Thời xưa, người này cho người kia mượn tiền hay một người đi mượn nhiều người là chuyện thường tình. Các bên giao dịch cho vay đều dựa trên quan hệ và niềm tin. Khi hệ thống ngân hàng phát triển với nhiều quy định chặt chẽ, người dân thấy khả năng hoàn trả và kèm theo phần lãi suất sẽ cao hơn nên yên tâm gửi tiền vào.
Về sau người dân quan tâm nhiều hơn đến câu chuyện đầu tư và lãi suất cao, thị trường trái phiếu Việt Nam cũng dần hình thành từ những năm 1990 và bắt đầu phát triển từ năm 2000. Trong giai đoạn từ 2011 đến nay, thị trường trái phiếu đã phát triển mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu huy động vốn của Chính phủ, chính quyền địa phương, các ngân hàng chính sách và doanh nghiệp.
Khoảng 3 năm trở lại đây, trong bối cảnh các tiêu chuẩn cho vay ngày càng bị thắt chặt và các khoản vay có giới hạn nhất định thì trái phiếu doanh nghiệp đang trở thành một kênh huy động thay thế vay vốn trực tiếp từ ngân hàng. Lợi ích của công cụ này là doanh nghiệp có thể huy động vốn vay trung và dài hạn với khối lượng lớn. Chính vì thế thị trường trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ, nhu cầu huy động vốn của các doanh nghiệp luôn nằm ở mức cao.
Trong năm 2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành tổng cộng 722.700 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2020. Trong đó trên thị trường, các doanh nghiệp bất động sản là nhóm phát hành nhiều nhất với 318.200 tỷ đồng (tăng 66,3% so với năm 2020) và chiếm 44% tổng lượng phát hành năm 2021.
Trên thị trường hiện nay mặt bằng chung của trái phiếu phát doanh nghiệp phát hành riêng lẻ dao động trong khoảng 9-11%. Một số đơn vị “mời chào” với lãi suất rất cao lên tới 15%, thậm chí đâu đó còn lên đến 20%. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần nắm vững nguyên tắc lợi nhuận càng cao thì rủi ro kèm theo đó càng lớn.
Về bản chất trái phiếu doanh nghiệp có đặc thù là công cụ nợ do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ, do vậy tính rủi ro vẫn luôn đi kèm.
Dưới đây là 6 rủi ro nhà đầu tư nên quan tâm trước khi xuống tiền vào kênh trái phiếu
1. Nhà đầu tư có thể trắng tay khi đầu tư trái phiếu
Khi mua trái phiếu, cái mà nhà đầu tư đang thực sự mua là một tờ giấy chứng nhận nợ. Hiểu một cách đơn giản, công ty phát hành trái phiếu phải hoàn trả nợ gốc cùng lãi suất theo thời gian. Nhiều nhà đầu tư không nhận ra rằng trái phiếu doanh nghiệp không được bảo đảm vô điều kiện bởi tín dụng của chính phủ mà phụ thuộc vào khả năng thanh toán nợ của công ty.
Trên thị trường hiện này chất lượng về tài sản đảm bảo của trái phiếu còn nhiều hạn chế. Chủ yếu tài là cổ phiếu hoặc các dự án đầu tư, tài sản sẽ hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu/cổ phần của chính doanh nghiệp phát hành. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính đánh giá, chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp. Giá trị của các tài sản này thường không định giá được chính xác hoặc có biến động mạnh theo diễn biến thị trường.
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư chỉ biết mua trái phiếu qua lời giới thiệu của các kênh trung gian (ngân hàng, chứng khoán) mà không quan tâm đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như thế nào. Doanh nghiệp huy động cả trăm, ngàn tỉ đồng qua trái phiếu nhưng không ai giám sát tiền này đi về đâu, đầu tư thế nào, có sử dụng sai mục đích không. Trong hồ sơ phát hành nói huy động tiền từ trái phiếu để đầu tư dự án A, nhưng có thật vậy hay đem tiền đổ vào dự án B hoặc thậm chí có khả năng tất cả dự án đều là ảo.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư phải xem xét khả năng vỡ nợ của công ty phát hành và tính đến rủi ro này khi quyết định đầu tư. Để phân tích khả năng vỡ nợ, một số nhà phân tích và nhà đầu tư sẽ tính toán tỷ số khả năng thanh toán lãi vay (coverage ratio) trước khi bắt đầu đầu tư. Họ sẽ phân tích báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty, xác định lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh và dòng tiền, và sau đó so con số này với chi phí lãi vay. Theo lý thuyết, tỷ số khả năng thanh toán lãi vay (hoặc thu nhập từ hoạt động kinh doanh và dòng tiền) trên chi phí lãi vay càng lớn thì càng an toàn.
2. Rủi ro xếp hạng tín nhiệm
Hiện nay các loại trái phiếu doanh nghiệp được phát hành tại Việt Nam đều chưa được xếp hạng tín nhiệm. Chính vì thế có nhiều loại không tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán. Một số doanh nghiệp công bố huy động vốn với lãi suất cao, nhưng không có phương án kinh doanh khả thi rõ ràng do vậy không đảm bảo cho khả năng trả nợ gốc và lãi sau này.
3. Rủi ro thanh khoản
Luôn có một thị trường sẵn sàng giao dịch trái phiếu chính phủ, nhưng trái phiếu doanh nghiệp thì lại hoàn toàn khác. Có một loại rủi ro đó là nhà đầu tư có thể không bán được trái phiếu doanh nghiệp của mình một cách nhanh chóng do thị trường của trái phiếu đó quá nhỏ với chỉ vài người mua và bán.
Lãi suất thấp trong một đợt phát hành trái phiếu có thể dẫn đến biến động giá đáng kể và có tác động xấu đến tổng lợi nhuận của trái chủ (khi bán). Cũng giống như cổ phiếu được giao dịch trong một thị trường thưa thớt, bạn có thể buộc phải bán trái phiếu với một mức giá thấp hơn nhiều so với dự kiến.
4. Rủi ro lãi suất
Lãi suất và giá trái phiếu có mối quan hệ nghịch đảo: khi lãi suất giảm, giá trái phiếu trên thị trường nhìn chung sẽ tăng lên. Ngược lại, khi lãi suất tăng, giá trái phiếu có xu hướng giảm. Điều này xảy ra bởi khi lãi suất giảm, các nhà đầu tư cố gắng nắm bắt hoặc “khóa” lợi suất cao nhất trong thời gian lâu nhất có thể. Để làm được điều này, họ sẽ thu lời trước từ trái phiếu hiện hành trả lãi suất cao hơn so với giá thị trường bấy giờ. Sự gia tăng nhu cầu dẫn đến việc tăng giá trái phiếu. Trái lại, nếu mức lãi suất hiện hành đang tăng lên, các nhà đầu tư đương nhiên sẽ từ bỏ những trái phiếu trả lãi suất thấp. Điều này sẽ làm cho giá trái phiếu giảm xuống.
Chúng ta hãy xem xét một ví dụ:
Ví dụ - Lãi suất và giá trái phiếu
Một nhà đầu tư sở hữu một trái phiếu được giao dịch ở mệnh giá và có lợi tức là 4%. Giả sử rằng lãi suất thị trường hiện hành tăng lên 5%. Điều gì sẽ xảy ra? Các nhà đầu tư sẽ muốn bán trái phiếu lợi suất 4% để mua vào trái phiếu với lợi tức 5%, và điều này sẽ khiến cho giá trái phiếu với lợi suất 4% thấp hơn mệnh giá.
5. Rủi ro tái đầu tư
Một rủi ro khác mà các nhà đầu tư trái phiếu phải đối mặt là rủi ro tái đầu tư - nguy cơ phải tái đầu tư tiền thu được ở mức lợi suất thấp hơn lợi suất của các khoản tiền kiếm được trước đây. Một trong những nguyên nhân chính khiến rủi ro này phát sinh là khi lãi suất giảm theo thời gian và trái phiếu có thể thu hồi (callable bond) được các tổ chức phát hành mua lại.
Đặc tính có thể thu hồi được cho phép tổ chức phát hành mua lại trái phiếu trước ngày đáo hạn. Kết quả là, người sở hữu trái phiếu nhận được khoản thanh toán gốc có giá trị cao hơn một chút so với mệnh giá.
Tuy nhiên, mặt trái của một trái phiếu có thể thu hồi đó là nhà đầu tư nhận được tiền nhưng không thể tái đầu tư ở mức lợi suất tương đương. Rủi ro tái đầu tư có thể tác động xấu đến lợi nhuận đầu tư của một cá nhân về lâu về dài.
Để bù đắp rủi ro này, các nhà đầu tư sẽ nhận được lợi suất trái phiếu cao hơn khi mua những trái phiếu không có đặc tính thu hồi lại. Các nhà đầu tư trái phiếu chủ động có thể cố gắng giảm thiểu rủi ro tái đầu tư bằng cách mua những trái phiếu có ngày thu hồi (nhiều khả năng xảy ra) rơi vào những thời điểm khác nhau. Điều này giúp hạn chế khả năng nhiều trái phiếu bị thu hồi cùng một lúc.
6. Rủi ro lạm phát
Khi một nhà đầu tư mua trái phiếu, về bản chất họ chắc chắn nhận được một mức lợi suất (cố định hoặc biến đổi) trong thời hạn của trái phiếu, hoặc ít nhất trong thời gian nắm giữ.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chi phí sinh hoạt và lạm phát gia tăng đáng kể, và tốc độ này nhanh hơn so với tốc độ của lợi suất đầu tư? Khi điều này xảy ra, sức mua của nhà đầu tư sẽ giảm và thậm chí có thể thu về mức lợi suất âm.
Nói cách khác, giả sử một nhà đầu tư kiếm được mức lợi suất 3% khi đầu tư trái phiếu, nếu lạm phát tăng lên đến 4% sau khi họ mua trái phiếu, thì lợi suất thực sự của nhà đầu tư (vì sức mua giảm) chỉ còn là -1%.