì đi kiếm tiền thì cuộc sống này không còn ý nghĩa gì nữa. Tôi muốn mình bước vào một sự kiện, rồi bước ra khỏi sự kiện, bụng thì đói người thì mệt nhưng não phải cười, năng lượng phải bùng nổ. Tôi phải được nghe những lời cảm ơn, lời yêu thương. Nên việc từ chối 1 khách hàng mà họ không làm mình hạnh phúc, đối với tôi là không sao cả”.