Gần đây, trên trang cá nhân của nữ MC nổi tiếng Sam cũng dấy lên sự ồn ào liên quan đến cách quản lý của chung cư đang ở. Cụ thể, theo quy định của tòa nhà Sam đang ở không cho phép nuôi thú cưng và quản lý nhiều lần giục cô phải chuyển đi ngay trong mùa dịch do gây ảnh hưởng đến các gia đình khác.
Tuy nhiên chuyện của Sam chỉ là một trong vô vàn câu chuyện tranh chấp chung cư ở các thành phố lớn. Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA), hiện cả nước có khoảng 3.000 tòa nhà chung cư, trong đó tập trung chủ yếu tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội, trong số 845 (cụm, tòa) chung cư thương mại trên địa bàn thành phố thì có đến 129 chung cư có tranh chấp, thưa kiện. TP. Hồ Chí Minh hiện có 935 chung cư cao tầng thì cũng có tới 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau, trong đó có 09 chung cư có tranh cãi rất gay gắt, phức tạp. Như vậy, tính trung bình cứ 10 chung cư ở thành phố thì có 1 chung cư đang xảy ra xung đột.
Do đó, trong hội thảo trực tuyến “Quản lý vận hành tòa nhà – Tiềm năng và thách thức” do Realcom tổ chức, các diễn giả đã chỉ ra một số nguyên nhân cũng như giải pháp để giúp nhà phát triển dự án nhận thấy tầm quan trọng của khâu quản lý vận hành. Từ đó hoàn thiện công tác quản lý tốt ngay từ đầu để giải quyết các vấn đề triệt để, nâng cao chất lượng dịch vụ và cuộc sống cho cư dân.
Chủ đầu tư không ‘mặn mà’ sau bàn giao
Trong buổi thảo luận, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - CEO & Founder Sen Vàng Group cho biết, hiện nay chung cư ở các thành phố lớn, kể cả những căn chung cư cao cấp hoặc do các chủ đầu tư uy tín xây dựng cũng khó tránh khỏi việc xảy ra tranh chấp do xung đột giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể. Thế nhưng trên thực tế, hầu như các chủ đầu tư đều không quan tâm chuyện vận lý quản lý cũng như duy trì hình ảnh thương hiệu sau khi bàn giao nhà.
Thống kê chung của bối cảnh cho thấy phần lớn các trường hợp mâu thuẫn ở chung cư đều có nhiều điểm, tình huống giống nhau. Cách giải quyết cũng vô cùng đơn giản. Tuy vậy, các chủ đầu tư vẫn chưa chú tâm khảo sát, nghiên cứu và dự kiến các tình huống tranh chấp để có thể xây dựng những kịch bản xử lý khủng hoảng truyền thông. Đến thời điểm khi bất kỳ xung đột trong chung cư xảy ra và được phổ cập trên thông tin đại chúng khiến các chủ đầu tư không kịp “trở tay” ứng phó.
“Khi các chủ đầu tư bỏ lơ, càng không giải quyết các vấn đề mâu thuẫn một các nhanh chóng thì uy tín thương hiệu và các sản phẩm mới của họ càng bị ảnh hưởng. Một số chủ đầu tư chỉ vì “bóc phốt” mà bị các cơ quan quản lý thanh tra, mất nhiều thời gian để chỉnh sửa và tổn thất nhất là mất đi lượng khách hàng trung thành”, bà Bích Ngọc chia sẻ thêm.
Để tránh bị "bóc phốt" và có thể xử lý khủng hoảng truyền thông nhanh chóng, các chủ đầu tư cần phải chuẩn bị trước những điều sau đây:
Thứ nhất là hoàn thiện pháp lý, khảo sát các vấn đề tranh chấp thường xảy ra và ghi rõ thành các thỏa thuận trong hợp đồng mua bán.
Thứ hai là công khai tình hình tài chính, đặc biệt là sau khi bàn giao kinh phí cho BQT/BQL phải minh bạch các báo cáo việc thu – chi – số dư chi tiết.
Thứ ba là cần xây dựng các kịch bản tranh chấp liên quan đến sở hữu chung – riêng, kinh phí quản lý vận hành, chậm trễ thành lập ban quản trị, quỹ bảo trì chung cư,…
Thứ tư là ở giai đoạn sau bàn giao, chủ đầu tư cần có người đại diện đứng ra để đối thoại trực tiếp với cư dân. Đây là nhân sự cần được chuẩn bị ngay từ đầu, đào tạo các kỹ năng ứng xử văn minh, thương lượng hòa giải để trở thành tiếng nói của chủ đầu tư và sẵn sàng lắng nghe, ghi nhận cảm xúc của cư dân.