Pháp lý minh bạch, vị trí thuận tiện, tính thanh khoản cao… là những tiêu chí hàng đầu mà Toàn cảnh Bất động sản khuyên bạn nên nghiên cứu kỹ trước khi quyết định “xuống tiền" mua bất động sản để tránh rủi ro bị lỗ. 

Mua bất động sản có pháp lý minh bạch

Pháp lý của sản phẩm, dự án là yếu tố cần lưu tâm trên hết khi chọn mua bất động sản, nhằm đảm bảo an toàn tài chính của bạn. Nếu mua chung cư, căn hộ, biệt thự... nằm trong dự án thì yêu cầu chủ đầu tư cung cấp hồ sơ dự án đầy đủ. Chọn chủ đầu tư uy tín, có lịch sử giao dịch tốt trong ngành sẽ khiến bạn gặp ít rủi ro hơn các chủ đầu tư nhỏ lẻ.

Nếu mua nhà dân, đất nền, đất thổ cư… thì nên mua đất có sổ đỏ, kiểm tra tính quy hoạch, tính tranh chấp… của bất động sản đó. Đừng tin những lời hứa “Yên tâm mua xong sẽ có sổ đỏ" từ bất kỳ ai. Hãy kiểm tra bằng cách hỏi địa chính xã, phường; phòng tài nguyên quận, huyện hay các cơ quan chức năng. 

Xem xét kỹ vị trí

Dân mua nhà đất có câu cửa miệng “nhất vị nhì hướng”. Vị trí của bất động sản là yếu tố quan trọng để tạo nên giá trị cũng như là cơ sở định giá tài sản. Nếu mua để ở, bạn xác định khu vực sẽ sống lâu dài hay không, di chuyển làm việc mất bao lâu, khu vực này có thuận tiện cho kinh doanh gia đình hay không. Trường học, chợ, siêu thị, bệnh viện… trong bán kính cho khép cũng được xét đến trong tiêu chí mua nhà đất.
 

chon-mua-nha-dat-1630232062.jpeg
Vị trí, hạ tầng xã hội, kết nối giao thông… là những yếu tố không thể bỏ qua khi quyết định mua bất động sản.

Với người mua bất động sản để đầu tư, còn phải để ý đến quy hoạch hạ tầng xã hội và kết nối giao thông. Nếu nhà đầu tư có tài chính tốt, xác định dòng vốn dài hạn thì nên đầu tư đón đầu tại những khu vực có hạ tầng sắp hoặc đang kết nối, vì tỷ suất sinh lợi sẽ cao. Cũng có thể chấp nhận khoảng cách xa khu trung tâm nếu giao thông thuận tiện và có đầy đủ tiện ích.

Chỉ nên mua bất động sản có tính thanh khoản cao

Tính thanh khoản được hiểu đơn giản là khả năng chuyển đổi thành tiền mặt. Chọn mua bất động sản phải nhìn thấy được việc tạo giá trị gia tăng, chẳng hạn như cho thuê hoặc sử dụng, để ở, hay bán được không. Ví dụ bạn cần tiền để đầu tư dự án khác, bây giờ bán rẻ hơn một chút, có người mua ngay hay không? Đặc biệt nếu bạn định vay tiền của ngân hàng, người quen để đầu tư, thì càng phải chọn sản phẩm bất động sản có thể dễ mua vào, bán ra. Tất nhiên, nếu đầu tư dài hạn thì biên độ lợi nhuận sẽ cao hơn, nhưng dòng vốn của bạn ở mức trung hạn thì không nên mạo hiểm.

Mua sản phẩm phù hợp túi tiền

Dù mua bất động sản để cho nhu cầu tiêu dùng hay đầu tư thì cũng nên lựa chọn sản phẩm phù hợp khả năng tài chính. Trường hợp thiếu hụt, chỉ nên vay trong ngưỡng an toàn (tức dưới 50% giá trị tài sản). Ngoài ra, trước khi vay, cần tính đến bài toán lãi suất thả nổi cũng như tình hình các nguồn tiền để lường trước các áp lực. Nếu nghĩ đến tiềm năng tăng giá của bất động sản sẽ mua, bạn phải tỉnh táo. Tránh để rơi vào bẫy cò mồi lừa đảo, cơn sốt đất ảo. 
 

cac-tieu-chi-quan-trong-de-mua-bat-dong-san-1622112078.jpeg
Khi mua bất động sản đừng ham rẻ cũng đừng sợ đắt, quan trọng là hợp túi tiền và có tính thanh khoản cao.

Nếu là đầu tư, một trong các cách mua bán đất kiếm lời là ưu tiên bỏ tiền vào những địa điểm, khu vực có giá trị đất cao hơn giá xây dựng. Giá tối thiểu của mỗi m2 đất phải cao hơn gấp đôi giá của một m2 xây dựng. Đây chính là tiêu chí trắc nghiệm tốc độ đô thị hóa tỷ lệ thuận với giá đất. Ví dụ cụ thể: đơn giá xây dựng phổ biến hiện nay khoảng 3 triệu đồng/m2 sàn. Nếu giá đất dưới mức giá này thì quá trình thu hút dân cư sẽ rất chậm. 

Theo kinh nghiệm đầu tư nhà đất của một số người, ở những nơi đã phát triển rồi, giá bất động sản thường sẽ tương đối ổn định, và dễ bán được ngay chỉ là lời ít hay nhiều. Ở những nơi đang phát triển, bất động sản sẽ tiếp tục được hưởng yếu tố tiềm năng tăng giá. Bạn cần cân nhắc khả năng tài chính ngắn hạn và lâu dài của mình, tính đến các yếu tố rủi ro như nguồn tiền ít đi vì dịch bệnh, mất cơ hội đầu tư khác…