Tôi lớn lên trên vùng đất đỏ Lâm Đồng nhưng xuống Sài Gòn học rồi ở lại lập nghiệp đã hơn 23 năm. Mỗi dịp tết đến hè về, gia đình tôi lại dắt nhau về nhà ông bà ngoại chơi. Năm nay dịch tràn tới quá nhanh, rồi giãn cách xã hội khiến việc mua thực phẩm trở nên khó khăn, nhiều rủi ro. Nhưng gia đình tôi không phải xếp hàng ở siêu thị ngày nào, tất cả là nhờ mấy thùng hàng "cứu trợ" từ trang trại quê nhà. Tôi bỗng nghĩ, ai mà có miếng vườn ở quê lúc này đúng là sung sướng thật.
Với khí hậu mát mẻ và cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, Đà Lạt vẫn luôn được xem là thành phố nghỉ dưỡng nổi tiếng Việt Nam. Cách TP. HCM 300km, tương đương 6 tiếng lái xe, Đà Lạt từ lâu trở thành địa điểm yêu thích của giới nhà giàu muốn tìm kiếm chốn nghỉ ngơi. Đặc biệt, kể từ khi dịch covid xảy ra, mơ ước về một căn nhà có thể nhìn ngắm đồi núi, suối chảy róc rách, sương giăng sáng chiều càng trở nên mãnh liệt hơn trong lòng những người phố thị. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng giảm sâu, đất thành phố đắt đỏ, chứng khoán bấp bênh và tin cao tốc đi Đà Lạt... cũng là nguyên nhân khiến nhiều gia đình quyết định đầu tư đất tỉnh để kiếm lời.
Trên mạng xã hội, người ta cũng liên tục livestream đưa tin đoàn nọ đoàn kia đi thăm đất. Những người bạn tôi ở quê kể rằng không chỉ TP. Đà Lạt mà cả Lạc Dương, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lộc cũng trở nên đông đúc. Theo chân cò đất, các vùng xưa nay chỉ có người dân địa phương lui tới bỗng chốc cũng nườm nượp xe cộ. Họ tập trung tìm kiếm những mảnh đất thoai thoải, có suối, có vườn, hoặc cảnh đồi núi trập trùng để mở trang trại, làm nhà nghỉ dưỡng cuối tuần hoặc là chốn dưỡng già khi vào tuổi xế chiều.
Bên cạnh đất cao nguyên, nhiều người còn săn tìm đất vùng biển: Vũng Tàu, Ninh Thuận Bình Thuận, Nha Trang. Những thửa đất lớn, cảnh quan thiên nhiên đẹp, đường xá thuận tiện, có nguồn nước, điện... thích hợp làm trang trại đã thu hút lượng lớn người mua đến từ Hà Nội, Sài Gòn.
Nhưng thực tế, để biến một mảnh đất thành nơi ở được không hề dễ dàng. Còn xây dựng một ngôi nhà thơ mộng với vườn rau ao cá, cây trái hoa nở như trong các bộ phim hoặc ảnh trên mạng thì phải nói là rất "trần ai".
Đầu tiên là chuyện tài chính. Mua một mảnh đất xong thì cần xây tường rào, lập kế hoạch trồng cây gì, trồng ở đâu, xây nhà thế nào. Nhà ở nghỉ dưỡng phải đẹp, mát, tiện nghi, thân thiện môi trường, hệ thống nước, nhà vệ sinh phải chuẩn. Ngôi nhà cấp 4 nho nhỏ ở quê xây cũng hết vài trăm triệu mới tạm gọi là "ở được". Ngoài ngôi nhà, còn có chi phí xây dựng các công trình phụ xung quanh như vườn, đường đi. Chi phí hoàn thiện và duy trì, chi phí cây giống... Nói chung phải bỏ tiền tỉ mới có một nơi gọi là tạm được.
Tiếp theo là chuyện nhân công - người làm, người trông coi chăm sóc khu đất. Hiện tại nhân công tại địa phương không dễ kiếm, và nếu thuê nhân công thì nhất định bạn phải ở đó trông coi, quản lý. Nếu bạn ở xa chỉ về mỗi tháng, hoặc cuối tuần thì cần có người ở tại khu đất, đây phải là người tin cậy, bởi đó là người chăm sóc phần tài sản lớn của bạn. Sau khi công trình hình thành, phải có nhân công ở lại thường xuyên để trông coi, tưới nước, chăm sóc cây cối hàng ngày. Như vậy, ngoài nhân công theo giai đoạn, bạn cần chuẩn bị người làm toàn thời gian.
Để có một trang trại thực thụ, cần rất nhiều công sức, sự bền bỉ, quyết tâm và lòng đam mê. Tôi đã chứng kiến không ít người thành phố mơ mộng làm trang trại nghỉ dưỡng, mua đất rồi nhưng mãi vẫn chưa thành hình. Cũng có người bỏ tiền ra làm nhưng không có kế hoạch tốt như không có người trông coi, không thường xuyên chăm sóc cải tạo sửa sang dẫn đến tài sản hư hại, mất mát, đất đai cỏ mọc um tùm, nhà cửa xuống cấp, rất phí phạm, vừa mất tiền vừa uổng công sức.
Tôi có quen nhiều người bạn lớn, chị sắp về hưu nên muốn bỏ tiền mua đất vùng ven Bảo Lộc với ý định lên đó trồng hoa, ngày ngày uống trà làm bánh, an hưởng tuổi già. Tuy nhiên chỉ được vài lần đi lên đi xuống thăm đất chứ chưa nói tới bắt tay vào làm thì đã thấy "oải". Quãng đường hơn 200km ngồi xe, mất 5 tiếng không phải là chuyện nhỏ, nhất là với người bận rộn lại sức khoẻ kém như chị. Có anh chị khác sau khi về hưu đã bỏ phố lên Gia Lai sống được một thời gian ngắn, lúc đầu hăm hở sau lại than buồn bã do đã quen cuộc sống phố xá tiện nghi. Đó là chưa kể vài lần ốm đau lại phải bay xuống Sài Gòn khám bệnh rất phiền hà. Thiết nghĩ, chuyện làm trang trại nghỉ dưỡng chỉ thích hợp với những người đam mê cuộc sống nông thôn, vui thú điền viên và phải thực sự khoẻ mạnh.
Hôm nọ tôi ngồi nói chuyện với một anh là dân đầu tư lâu năm rằng "Nhìn bạn bè lên kế hoạch làm một căn nhà nghỉ dưỡng ở cao nguyên, em thấy ham quá, hay em cũng làm thế, nếu không ở thì bán lại kiếm lời?". Anh phân tích rằng, nếu đầu tư cứ chọn nơi có kinh tế phát triển hoặc tiềm năng phát triển như gần khu công nghiệp, khu du lịch. Cơ sở hạ tầng đường sá, cầu cống, sân bay, bến cảng... thường đi theo quy hoạch liên quan đến kinh tế. Chỉ những nơi ấy giá bất động sản mới có hiệu suất sinh lời cao. Không thể phủ nhận nhiều người đầu tư đất làm trang trại sau đó tách thửa bán lại hoặc bán cả công trình kiếm được lợi nhuận nhưng điều này phụ thuộc nhiều vào tầm nhìn, óc kinh doanh nhạy bén của từng người, đôi khi có cả yếu tố may mắn nữa.
Theo một chuyên gia tư vấn tài chính, người càng lớn tuổi thì càng nên sống tại những nơi tiện nghi, dịch vụ tốt, đặc biệt là dịch vụ y tế. Việc dưỡng già ở một nơi quá xa thành phố, cơ sở hạ tầng chưa phát triển đồng bộ là một ý tưởng không mấy khả thi. Đầu tư một căn nhà để nghỉ dưỡng thật sự thì một nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên chỉ nên thực hiện khi tiềm lực tài chính dồi dào, tức là có khoảng vài tỉ nhãn rỗi. Thông thường, ngôi nhà nghỉ dưỡng phải là ngôi nhà thứ 2, 3 tức là sau khi đã có căn nhà ở thoải mái, một khoản đầu tư sinh lời vững chắc thì người ta mới nghĩ đến đam mê "xa xỉ" này.