Ngày 15/6/2022 vừa qua, sau cuộc họp chính sách định kỳ tháng 6, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm %, lên mức 1,5%-1,75%. Đây là mức tăng lãi suất lớn trong vòng 28 năm nhằm kiềm chế lạm phát.
Trong nước, dù các thông tin báo cáo cho thấy lạm pháp vẫn trong chỉ số cho phép, tuy nhiên thực tế tất cả các mặt hàng đang tăng giá chóng mặt. Giá xăng tăng 12 lần trong 6 tháng đầu năm, hiện đã trên 32.575 đồng/lít. Các loại thực phẩm tăng bình quân 10%.
Trước mỗi kì lạm phát, người ta luôn hỏi nhau Lạm phát thì nên đầu tư vào đâu? Có nên bỏ hết trứng vào một rổ?... là câu hỏi phổ biến được các nhà đầu tư quan tâm.
Lạm phát là gì? Vì sao lại lạm phát?
Lạm phát là sự tăng giá chung một cách liên tục của hàng hóa và dịch vụ theo thời gian. Khi mức giá chung vọt cao, một đơn vị tiền tề sẽ mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn trước, đồng nghĩa với sự mất giá trị của một loại tiền tệ đó. Lạm phát phản ánh sự suy giảm sức mua trên một đơn vị tiền tệ.
Dựa trên định nghĩa này, lạm phát được giới chuyên gia chia thành ba mức độ:
• Lạm phát tự nhiên: 0 – dưới 10%
• Lạm phát phi mã: 10% đến dưới 1000%
• Siêu lạm phát: trên 1000%
Nguyên nhân lạm phát xảy ra có thể đến từ nhiều yếu tố, tuy vậy theo các chuyên gia, lạm phát do cầu kéo và lạm phát do chi phí đẩy là hai nguyên nhân chính yếu nhất:
Lạm phát do cầu kéo xảy ra khi nhu cầu về mặt hàng nào đó tăng lên, giá cả mặt hàng đó tăng theo. Giá trị của các mặt hàng hay dịch vụ liên quan cũng leo thang, dẫn đến sự lên giá chung của thị trường. Một ví dụ điển hình là ở Việt Nam, giá xăng tăng kéo theo giá cước vận tải tăng, thịt – cá – rau – củ vận chuyển cũng sẽ tăng, các cửa hàng – nhà hàng sẽ tăng giá thức ăn…
Lạm phát do chi phí đẩy cũng có định nghĩa gần tương tự. Khi giá cả của một hoặc vài yếu tố này tăng lên thì tổng chi phí sản xuất của các xí nghiệp cũng tăng lên, vì thế mà giá thành sản phẩm cũng sẽ tăng lên nhằm bảo toàn lợi nhuận. Mức giá chung của toàn thể nền kinh tế tăng lên.
Lạm phát, nhà đầu tư nên rót tiền vào đâu?
Trong bối cảnh lạm phát, nhà đầu tư cần làm gì nên cần cân đối và đặt lại mục tiêu cho danh mục đầu tư của mình. Theo các chuyên gia, rủi ro lạm phát dễ khiến tài sản “bốc hơi” nếu kênh đầu tư không may mất giá. Do đó, nhà đầu tư cần đặt yếu tố lợi nhuận lùi về sau, và hướng đến việc bảo vệ tài sản trước tiên.
Vậy đâu là các kênh đầu tư mà nhà đầu tư nên cân nhắc:
Vàng
Vàng là ưu tiên hàng đầu của các nhà kinh tế và nhà đầu tư trong các giai đoạn lạm phát, bởi loại tài sản này có độ an toàn cao, đồng thời được cho là công cụ chống lạm phát hiệu quả. Nguyên nhân bởi đây là kim loại quý, có giá trị sử dụng và cũng là phương pháp thanh toán từ rất lâu. Và quan trọng hơn cả, đó là chính phủ có thể tin thêm tiền, nhưng không thể in thêm vàng. Vì thế, trong dài hạn, giá vàng chỉ có thể tăng. Tuy vậy nhược điểm của vàng là không thể tăng trưởng trong ngắn hạn và dù có tăng thì mức tăng cũng khá mỏng. Do đó đây được xem như một hình thức “của để dành” của nhiều người Việt, thay vì một kênh đầu tư hái ra tiền.
Bất động sản
Bất động sản cũng là một loại hàng hóa. Do đó trong thời điểm lạm phát, giá trị của tài sản này vẫn có khả năng tăng. Sự tác động gián tiếp đến các yếu tố như giá vật liệu, giá cả hàng hóa, giá thuê nhà… cũng khiến giá nhà có xu hướng đi lên trong các đợt lạm phát.
Tuy vậy, nhà đầu tư cũng cần cân nhắc cách bất động sản ứng phó với lạm phát, bởi đại dịch Covid-19 đã thay đổi khá nhiều thị trường và thói quen người tiêu dùng. Các chuyên gia cho rằng nhu cầu bất động sản thương mại, chẳng hạn như văn phòng, cửa hàng bán lẻ vẫn khó bứt phá vì nhiều công ty đang áp dụng chính sách làm việc từ xa cho nhân viên. Trong khi đó, bất động sản nhà ở nội và ngoại thành, bao gồm cả nhà liền thổ và căn hộ, vẫn được cho là dòng sản phẩm an toàn, có thanh khoản tốt. Nhu cầu bến bãi, kho hàng cũng sẽ gia tăng, do vai trò then chốt của chuỗi cung ứng đối với thương mại toàn cầu trong tương lai hậu dịch COVID-19.
Cổ phiếu
Dù thị trường chứng khoán đang đỏ lửa, nhiều mã đầu tư giảm sút giá trị tới hơn 50%. Tuy nhiên theo các nhà chuyên môn, cổ phiếu của các công ty có kết quả kinh doanh thực tế tốt vẫn là kênh đầu tư sinh lợi, trung bình 16% năm tính. Cổ phiếu cũng giúp các nhà đầu tư thu được lợi nhuận trong thời gian ngắn hơn so với vàng và bất động sản, và cũng là một cách rất tốt để doanh nghiệp có thêm động lực để mở rộng sản xuất, duy trì hoạt động trong thời điểm lạm phát. Tuy vậy, rủi ro của cổ phiếu là cao hơn vàng, và cũng biến động hơn so với loại tài sản này. Sẽ tốt hơn nếu bạn bắt đầu thế giới chứng khoán bằng cách học được những kiến thức cơ bản về phân tích cũng như đọc báo cáo tài chính.
Vì sao rủi ro lạm phát tại Việt Nam giai đoạn 2021-2022 cao?
Theo báo cáo của Bộ Tài chính – cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, mặt bằng giá cả thị trường trong 10 tháng năm 2021 cơ bản nằm trong kịch bản điều hành giá đã đề ra ngay từ đầu năm. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, CPI tháng 10/2021 ước giảm 0,1% – 0,15%, bình quân 10 tháng tăng 1,81% - 1,83% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản 10 tháng ước tăng 0,82% - 0,86%. Từ đầu năm đến nay, mặt bằng giá cả thị trường tăng/giảm đan xen, một số mặt hàng có mức tăng cao do chịu tác động từ các yếu tố và giá thế giới.
Nguyên nhân gây áp lực lên mặt bằng giá được Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn nêu ra là do một số mặt hàng thiết yếu có biến động tăng giá do ảnh hưởng từ chi phí nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển logistics tăng như thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật liệu xây dựng; giá mặt hàng xăng dầu, LPG trong nước tăng do tác động từ giá thế giới tăng mạnh khi nhu cầu chung trên thế giới tăng…
Trả lời cho VOV, theo TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế, năm 2021 có một số yếu tố có thể đẩy áp lực lạm phát lên đáng kể. Trước tiên là khả năng phục hồi mạnh của kinh tế toàn cầu nói chung, của Việt Nam nói riêng trên nền tăng trưởng thấp của năm nay. Kinh tế phục hồi thì nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ tăng, từ đó sẽ đẩy mặt bằng giá cả lên.
Bên cạnh đó, lượng tiền mà các nước, các ngân hàng trung ương bơm ra để phòng chống dịch, hỗ trợ phục hồi kinh tế lớn, hay các động thái tiếp tục nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất… trong thời gian qua sẽ có tác động mạnh hơn trong năm tới, khiến lạm phát trên toàn cầu dự báo có thể tăng tương đối. Ngoài ra, các dự báo đều cho thấy giá các hàng hóa cơ bản, trong đó có giá dầu vẫn tiếp tục xu hướng tăng trở lại, dù mức tăng không lớn nhưng cũng tạo thêm sức ép. Trong khi đó ở trong nước, lộ trình tăng giá một số hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý cũng sẽ ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng.