Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có báo cáo báo cáo thị trường bất động sản 10 tháng đầu năm 2023 và đề xuất một số giải pháp tín dụng gửi Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dụng.
Theo đó, HoREA nhận định thị trường bất động sản TP HCM đã qua giai đoạn khó khăn nhất, quý 1/2023 là “vùng đáy” và thị trường đang theo chiều hướng tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước.
Cụ thể, thị trường TP HCM quý 1/2023 tăng trưởng âm 16,2%, 6 tháng đầu năm 2023 vẫn tăng trưởng âm -11,58% nhưng đã giảm 4,62% so với quý 1/2023, quý 3/2023 tăng trưởng âm 8,7% giảm gần một nửa so với quý đầu năm.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, TP HCM có 13 dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện để huy động vốn với 15.020 căn (13.767 căn hộ chung cư, 1.253 căn nhà thấp tầng), tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2022, nhưng doanh thu huy động lại giảm 4,7%.
Trong đó phân khúc nhà ở cao cấp có 9.969 căn chiếm 66,3, còn lại là phân khúc nhà ở trung cấp có 5.051 căn chiếm 33,6%, không có nhà ở thuộc phân khúc bình dân giá vừa túi tiền, cũng không có nhà ở xã hội.
Thị trường bất động sản cho thuê gồm nhà ở, văn phòng và mặt bằng cho thuê kinh doanh thương mại, dịch vụ vẫn còn rất khó khăn. Tuy nhiên, trong bức tranh còn tối màu của thị trường vẫn có “điểm sáng” là phân khúc bất động sản công nghiệp.
Thị trường bất động sản TP HCM tiếp tục bị lệch pha cung cầu, nguồn cung dự án thiếu dẫn đến thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là phân khúc nhà ở bình dân giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.
Giữa các phân khúc bất động sản cũng xảy ra tình trạng mất cân đối, lệch pha. Từ năm 2020 đến nay, phân khúc cao cấp luôn chiếm tỷ lệ áp đảo lên đến 70-80% sản phẩm trên thị trường, còn lại là phân khúc trung cấp và hầu như không còn nhà ở bình dân.
Thực trạng này dẫn đến thị trường bất động sản thiếu nhà ở giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội là phân khúc đáp ứng nhu cầu thực của đa số người dân.
Nếu lấy năm 2017 là “đỉnh” thì thị trường TP HCM sau đó liên tục bị sụt giảm nguồn cung và từ năm 2020 còn bị lệch pha giữa các phân khúc dẫn đến tình trạng giá nhà tăng liên tục cho đến nay.
Giá cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến lượng giao dịch bất động sản giảm, lượng tồn kho lớn. Theo số liệu của Bộ Xây dựng trong 10 tháng đầu năm 2023, lượng giao dịch bất động sản giảm đến 50% so với cùng kỳ.
Còn báo cáo của Ban IV, đến cuối tháng 9/2023, hàng tồn kho bất động sản có tổng giá trị lên đến 301.600 tỷ đồng tăng 5% so với cùng kỳ, cần phải có giải pháp để tháo gỡ, đưa lượng hàng tồn kho rất lớn này trở lại thị trường bất động sản để vừa tạo dòng tiền, tạo thanh khoản, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường.
Mặc dù thị trường bất động sản TP HCM còn nhiều khó khăn nhưng ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận định, có căn cứ để khẳng định triển vọng phục hồi trở lại và tiếp tục tăng trưởng từ nửa cuối năm 2024.