Đầu tư vàng: cần cân nhắc gì?

Các nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp cho biết thời điểm dòng tiền tìm kênh trú ẩn cũng là lúc giá vàng dậy sóng. Và ngay lúc này, khi thị trường tài chính trên thế giới có nhiều bất ổn giá vàng ngày càng trở nên hấp dẫn hơn.

Vàng cũng được xem mà một loại hàng hóa mà theo đó sự biến đổi về giá của nó được quyết định bởi quy luật cung cầu, lãi suất và hành vi của nhà đầu tư đối với rủi ro của thị trường. 

Do đó để hiểu sâu hơn trước khi đầu tư vàng, những yếu tố tổng hợp dưới đây được Toàn cảnh Bất động sản cho rằng là động lực chính khiến vàng tăng giá.

Khủng hoảng kinh tế - chính trị toàn cầu

Giá vàng rất nhạy cảm với các vấn đề khủng hoảng kinh tế - chính trị trên thế giới. Đây là yếu tố được đánh giá không chỉ gây biến động tới vàng mà còn ảnh hưởng đến các kênh đầu tư khác như chứng khoán, chứng chỉ quỹ,... Bởi trong thời điểm kinh tế không ổn định, giá trị đồng tiền ít nhiều sẽ có sự thay đổi. Lúc này vàng được được xem là “hầm trú ẩn” của dòng tiền. Xu hướng giá vàng sẽ tăng dần và chỉ ổn định khi thị trường phục hồi trở lại.

Tuy vậy, chúng ta cần nhớ không có nguyên tắc nào là bất di bất dịch. Vàng là một kênh đầu tư và bất kỳ kênh đầu tư nào cũng đi kèm với rủi ro nhất định. Đồng thời, vàng là một loại hàng hóa chỉ có giá trị nội tại, nghĩa là nó chỉ có giá trị khi được thị trường công nhận. 

Chính vì vậy, khi nhà đầu tư nhận thấy thị trường xuất hiện rủi ro như giá quá cao, các kênh đầu tư khác sinh lời tốt hơn,... Họ sẽ rút tiền để chuyển sang “vùng đất” an toàn hơn và vàng xuất hiện chu kỳ giảm giá như các kênh đầu tư khác bất kể nền kinh tế hoặc chính sách tiền tệ đang như thế nào.

Mối quan hệ giữa vàng và đồng USD

Ở thị trường quốc tế, Mỹ là quốc gia có trữ lượng vàng lớn nhất thế giới với khối lượng lên đến 8.000 tấn. Vì vậy, đồng đô la Mỹ USD là cơ chế định giá chuẩn cho vàng. Đó cũng là lý do tại sao mối quan hệ giữa vàng và USD rất thú vị.

toan-canh-bat-dong-san-dau-tu-vang-dong-usd-my-1679336393.jpg
Vì sở hữu lượng vàng cao nhất toàn cầu, đồng đô la Mỹ USD được thiết lập làm cơ chế định giá chuẩn cho vàng.

Vàng và USD có mối quan hệ nghịch chiều. Khi giá trị đồng USD giảm sẽ dấy lên nhu cầu mua vàng. Từ đó giá vàng cũng được tăng lên nhanh chóng.

Thế nhưng khi diễn biến ngược lại, khi giá đô tăng, việc vàng được định giá bằng đô la Mỹ khiến các nhà đầu tư quốc tế mua vàng bằng các loại tiền tệ khác trở nên đắt hơn và làm giảm nhu cầu tích trữ vàng.

Giá dầu tác động đến giá vàng như thế nào?

Những tưởng dầu và vàng là hai loại hàng hóa không liên quan đến nhau nhưng thực tế  giá vàng đang bị ảnh hưởng gián tiếp bởi giá dầu thông qua tỷ giá đồng USD.

Hiện nay trong bất kỳ biến động nào, giá dầu cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ giá đồng đô la Mỹ. Theo tính chất bắc cầu, cũng làm dịch chuyển tương tự đôi với giá vàng. Khi mức giá dầu tăng sẽ khiến tỷ giá USD giảm, nhà đầu tư từ đó sẽ bắt đầu lo sợ chuyển hướng sang tích trữ vàng. Nhu cầu tăng lên đột ngột kéo theo sự tăng giá của vàng. 

Vàng là ‘hàng rào’ để chống lạm phát? 

Nhiều nhà đầu tư nhầm lẫn vàng là kênh phòng ngừa lạm phát với niềm tin vàng sẽ tăng giá và bù đắp áp lực lạm phát. Tư duy này khá phổ biến ở các nhà đầu tư thế hệ cũ bởi nếu so với việc giữ tiền giấy mất giá trị khi được in nhiều hơn thì nguồn cung vàng tương đối ổn định. Vàng được xem là kênh trú ẩn an toàn bởi giá trị của nó hạn chế biến đổi trong thời kỳ khó khăn.

Về mặt lý thuyết, mối quan hệ giữa lạm phát với giá vàng sẽ biến động thuận chiều. Khi lạm phát càng ngày gia tăng sẽ làm giảm sức mua của đồng tiền. Lúc này người dân và các nhà đầu tư sẽ nghĩ đến chuyện mua vàng để bảo tồn giá trị. Khi dòng người đổ xô vào vàng, giá vàng sẽ ngày càng cao dẫn đến tỷ lệ lạm phát cao trong thời gian sắp tới. 

Tuy vậy, trên thực tế diễn biến thị trường còn phức tạp hơn nhiều. Một số dẫn chứng cho thấy cả hai về cơ bản không có mối tương quan lẫn nhau. Cụ thể sự biến động giá vàng trong năm 2022 đã cho các nhà đầu tư thấy một góc nhìn khác, sau khi tăng lên 2.052 USD/ounce vào đầu quý I/2022, giá vàng hiện đã giảm sâu 9,8% xuống chỉ còn khoảng 1.850 USD vào thời điểm tháng 6 cùng năm. Trong khi, lạm phát lúc đó tăng ở mức khoảng 7%.

Vàng có nhạy cảm với lãi suất?

Vàng và lãi suất được xem là đối thủ cạnh tranh trong bảng danh mục đầu tư. Do đó những biến động về chính sách lãi suất sẽ gây phản ứng ngược và làm dịch chuyển giá vàng mạnh mẽ. 

toan-canh-bat-dong-san-lam-phat-anh-huong-dau-tu-vang-1679336347.jpg
Bất kỳ chính sách lãi suất của Fed đều khiến giá vàng "rung lắc"

Biểu đồ trên cho thấy, lãi suất có ảnh hưởng ngược đáng kể đến giá vàng trong dài hạn. Trước đó giá vàng đã tăng lên đáng kể do việc cắt giảm lãi suất của Fed trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Khi lãi suất “chạm đáy, giá vàng cũng chững lại và đi ngang trong thời gian dài khi Fed thông báo lãi suất sẽ duy trì ở mức gần bằng 0 trong tương lai gần.

Cuối cùng, vào năm 2022, để đối phó lạm phát cao, Fed điều chỉnh tăng lãi suất cho đến khi lạm phát được kiểm soát. 

Một lần nữa ta có thể thấy được rằng trong giai đoạn này lạm phát vẫn ở mức cao, nhưng giá vàng vẫn không tăng và có dấu hiệu đi xuống. Các chuyên gia tài chính giải thích là do vàng không trả lãi. Vì vậy việc tích trữ vàng trở nên kém hấp dẫn hơn trong khi lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng từ 1% lên khoảng 2,75%. . 

Chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương tác động vàng

Ngoài lãi suất, một động lực lớn khác ảnh hưởng tới giá vàng thường là chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương. Trong thời điểm dự trữ ngoại hôi lớn và nền kinh tế đang phát triển, các ngân hàng trung ương sẽ muốn cắt giảm lượng vàng nắm giữ, Bởi vàng lúc này được xem là tài sản “chết”, nó không thể mang đi đầu tư, không có lãi suất và không thể tạo ra lợi nhuận.

Khi ngân hàng trung ương bán bớt số lượng vàng mình đang nắm giữ, kết quả là giá vàng sẽ giảm. Ngược lại, nếu ngân hàng trung ương mua nhiều hơn bán sẽ khiến vàng dần trở nên khan hiếm và có giá trị hơn. 

Để tránh các chính sách mua bán vàng làm gián đoạn thị trường, mỗi ngân hàng trung ương sẽ có một quy định ràng buộc cụ thể về số lượng vàng được bán trong năm. 

Quỹ ETF vàng

Bên cạnh ngân hàng trung ương, các quỹ tín thác ETF liên quan đến vàng như SPDR Gold Shares (GLD) và iShares Gold Trust (IAU) cũng gây tác động không nhỏ đến sự biến động của giá vàng. Với cách thức hoạt động của quỹ là cho phép các nhà đầu tư mua vàng bằng các chứng chỉ. Điều này có nghĩa là cả hai quỹ ETF đều giao dịch trên các sàn tương tự như cổ phiếu và đo lường lượng nắm giữ của mỗi cổ đông bằng ounce vàng. Do đó lực của các chứng chỉ quỹ sẽ tạo động lực lớn để đưa giá vàng lên cao. Mặt khác, khi quỹ bán vàng ra sẽ khiến giá vàng giảm nhiệt hơn. 

Số lượng vàng mà các quỹ này nắm giữ vô cùng lớn. Tuy vậy, các quỹ tín thác ETF này được thiết kế để phản ánh giá vàng chứ không làm thay đổi số lượng. 

quy-etf-anh-huong-gia-vang-toan-canh-bat-dong-san-1679336832.jpg
Quỹ ETF bán vàng ra sẽ khiến giá vàng giảm nhiệt hơn. 

Các chuyên gia luôn khuyên rằng chỉ nên giành một khoản phân bổ nhỏ tối đa từ 5% đến 10% cho vàng trong danh mục đầu tư tổng thể. Vì vậy, các nhà đầu tư F0 khi vừa bước chân vào thị trường cần kiểm tra tình trạng tài chính hiện tại của mình trước khi xuống tiền. Dù là đầu tư vàng hay bất kỳ loại hình nào khác, bạn vẫn nên tính toán thời điểm sinh lời hợp lý cũng như các trường hợp rủi ro, và rất khó để dự đoán nhất quán quy luật tăng giảm trong các thời kỳ biến động cực độ.  Đặc biệt là không nên đặt kỳ vọng thu hồi được lợi nhuận quá sớm. 

Nên mua vàng gì để đầu tư?

Chốt lại, nếu nhà đầu tư xác định mua vàng với mục đích tìm kiếm khả năng sinh lời dài hạn thì vàng miếng là lựa chọn tốt nhất. Bởi vàng miếng được đúc từ vàng nguyên chất cao đạt đến 99,99%. 

Cũng nhờ độ nguyên chất cao, mức độ hao mòn của vàng miếng sẽ diễn ra lâu hơn so với vàng trang sức. Do đó khi mua vàng miếng, nhà đầu tư sau một thời gian lưu trữ dài hạn cũng không bị ép giá so với thực tế. 
 

Chấn Hưng

Link nội dung: https://toancanhbatdongsan.com.vn/dau-tu-vang-can-can-nhac-gi-a1749