1. Làm thế nào để giảm rủi ro khi mua nhà không có sổ đỏ?

Để tránh rủi ro khi mua nhà không có sổ đỏ, bạn cần làm đúng theo 6 việc sau đây:

Đầu tiên, bạn cần tìm hiểu thông tin của thửa đất xem nó có phải là đất thổ cư hợp pháp hay không, đất có thuộc diện lấn chiếm hay đang nằm trong quy hoạch hay không, đất có đang tranh chấp với các chủ thể khác hay không.

Thứ hai, bạn kiểm tra thông tin, giấy tờ tùy thân của bên bán đất. Nếu bên bán đã có vợ hoặc chồng thì phải có sự tham gia của cả hai vợ chồng trong hợp đồng mua bán.

Thứ ba, bạn yêu cầu người bán phải giao bản chính các giấy tờ về nguồn gốc đất.

Thứ tư, bạn mời bên trung gian hai người làm chứng và yêu cầu bên bán điểm chỉ bằng ngón trỏ phải vào hợp đồng.

Thứ năm, việc thanh toán đất thực hiện tại ngân hàng và bạn yêu cầu bên bán viết giấy biên nhận tiền.

Thứ sáu, bạn nhận bàn giao nhà ngay sau khi thanh toán tiền mua.

mua-nha-khong-co-so-do-1666578018.jpg
Mua nhà không có sổ đỏ dễ gặp nhiều rủi ro

2. Có thể đăng ký xem sổ đỏ của bất động sản không?

Trường hợp thứ 1: Nếu bất động sản của bạn có đăng ký giao dịch với bên trung gian thì bạn có thể hỏi chuyên viên pháp lý của bên trung gian đó tình trạng pháp lý của bất động sản. Bạn có thể xem sổ đỏ trước khi tiến hành xem nhà.

Trường hợp thứ 2: Nếu bất động sản đó do bạn tự giao dịch thì bạn có thể yêu cầu người bán cho xem sổ đỏ khi xem nhà hoặc yêu cầu người bán cung cấp bàn photo, scan sổ đỏ để kiểm tra tình trạng pháp lý của bất động sản. Sau đó, bạn liên hệ với Ủy ban nhân dân phường hoặc quận nơi có bất động sản để tra cứu thông tin bất động sản đó.

3. Sắp tới áp dụng quy định bỏ hộ khẩu có rủi ro gì không? 

Theo quy định của Luật cư trú năm 2020, kể từ ngày 01/07/2022, mọi thông tin dữ liệu liên quan đến cư trú đều được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, được kết nối và chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tức là sau khi bỏ hộ khẩu giấy thì công dân chỉ cần xuất trình thẻ CCCD là cơ quan có thẩm quyền sẽ tra cứu được các thông tin cư trú.

Trường hợp bạn bị thu hồi sổ hộ khẩu khi làm các thủ tục quy định trong Khoản 2 Điều 26 Thông tư 55/2021/TT-BCA nhưng bạn vẫn cần giấy tờ chứng minh cư trú thì có thể sử dụng “Giấy xác nhận thông tin về cư trú” bao gồm những thông tin về thời gian, địa điểm, hình thức đăng ký cư trú.

4. “Thanh toán đảm bảo 3 bên” là gì? 

Đối tượng của “Thanh toán đảm bảo 3 bên” gồm Ngân hàng – Chủ nhà/đất – Khách mua.

Quy trình “Thanh toán đảm bảo 3 bên” được thực hiện như sau:

Bên mua và bên bán thỏa thuận thanh toán thông qua ngân hàng

Bên bán sẽ mở tài khoản phong tỏa tại ngân hàng

Bên mua sẽ chuyển tiền vào ngân hàng đó

Sau đó, ngân hàng sẽ chỉ mở phong tỏa số tiền này (do bên bán sử dụng) sau khi xác nhận với hai bên việc buôn bán đã hoàn tất.

5. Khi hợp tác mua nhà, thủ tục đứng tên 2 người nên làm ra sao?

Trong trường hợp 2 người đứng tên sổ đỏ không phải vợ chồng, khi làm thủ tục, bạn cần làm theo các bước

Bước 1: Chuẩn bị

- Giấy tờ cá nhân là chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân.

- Các giấy tờ chứng minh: hợp đồng mua bán nhà đất, tặng cho, nhận chuyển nhượng, thừa kế nhà đất chung.

- Đơn đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận viết theo Mẫu số 10/ĐK.

- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.

Bước 2: Nộp hồ sơ

- Hồ sơ được nộp tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc bộ phận 1 cửa.

- Hồ sơ khi nộp không đầy đủ hoặc chưa hợp lệ sẽ được cơ quan tiếp nhận, xử lý và hướng dẫn nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định với thời hạn tối đa là 3 ngày.

phap-ly-bat-dong-san-1666578018.jpg
Thực hiện thủ tục đứng tên 2 người tại Văn phòng đăng ký đất đai

6. Mua bán Bất động sản đang thế chấp sẽ gặp những rủi ro nào?

Nếu nhận chuyển nhượng Bất động sản đang thế chấp bạn thường sẽ gặp những rủi ro:

Nếu bạn chuyển nhượng nhưng chưa thanh toán hết nợ cho ngân hàng hoặc chưa có sự đồng ý của ngân hàng thì hợp đồng này sẽ bị coi là vô hiệu vì trái với quy định của pháp luật và ảnh hưởng đến quyền lợi, nghĩa vụ của bên thứ ba là ngân hàng.

Một rủi ro khác là bạn có khả năng bị lừa bởi người bán cấu kết với nhân viên ngân hàng nhằm chiếm đoạt số tiền đã đặt cọc.

7. Mua bán, chuyển nhượng nhà ở tái định cư cần có điều kiện như thế nào?

Nhà ở tái định cư có thể chuyển nhượng được nếu đáp ứng điều kiện của nhà ở để giao dịch như sau:

- Nhà có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

- Nhà không thuộc diện có tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại về quyền sử dụng đất

- Nhà không thuộc diện kê biên để thi hành án

- Nhà không thuộc diện có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở