5 khó khăn của môi giới BĐS sau dịch bệnh

Lan Anh
Những vấn đề môi giới bất động sản phải “vượt khó” khi Sài Gòn đang bước vào trạng thái bình thường mới

Khó khăn trong tìm kiếm khách mới

Thị trường bất động sản luôn được biết là nơi diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt nhất. Vậy nên việc tìm kiếm và phát triển mối quan hệ khách hàng luôn được xem là nhiệm vụ hàng đầu và khó khăn đối với nghề môi giới bất động sản.

Xét đến tình hình hiện nay, tuy Sài Gòn đã bắt đầu bước vào trạng thái bình thường mới nhưng hệ quả từ dịch bệnh cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường sơ cấp và thứ cấp của bất động sản. Người lao động bỏ trọ về quê, người tìm mua nhà ít hơn, người bán nhà cũng bắt đầu gặp khó khăn để trả lãi vay,… Vậy nên để kiếm được khách hàng tiềm năng và hoàn thành giao dịch, người làm môi giới không còn cách nào khác ngoài việc phải chuyên nghiệp và nỗ lực hơn trong thời điểm này.

Hạn chế di chuyển liên tỉnh

Sự khó khăn không dừng ở việc tìm kiếm nguồn khách mới, mà còn nằm trong quá trình duy trì mối quan hệ có sẵn. Anh Quốc Hưng – môi giới tại chủ đầu tư V. cho biết “Giao dịch diễn ra trong thành phố thì vẫn suôn sẻ, vì đa số khách của anh cũng nhắm sẵn tiền rồi mới quan tâm dự án, việc di chuyển nội thành cũng thuận tiện hơn. Nhưng vấn đề nằm ở khách muốn tham quan dự án tỉnh, thường là phải dẫn khách đi xem để cảm nhận thực tế mới chốt đơn được”. 

tham-quan-truc-tiep-du-an-1633256727.jpg
Đưa khách tham quan trực tiếp dự án tỉnh là một trong những khó khăn hiện nay của sales bất động sản

Khách chần chừ ra quyết định

Không chỉ vậy, nhiều môi giới cũng đồng tình mùa dịch này không chỉ ảnh hưởng đến túi tiền của nhà đầu tư, song song đó cũng tác động đến tâm lý của họ. Nhiều khách hàng ngày xưa thoải mái chi tiền đầu tư nhà đất, bây giờ cũng “rén” tay để quan sát thêm tình hình.

Anh Hồng Đăng – môi giới tại chủ đầu tư H. chia sẻ: “Giao dịch trong tình hình này chậm hơn so với lúc chưa dịch. Nhiều khách vẫn còn e ngại chưa dám đầu tư vì sợ dịch tiếp rồi ảnh hưởng đến nguồn tiền của họ. Trong thời điểm dịch vừa qua, một số khách của mình phải bán lỗ, rẻ hơn nên giờ cũng tỏ vẻ e ngại khi nhắc tới chuyện tái đầu tư”.

Khó tổ chức lễ mở bán

Những buổi lễ mở bán luôn là cơ hội để thị trường được giao dịch sôi động. Ở đó, môi giới có thể gặp gỡ trực tiếp khách hàng, vận dụng những chiến thuật bán hàng và chốt đơn hiệu quả. Thế nhưng việc tổ chức sự kiện ngay khi mới “mở cửa” vẫn gặp nhiều vướng mắc từ quy định mới của TPHCM. Các môi giới cũng phải chờ để phía công ty BĐS có thể hoàn thành thủ tục giấy tờ và thỏa mãn điều kiện tiêm phòng đầy đủ nếu muốn tổ chức sự kiện mở bán.

Nhận định về vấn đề này, anh Quốc Hưng cho biết bản thân anh vẫn giữ tinh thần lạc quan. Nếu chủ đầu tư chưa đẩy hàng mới thì anh vẫn tiếp tục chuyển nhượng những dự án cũ.

“Các bạn môi giới làm việc ở những công ty nhỏ cố gắng bán 5 – 6 dự án cùng lúc để có thêm thu nhập. Còn như mình thì tiếp tục bán khoảng 1 – 2 dự án của chủ đầu tư”, anh Hưng chia sẻ.

‘Tất nhiên vẫn phải đạt KPI!’

Ở thời điểm hiện tại tình trạng tuyển dụng môi giới cũng là vấn đề nan giải nên hầu hết các công ty cũng không muốn tạo áp lực cho nhân viên. Tuy nhiên đã dấn thân vào nghề môi giới thì chắc chắn phải gắn liền chỉ số KPI đánh giá năng lực. 

Chị Phương Nguyên – môi giới của sàn giao dịch K. cho biết KPI về doanh số bán hàng không còn đặt nặng như trước. Bù lại, môi giới vẫn phải đạt được những KPI mới liên quan đến cho thuê, chuyển nhượng, duy trì quan hệ với khách hàng, số khách liên hệ trong một ngày,…

“Những hình thức KPI mới đòi hỏi môi giới phải nhạy bén và hoàn thiện kỹ năng mềm của mình. Việc rèn luyện không những phải diễn ra thường xuyên mà môi giới còn phải dành nhiều thời gian để biến mình thành bạn tâm giao với khách hàng. Khi tiếp xúc đủ thân, các môi giới có thể đạt tới trình độ “bán như không bán”. Lúc đó mình đứng ở vai trò là người bạn để chia sẻ những dự án tốt và phù hợp với túi tiền của khách hàng. Khách đủ niềm tin cũng nhanh chóng xuống tiền hơn”, chị Phương Nguyên chia sẻ.

Trường Lam