Trung tâm dữ liệu là gì?
Trung tâm dữ liệu tiếng anh là Datacenter, là một nhóm lớn các máy chủ mạng khổng lồ được kết nối với nhau. Những máy tính được kết nối này có thể và thường cho phép các tổ chức chạy ứng dụng, cung cấp cho họ khả năng kết nối mạng để kết nối nhân viên và tài nguyên, đồng thời cung cấp bộ lưu trữ để xử lý dữ liệu.
Một định nghĩa khác về trung tâm dữ liệu là một cơ sở bao gồm các máy tính được nối mạng, hệ thống lưu trữ và cơ sở hạ tầng máy tính mà các tổ chức sử dụng để thu thập, xử lý, lưu trữ và phổ biến một lượng lớn dữ liệu. Các doanh nghiệp thường phụ thuộc rất nhiều vào các ứng dụng, dịch vụ và dữ liệu có trong trung tâm dữ liệu, khiến chúng trở thành tài sản quan trọng cho các hoạt động hàng ngày.
Tại sao trung tâm dữ liệu quan trọng?
Mọi doanh nghiệp đều cần thiết bị máy tính để chạy các ứng dụng web, phục vụ khách hàng, bán sản phẩm hoặc chạy các ứng dụng nội bộ cho quản lý khách hàng, nhân sự và vận hành. Khi hoạt động kinh doanh và công nghệ thông tin phát triển, quy mô và số lượng thiết bị cần thiết cũng tăng theo. Thiết bị được phân phối trên nhiều chi nhánh và địa điểm rất khó bảo trì. Thay vào đó, các công ty sử dụng trung tâm dữ liệu để đưa thiết bị của họ đến một vị trí trung tâm và quản lý thiết bị theo cách tiết kiệm chi phí. Ngoài việc giữ nó tại chỗ, họ cũng có thể sử dụng các trung tâm dữ liệu của bên thứ ba.
Trung tâm dữ liệu có những ưu điểm sau:
- Nguồn điện dự phòng để quản lý sự cố mất điện
- Sao chép dữ liệu trên nhiều máy để khắc phục sau thảm họa
- Cơ sở kiểm soát nhiệt độ để tăng tuổi thọ thiết bị
- Dễ dàng thực hiện các biện pháp bảo mật để tuân thủ luật dữ liệu
Các tiêu chuẩn cho cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu
Tiêu chuẩn được áp dụng rộng rãi nhất cho thiết kế trung tâm dữ liệu và cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu là ANSI/TIA-942. Nó bao gồm các tiêu chí cho chứng nhận sẵn sàng ANSI/TIA-942, đảm bảo tuân thủ một trong bốn loại trung tâm dữ liệu được đánh giá về khả năng dự phòng và khả năng chịu lỗi.
Tiêu chuẩn Tier 1: Cơ sở hạ tầng cơ bản. Các trung tâm dữ liệu cấp 1 cung cấp khả năng bảo có giới hạn trước các sự kiện vật lý. Nó có một thành phần duy nhất và một đường ống phân phối duy nhất, không dự phòng.
Tiêu chuẩn Tier 2: Cơ sở hạ tầng với các thành phần dự phòng. Trung tâm dữ liệu cung cấp khả năng bảo vệ được cải thiện trước các sự kiện vật lý. Nó có các thành phần dự phòng và một đường ống phân phối duy nhất, không dự phòng.
Tiêu chuẩn Tier 3: Cơ sở hạ tầng của trung tâm có thể cung cấp dịch vụ bảo trì cùng một lúc. Trung tâm dữ liệu bảo vệ hầu như tất cả các sự kiện vật lý, cung cấp các thành phần dự phòng và nhiều đường dẫn phân phối độc lập. Mỗi thành phần có thể được gỡ bỏ hoặc thay thế mà không làm gián đoạn dịch vụ cho người dùng cuối.
Tiêu chuẩn Tier 4: Cơ sở hạ tầng trung tâm có thể chịu lỗi. Trung tâm dữ liệu này cung cấp khả năng chịu lỗi và dự phòng ở mức cao nhất. Các thành phần dự phòng và nhiều đường dẫn phân phối độc lập cho phép xảy ra lỗi đơn lẻ ở mọi nơi trong quá trình bảo trì và cài đặt đồng thời mà không có thời gian ngừng hoạt động (không có thời gian chết).
Trung tâm dữ liệu là phân khúc “hút tiền”
Chi hàng nghìn tỷ đồng cho trung tâm dữ liệu chuẩn thế giới
Giữa tháng 12/2022, VNG Corporation khai trương trung tâm dữ liệu mới theo tiêu chuẩn quốc tế mang tên VNG Data Center tại TP.HCM. Quy mô ban đầu của trung tâm là 410 tủ rack (tủ đặt máy chủ) và sẽ mở rộng lên 1.600 tỷ.
Trung tâm dữ liệu của VNG có diện tích sẵn có lên đến 12.400 m2, sẵn sàng cho các nền tảng dịch vụ số, lưu trữ dữ liệu an toàn và các giải pháp điện toán đám mây chuyên biệt, cùng các dịch vụ bổ sung về điện toán đám mây có sẵn cho khách hàng tại Việt Nam. VNG Data Center là một trong ba trung tâm dữ liệu duy nhất tại Việt Nam đạt chứng nhận Tier III về Thiết kế (TCDD) và thiết bị lắp đặt (TCCF) do Uptime Institute - hệ thống đánh giá trung tâm dữ liệu uy tín nhất thế giới trao tặng.
Trước đó, vào tháng 10/2022, Viettel cũng đã ra mắt hệ sinh thái Viettel Cloud với hạ tầng trung tâm dữ liệu nhiều nhất Việt Nam với 13 trung tâm, hơn 9.000 tủ rack và diện tích sàn hơn 60.000m2. Tập đoàn này cũng thông báo sẽ đầu tư thêm 10 nghìn tỷ đồng vào Viettel Cloud để mở rộng quy mô lên 17.000 rack vào năm 2025.
Tháng 8/2022, Tập đoàn Công nghệ CMC cũng vừa khánh thành trung tâm dữ liệu chuẩn quốc tế với quy mô 1.200 tủ rack tại TP.HCM, diện tích 13.000m2 với vốn đầu tư 1,5 nghìn tỷ đồng.
Không chỉ các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp nước ngoài tên tuổi cũng tham gia xây dựng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Chẳng hạn, tháng 3/2022, Công ty Cổ phần Phân phối Công nghệ Quang Dũng (thuộc Tập đoàn GREENFEED Việt Nam) và Công ty NTT Global Data Centers (thuộc Tập đoàn NTT Nhật Bản) đã cùng nhau xây dựng trung tâm dữ liệu đạt chuẩn Tier III tại TP.HCM, dự kiến chính thức đi vào hoạt động vào năm 2024.
Không dễ cạnh tranh với các "ông lớn" trong ngành
Ông Huy Nguyễn, nhà sáng lập kiêm CEO Kardia Chain, nguyên Giám đốc kỹ thuật cấp cao của Google tiết lộ, không phải ngẫu nhiên nhiều công ty đầu tư vào trung tâm dữ, bởi lợi ích mang lại rất lớn.
“Công ty tôi hiện đang sử dụng dịch vụ của một công ty Việt Nam và chi phí cao tới 50.000 USD/tháng (hơn 1 tỷ đồng/tháng)”, ông Huy chia sẻ.
Đồng thời, một chuyên gia trong lĩnh vực này (giấu tên) tiết lộ rằng các hãng dịch vụ Internet hàng đầu thế giới như Google, Facebook, Apple... đều đã thuê dịch vụ đặt máy chủ đặt tại trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, kết nối với hàng nghìn máy chủ từ trước khi Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1/10/2022. Vì theo quy định của luật này, công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam phải lưu trữ thông tin, dữ liệu của người dùng Việt Nam trong nước...
Tuy nhiên, ông Huy Nguyễn đánh giá, so với các “ông lớn” trên thế giới (AWS, Google, Microsoft…), các trung tâm dữ liệu của Việt Nam còn ở quy mô rất nhỏ, cơ bản cung không đủ cầu. Đối với nhu cầu trong nước, phải ưu tiên cho khách hàng là các ban ngành hoặc doanh nghiệp nhà nước có nhu cầu lưu trữ thông tin tại Việt Nam.
Do quy mô nhỏ nên so với AWS/Google/Microsoft, chi phí của các nhà cung cấp trung tâm dữ liệu tại Việt Nam còn rất cao. Cần có một siêu trung tâm dữ liệu để tối ưu hóa chi phí vận hành.
“Quá trình chuyển đổi số của Việt Nam chưa hoàn thiện nên vẫn còn cần nhiều thời gian để xây dựng thêm các trung tâm dữ liệu nhằm phục vụ các mục đích cần thiết của đất nước, cố gắng chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á càng nhiều càng tốt” - ông Huy Nguyễn nhận định.
Hướng đến trung tâm dữ liệu khu vực
Dù chưa thể so sánh với các "ông lớn" trên thế giới nhưng gần đây công ty nghiên cứu và báo cáo ResearchAndMarkets (Ireland) đã xướng tên Việt Nam là một trong 10 thị trường mới nổi trên thế giới vào năm 2021, với doanh thu thị trường xấp xỉ 858 triệu USD (tương đương 20 nghìn tỷ đồng) trong năm 2020, dự báo mức tăng trưởng kép đạt gần 15% cho đến năm 2026: “Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam khá ấn tượng cùng năng lực cung cấp dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế, năng lực tổ chức, doanh nghiệp lớn".”.
Doanh nghiệp trong nước cũng mong muốn hệ thống trung tâm dữ liệu “Made in Vietnam” góp phần phát triển nền kinh tế số Việt Nam.
Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel tràn đầy tự tin: “Viettel sẵn sàng đón nhận sứ mệnh mới, đó là hiện thực hóa mục tiêu mỗi người Việt Nam, mỗi gia đình Việt Nam, mọi tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có một kho lưu trữ dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây đặt tại Việt Nam, có kho dữ liệu trên Internet do các kỹ sư Việt Nam nghiên cứu, triển khai, quản lý và vận hành…”.
Tham vọng hơn nữa, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC, phát biểu tại sự kiện ra mắt trung tâm dữ liệu vào tháng 8/2022: “Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển mới mang Việt Nam đến gần hơn đến Mục tiêu trở thành trung tâm dữ liệu khu vực của Digital HUB của châu Á - Thái Bình Dương".
Một số trung tâm lưu trữ dữ liệu điện toán đám mây Việt Nam
Điểm qua một vài trung tâm lưu trữ dữ liệu điện toán đám mây ở Việt Nam
- Trung tâm dữ liệu CMC
- Trung tâm dữ liệu VDC
- Trung tâm dữ liệu VIETTEL
- Trung tâm dữ liệu FPT
- Trung tâm dữ liệu VNPT IDC
- Trung tâm dữ liệu NETNAM
- Trung tâm dữ liệu VNG
- BizFly Cloud
- BKAV