Với tâm lý “an cư lạc nghiệp”, người Việt xưa nay vẫn luôn cho rằng việc sở hữu riêng một căn nhà, không thuê mướn, là của riêng là nhân tố quan trọng quyết định về bước đầu trong thước đo thành công. Tuy nhiên, mua nhà trong độ tuổi nào là phù hợp, từ khi nào có thể bắt tay vào kế hoạch mua nhà?
Trong một webinar mới đây, ông Nguyễn Minh Tuấn – CEO AFA Capital - chuyên gia tài chính cá nhân – đã chia sẻ một thông tin thú vị. Theo ông Tuấn, xét theo hành trình tài chính cá nhân, cuộc sống của một con người thường chia làm 6 phần. Và ở mỗi phần, mục tiêu tài chính là khác nhau. Do đó thời điểm “chín” nhất để mua ngôi nhà đầu tiên cũng chỉ nên rơi vào một giai đoạn.
Giai đoạn đầu tiên từ 0-15 tuổi. Đây là giai đoạn niên thiếu, chúng ta không làm gì liên quan đến tài chính cả, gia đình vẫn đang tiếp tục nuôi dưỡng.
Ba giai đoạn tiếp theo sẽ đại diện cho quá trình xây dựng gia sản.
Trong đó, ở độ tuổi 15-25 tuổi – khởi đầu, giai đoạn con người tập trung vào các hoạt động học tập, đào tạo và bắt đầu có việc làm. Mục tiêu tài chính lớn nhất lúc này nên học chính là quản lý nợ. Nhất là ở thời đại ngày nay, có nhiều sản phẩm vay tiêu dùng từ các đơn vị tài chính, đòi hỏi các bạn trẻ phải quản lý nợ một cách an toàn, ổn định nếu có thêm những mong muốn.
Độ tuổi tiếp theo là 25-35 tuổi. Giai đoạn này chúng ta sẽ có việc làm ổn định, thu nhập cũng dần tăng trưởng lên và chúng ta bắt đầu một gia đình nhỏ. Mục tiêu tài chính lớn nhất lúc này và cũng phù hợp nhất cho độ tuổi này là mục tiêu mua nhà.
Giai đoạn 35-50 tuổi là điểm cuối của quá trình xây dựng gia sản. Lúc này chủ yếu tập trung vào tích lũy. Giai đoạn này thông thường mọi người đã bắt đầu có gia đình ổn định, có một căn nhà rồi nên chuyện mua nhà không còn là yếu tố cấp thiết nữa. Chúng ta có thu nhập thì chúng ta tiến vào qua trình đầu tư, có thể đưa ra các quyết định liều lĩnh một chút ở giai đoạn này.
Đến 50-65 tuổi, quá trình xây dựng gia sản cũng đã kết thúc và tiếp nối bằng giai đoạn bảo tồn gia sản. “Chúng ta cũng sẽ tập trung vào các kế hoạch đầu tư nhưng chủ yếu là đầu tư cân bằng, bắt đầu chuẩn bị kế hoạch tiền nghỉ hưu”, chuyên gia tài chính chia sẻ.
Và cuối cùng là ở độ tuổi 65-80, chủ yếu là các hoạt động nghỉ hưu và chuyển giao gia sản cho các thế hệ sau.
Ông Tuấn chia sẻ thêm: "Năm 30 tuổi mình cũng quyết định mua nhà. Vì nghĩ đây là thời điểm vàng – mình 30 tuổi, có công việc tốt, làm trưởng phòng lương hàng chục triệu một tháng".
Tuy vậy, chuyên gia nhận định rằng, mọi người nên quan tâm đến 3 yếu tố chính là: tâm lý, dòng tiền hàng tháng, các quỹ dự phòng và tài sản đủ thanh khoản trước khi đưa ra quyết định mua nhà.
- Yếu tố tâm lý: An cư lạc nghiệp là tư tưởng đã bám rễ vào suy nghĩ của nhiều người Việt. Thông thường, người ta thích mua nhà sớm để có được sự ổn định, đặc biệt trong khoảng 25-35 tuổi.
- Dòng tiền hàng tháng: Theo tiêu chuẩn của thế giới, dòng tiền hàng tháng dành cho việc thuê hay trả góp mua nhà nằm khoảng 30-40% thu nhập trung bình hàng tháng. Đây là yếu tố cần đặc biệt lưu ý để đưa ra quyết định mua hay thuê nhà. Nếu mua một căn nhà quá sớm khi thu nhập chưa ổn định và chưa chắc tăng trưởng trong tương lai, hoặc việc thuê một căn nhà quá to, sẽ vô cùng ảnh hưởng đến dòng tiền.
- Các quỹ dự phòng và tài sản đủ thanh khoản: Khi quyết đinh mua nhà thì thông thường phải ở giai đoạn đã cân đối được thu chi và có quỹ dự phòng. Trong trường hợp bị gián đoạn, ví dụ Covid đang xảy ra thì cũng không bị ảnh hưởng đến lịch trả tiền hàng tháng.
Nếu mong muốn cập nhật thêm các kiến thức, kỹ năng cần thiết về tài chính cá nhân, người dùng có thể nghe trực tuyến các số Podcast "Tôi đi mua nhà" do chuyên trang Toàn cảnh Bất động sản thực hiện, tại nền tảng nhạc số Spotify. Chương trình mang đến cho độc giả kiến thức về bất động sản, kỹ năng tài chính cá nhân và cả những câu chuyện về những bạn trẻ đã sở hữu cho mình ngôi nhà đầu tiên ở độ tuổi vàng 16-35. Chương trình dự kiến sẽ lên sóng vào mỗi 12h trưa thứ Năm hàng tuần. Tập thứ 2 của chương trình với chủ đề "Lập kế hoạch mua căn nhà mơ ước" đã lên sóng tại đây. |