Trích lục đất là gì?

Trích lục đất còn được gọi là trích lục bản đồ địa chính. Theo Luật Đất đai năm 2013, Khoản 4 Điều 3, bản đồ địa chính là hình vẽ thu nhỏ thể hiện thông tin các thửa đất, các yếu tố địa lý có liên quan được lập theo đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận. Từ điển tiếng Việt cũng giải thích, trích lục là hành vi trích ra từng phần và sao chép lại.

Tóm lại, trích lục thửa đất là bản vẽ trên giấy hoặc trên bản đồ kỹ thuật mô tả thông số chính xác thông tin về thửa đất nhờ vào đo đạc từ thực địa. Trong đó, bản trích lục sẽ cung cấp thông tin về hình dáng thửa đất và các thông số cụ thể liên quan đến diện tích và vị trí đất, các yếu tố địa lý của miếng đất đó dựa trên hồ sơ gốc, giấy tờ đã có, bao gồm:

- Số thứ tự của miếng đất, bản đồ, địa chỉ đất (xã, huyện, tỉnh)

- Diện tích đất

- Mục đích sử dụng đất

- Tên và địa chỉ thường trú của người sở hữu đất

- Các thay đổi của miếng đất so với giấy tờ pháp lý

- Bản vẽ đất gồm sơ đồ đất và kích thước đất

Lưu ý: trích lục bản đồ địa chính chỉ là cơ sở cung cấp thông số chi tiết về đặc điểm một thửa đất hoặc một khu vực nhất định, không được xem là văn bản pháp lý hợp lệ để chứng minh quyền sử dụng đất trong các giao dịch mua bán nhà đất. Bản đồ địa chính sẽ được quản lý bởi Văn phòng đăng ký đất đai, đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh; Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện.

mau-ban-ve-trich-luc-dat-1661134061.jpg
Mẫu trích lục đất

Những trường hợp phải trích lục đất

Đất chưa có bản đồ địa chính, chưa có trích đo thửa đất

Khoản 3 Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ - CP quy định trường hợp đất chưa có bản đồ địa chính và trích đo thửa đất thì Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm trích lục bản đồ địa chính, trích đo địa chính thửa đất.

Người xin giao đất, thuê đất có yêu cầu trích lục đất 

Khoản 1 Điều 3 Thông tư 30/2014/TT - BTNMT quy định nếu trong quá trình giao đất, thuê đất, người dân có yêu cầu xin trích lục hồ sơ đất đai thì cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thực hiện và cung cấp bản đồ địa chính.

Giải quyết tranh chấp đất đai

Trích lục bản đồ địa chính là một trong những căn cứ để giải quyết tranh chấp đất đai. Cơ quan Nhà nước sẽ tiến hành so sánh diện tích đất trên bản đồ được trích lục và diện tích đất trên thực tế.

Ranh giới đất bị mờ hoặc mất

Trường hợp ranh giới đất bị mờ hoặc mất, cơ quan nhà nước sẽ xác định được giới hạn từng miếng đất thông qua trích lục đất, từ đó xác định lại ranh giới đất.

Thực hiện quyền của người sở hữu đất

Khi người sở hữu thực hiện những quyền chuyển nhượng, thừa kế, cho thuê, thế chấp,...liên quan đến đất đai thì thủ tục trích lục đất là điều không thể thiếu.

Trình tự, thủ tục trích lục đất

Điều 12 Thông tư 34/2014/TT - BTNMT "Trình tự, thủ tục cung cấp dữ liệu đất đai" quy định:

1. Các phương pháp thực hiện việc viết nộp văn bản đơn xin trích lục bản đồ địa chính, phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai gồm:

- Nộp trực tiếp văn bản tại cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai

- Gửi văn bản qua thư điện tử hoặc cổng thông tin đất đai

- Gửi bằng fax, bưu điện

2. Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai sẽ tiếp nhận, xử lý và thông báo nghĩa vụ tài chính (trường hợp phải thực hiện) cho cá nhân, tổ chức. Phải nêu rõ lý do và trả lời cho cá nhân, tổ chức trong trường hợp từ chối cung cấp dữ liệu.

3. Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai thực hiện cung cấp dữ liệu đất đai sau khi cá nhân, tổ chức thực hiện xong nghĩa vụ tài chính.

4. Thời hạn cung cấp dữ liệu đất đai của cơ quan:

- Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai nhận được yêu cầu trước 15 giờ phải cung cấp ngay trong ngày; nhận được yêu cầu sau 15 giờ thì thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo.

- Trường hợp yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai hình thức tổng hợp thông tin thì thời hạn được thỏa thuận giữa cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai và người yêu cầu.

- Trường hợp trích lục bản đồ địa chính online, ta điền mẫu phiếu online rồi nộp qua cổng điện tử đến Trung tâm Dữ liệu và Thông tin đất đai của Tổng cục quản lý đất đai hoặc của Văn phòng đăng ký đất đai.

giay-trich-luc-ban-do-dia-chinh-1661134061.jpg
Giấy trích lục bản đồ địa chính

Theo quy định của pháp luật, đất trích lục có làm sổ đỏ được không?

Trích lục đất không phải điều kiện để cấp sổ đỏ theo điểm b Khoản 3 Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ - CP.

Có nên mua đất chỉ có giấy trích lục không?

Việc quyết định xuống tiền trong khi đất chỉ mới có giấy tờ trích lục được các nhà đầu tư đánh giá là quyết định liều lĩnh và đầy rủi ro khi không có các giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu đất như sổ đỏ, giấy đóng thuế đất, hộ khẩu… Trường hợp ngôi nhà được xây trên miếng đất đang tranh chấp, đất sử dụng sai mục đích, đất chiếm lấn hay đất đã có quyết định thu hồi từ cơ quan chức năng hoặc ngân hàng, nếu chỉ có giấy trích lục đất thì người mua có thể mất trắng. Kể cả khi đất trích lục có giá quá rẻ nhưng đất chưa có sổ đỏ thì đây thật sự là một giao dịch không nên thực hiện vì bản chất giấy trích lục đất chỉ để người mua kiểm tra trích lục đất, so sánh với thực tế chứ không có giá trị pháp lý trong giao dịch.