Người thành thị chi tiền nhiều hơn cho trang trí nhà cửa giữa đại dịch 

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, người tiêu dùng tăng mạnh chi tiêu cho các sản phẩm trang trí nhà cửa, các cửa hàng kinh doanh đồ nội thất ‘hốt bạc’.

Cùng tháng này năm 2020, Forbes có một bài viết dài về xu hướng mua sắm đồ nội thất và trang trí nhà cửa tại Mỹ. Theo đó, khi một số thành phố lớn phong tỏa để ngăn covid, doanh số bán đồ nội thất tăng 23% mỗi tuần và có hệ thống tăng đến 97% chỉ trong 3 tháng. Cứ tưởng chuyện chỉ xảy ra ở các nước giàu có, nhưng năm nay, tại các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn cũng chứng kiến xu hướng tương tự khi làn sóng covid thứ 4 ở Việt Nam kéo dài hơn. 

Doanh số tăng gấp đôi giữa dịch

Tháng 6, thành phố đang áp lệnh giãn cách, anh Việt Nguyễn – chủ shop hoa online Hoa Nói vẫn tất bật với công việc gói ghém từng nhánh hoa, nhành lá để giao hàng cho khách. Anh Việt cho biết, nhu cầu mua hoa tăng trưởng cao trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này. Buộc phải làm việc tại nhà trong hàng tuần liền, nhiều khách hàng của anh cho biết họ cảm giác buồn chán, nên chỉ còn cách trang trí nhà cửa để “giải khuây”, tăng hứng khởi cho công việc. Trong đó, mua hoa là dễ thực hiện nhất, nhanh gọn mà giá trị làm đẹp ngôi nhà cũng rất cao.

“Không chỉ đón lượng khách mới tăng, mà cả hầu bao của khách hàng cũng tăng theo. Tôi kinh doanh khá tốt dòng cây thạch nam và mẫu đơn, 2-3 triệu một bó là chuyện thường”, anh Việt kể về thú chơi hoa trong thời dịch.

toan-canh-bat-dong-san-cay-thach-nam-trang-tri-nha-cua-1629049829.jpg
Thạch nam trở thành món hàng ‘hot’ trong đợt dịch. Ảnh: Việt Nguyễn

Cũng “ăn nên làm ra” trong đợt dịch này còn có các cửa hàng thiết bị gia dụng, trang trí phòng ốc. Chị Thanh Trang – quản lý cửa hàng nội thất tại quận 1 cho biết, chỉ trong 2 tuần cửa hàng của chị đã bán thu về doanh số thảm da trải bàn, bàn làm việc cao gấp đôi so với tháng 4.

“Chúng tôi tranh thủ đợt này để thực hiện chiến dịch ưu đãi lớn cho khách hàng, giảm đến 40% cho các mặt hàng hot như bàn làm việc, kệ góc giường. Mấy tuần qua, cửa hàng phải liên tục nhập hàng mới về để bù đắp vào lượng hàng vơi khá nhanh trong kho”, chị Trang cho biết.

toan-canh-bat-dong-san-trang-tri-nha-cua-noi-that-1629049829.jpg
Ngôi nhà được chăm chút kỹ lưỡng từng món nội thất trong thời dịch.

Đây chỉ là hai trong số hàng loạt các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm thuộc nhóm trang trí nhà ở đang “ăn nên làm ra” giữa thời dịch. Ở góc độ người tiêu dùng cũng thấy rõ “làn sóng” trang trí nhà cửa đang mạnh lên từng ngày nhờ có ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch thứ 4.

Dạo một vòng các nhóm cộng đồng trên Facebook như Nghiện Nhà (2 triệu thành viên), Nghiện Decor (1 triệu thành viên) hoặc Nghiện Setups (231.000 thành viên) thì hoạt động chụp ảnh khoe không gian sống được trang trí đang khá sôi nổi. Nhiều người còn “chi bạo” để mua sắm các vật dụng làm đẹp nhà cửa nói chung hay góc làm việc nói riêng. Đơn cử, bạn V.N.Huy trên Nghiện Décor đã chi gần 20 triệu để thay đổi cả sàn, tường phòng ngủ, kết hợp đóng mới bàn làm việc, giường ngủ. Hay anh N.N.Tuấn chi hẳn gần 80 triệu để thay mới cả bộ bàn làm việc gồm bàn, màn hình, đèn LED trang trí... nơi anh ‘tránh dịch’ gần 30 ngày qua.

Chị Minh Tuyết, quận Phú Nhuận cho biết trong một tháng làm việc tại nhà, chị đã kịp mua một bức tranh, 5 lọ hoa gốm, thay mới rất nhiều khung ảnh, đồng thời sắm thêm hai chiếc ghế lười mà con chị cứ đòi mua từ năm ngoái. “Cả ngày ở nhà nên nhìn gì cũng chán, tôi cứ muốn thay, mua hết thứ này đến thứ kia, chỉ là để cho có chút cảm hứng với không gian sống", chị nói thêm. 

Nhu cầu làm đẹp để ‘tránh dịch’

Khảo sát người tiêu dùng Việt Nam do Deloitte công bố vào quý I/2021 cho thấy người tiêu dùng Việt Nam nhìn chung khá lạc quan về nền kinh tế, bất chấp diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đang tiếp diễn. Sự lạc quan này góp phần thúc đẩy việc chi tiêu của người dân ngay cả ở nhóm thu nhập thấp.

Ở khu vực người lao động có mức thu nhập hàng tháng càng cao thì họ càng có xu hướng chuyển dịch từ các nhu yếu phẩm thiết yếu sang chi tiêu tùy ý. Đặc biệt sự dịch chuyển rõ nét nhất là từ nhóm nhà ở & tiện ích sang các sản phẩm định hình phong cách sống.

Kết quả nghiên cứu hành vi tiêu dùng do Vietnam Report công bố gần đây cũng cho thấy nhóm mặt hàng không thiết yếu ghi nhận sự tăng trưởng đột biến thông qua các kênh mua sắm online như nền tảng thương mại điện tử Tiki, Shopee, Lazada…

Làn sóng này không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà còn trên cả phạm vi toàn cầu. Theo một nghiên cứu thống kê của Strategy Analytics (có trụ sở tại Mỹ), ghi nhận doanh thu từ các sản phẩm điện tử năm 2020 tăng vọt lên mức 358,8 tỷ USD, mức tăng 7% so với cùng kỳ, cho thấy xu hướng người tiêu dùng có nhu cầu cao trong việc mua sắm các thiết bị, dụng cụ phục vụ giải trí, làm việc tại gia đình. Một trong lý do được đưa ra là khi ngày càng có nhiều người lao động phải “work-from-home” thì nhu cầu mua sắm phục vụ tại gia đình là điều không thể tránh khỏi.

toan-canh-bat-dong-san-trang-tri-nha-cua-group-nghien-nha-nguyen-ha-linh-1629049829.jpg
Bà Nguyễn Hà Linh - Quản trị viên cộng đồng Nghiện Nhà với hai triệu thành viên trên Facebook. Ảnh: FB nhân vật

Lý giải cho xu hướng mua sắm vật dụng nhà cửa tăng cao, bà Nguyễn Hà Linh - Quản trị viên của nhóm Nghiện Nhà với 2 triệu thành viên trên Facebook cho biết, đại dịch đã “buộc chân” nhiều người ở trong ngôi nhà của họ trong thời gian dài. Sự giới hạn về không gian này so với cuộc sống thường nhật đã nảy sinh mong muốn tăng cường những trải nghiệm sống và chất lượng cuộc sống ở trong chính ngôi nhà của họ.

“Thêm vào đó, sự ra đời của rất nhiều hội nhóm chia sẻ nhà đẹp, góc làm việc đẹp… đã tạo ra tâm lý đám đông. Nhà người khác có gì thì mình cũng muốn có đó, dần dần thôi thúc nhu cầu mua sắm cứ thế tăng cao.

“Còn về việc người tiêu dùng ngày càng chi mạnh tay cho nhà cửa, nội thất, tôi nghĩ điều đó là hiển nhiên. Họ có nhiều thời gian ở nhà hơn, việc chọn lựa vì thế cũng kỹ lưỡng hơn, yêu cầu cao chất lượng cao hơn, từ đó kéo theo mức giá cho mỗi món đồ cũng tỷ lệ thuận”, bà Hà Linh nhấn mạnh.

Thạch Anh
NhuNguyen

NhuNguyen

12:00 03/07/2021

Tôi cũng mới mua bàn làm việc mới.