Từ khi dịch covid xảy ra, con người đã thay đổi nhận thức của mình về môi trường cũng như sức khoẻ. Trong đó, sử dụng vật liệu xanh trong xây dựng được chú ý nhiều hơn. Tính đến năm 2019, số công trình sử dụng loại vật liệu này tăng cao.
Các vật liệu xanh như gạch không nung, xốp cách nhiệt hay các sản phẩm khác của xu hướng vật liệu xanh có thể tốn chi phí hơn vật liệu thông thường nhưng có độ bền cao hơn, thân thiện với môi trường, tiết kiệm điện năng tiêu thụ… Nếu bạn là người quan tâm đến việc bảo vệ môi trường xanh - sạch, hãy cùng Toàn cảnh Bất động sản tìm hiểu thêm về xu hướng vật liệu xanh này nhé.
Xu hướng vật liệu xanh là gì?
Hiện nay, xu hướng phổ biến đang được ngành xây dựng trên thế giới và trong nước lựa chọn là sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường bằng nguyên liệu mới, công nghệ mới. Theo đó, việc sử dụng vật liệu xanh trong xây dựng có lợi ích như: tiêu tốn ít tài nguyên sản xuất hơn, có thể sử dụng tái chế giúp tiết kiệm chi phí cho toàn xã hội,… quan trọng hơn cả góp phần bảo vệ môi trường một cách hiệu quả.
Tiêu chuẩn vật liệu xanh cần đáp ứng được việc giúp giảm năng lượng trong quá trình thực hiện và tiết kiệm điện năng tiêu thụ khi sử dụng. Vật liệu xanh trong nội thất là sự kế thừa những ưu điểm của vật liệu truyền thống, bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên mà vẫn đảm bảo công năng, thẩm mỹ và hiệu quả kinh tế của công trình.
Gạch không nung - vật liệu xanh phổ biến nhất
Gạch không nung hay gạch bê tông bùn là vật liệu xanh thân thiện với môi trường được ưa chuộng trong xây dựng. Gạch được trộn thêm sỏi, cát để tăng thêm độ chắc chắn. Tại Việt Nam, vật liệu này chiếm tỷ trọng sử dụng là 21% tổng các vật liệu trên thị trường và được cho là sẽ phát triển mạnh vì bền.
Sử dụng loại gạch này sẽ tốn chi phí cao hơn gạch nung đất sét thông thường nhưng tính theo tổng thể thì nó mang lại nhiều giá trị hơn về công năng như: có thể cách âm, cách nhiệt, chống cháy, thoát ẩm, giảm được kết cấu cốt thép, thời gian thi công ngắn hơn…
Xốp cách nhiệt - vật liệu xanh tốt cho xứ nóng
Xốp cách nhiệt XPS được làm từ chất dẻo Polystyrene an toàn với người dùng và đặc biệt thân thiện với môi trường. Vật liệu này bền chắc, cách nhiệt và chịu lực nén cao, không thấm nước, không tạo ra chất độc nguy hiểm bốc hơi nào, không bị nấm mốc, ăn mòn và các tấm dư thừa có thể tái sử dụng. Tuổi thọ lên đến 50 năm.
Tấm lợp sinh thái - vật liệu xanh tiện lợi
Tấm lợp sinh thái là vật liệu có tính linh hoạt dẻo dai, trọng lượng nhẹ, kiểu dáng và màu sắc giống với ngói cải tiến, không bị ăn mòn bởi hóa chất, muối biển, kiềm, an toàn cho sức khỏe. Còn có thể cách âm, cách nhiệt tốt, giảm tiếng ồn từ bên ngoài, không cháy, thấm nước, chống va đập.
Hiện nay trên thị trường và trong xu hướng vật liệu xanh, có một số loại tấm lợp sinh thái được ưa chuộng như Tấm lợp sinh thái Corrubit (nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ); Tấm ngói Onduvilla (nhập khẩu từ Pháp); tấm lợp sinh thái ONDULINE.
Sơn sinh thái - vật liệu xanh tương lai
Đây là vật liệu đã được loại bỏ tạp chất độc hại, không có chì, thủy ngân cũng như chất hữu cơ độc hại VOC. Đặc biệt, sơn sinh thái có thể hấp thụ được mùi hôi, khí CO2, chống cháy và ăn mòn, chống lại các tầng sóng có hại như sóng điện tử, bảo vệ sức khỏe cho con người.
Giá sơn sinh thái thường đắt hơn sơn thông thường 2 – 3 lần nhưng có độ bền đến 25 năm, không bị ẩm mốc hay nứt. Trong khi đó, các sơn thông thường chỉ vài năm sẽ có tình trạng xuống cấp, mất thêm chi phí sơn lại. Vì thế trong xu hướng vật liệu xanh, sơn thông thái đang được ưu tiên lựa chọn.
Bê tông nhẹ - vật liệu xanh "mơ ước"
Bê tông nhẹ làm thành gạch khối, tấm sàn mái, tấm tường, dùng công nghệ chưng áp khí, không nung. Cốt liệu sản phẩm được làm từ cát, nước, vôi, xi-măng qua công nghệ trộn với bột nhôm, phụ gia đổ vào khuôn. Từ đó, hỗn hợp cho phản ứng lý hoá tạo sự giãn nở thành những túi khí bên trong nên sản phẩm có độ rỗng cao. Sau đó cho vào nồi hấp chưng áp có nhiệt độ và áp suất cao.
Ưu điểm sản phẩm là nhẹ hơn 1/2 so với gạch đất sét nung, từ đó, tiết kiệm được chi phí nền móng khi xây nhà. Cấu trúc và thành phần bê tông nhẹ nên có khả năng cách nhiệt, có thể giảm khoảng 30% điện năng cho máy lạnh. Sản phẩm bê-tông nhẹ là vật liệu xanh vì giảm được chất thải – không nung, không gây ảnh hưởng môi trường.