Tại cuộc họp với Ngân hành Nhà nước, Bộ Xây dựng và 14 tổ chức tín dụng sáng 13/11, các doanh nghiệp bất động sản đã đưa ra nhiều kiến nghị.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh, thời gian vừa qua, Hưng Thịnh đã tái cơ cấu rất mạnh mẽ và quyết tâm khôi khục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) đã cấp tín dụng cho Tập đoàn Hưng Thịnh với hạn mức 5.000 tỷ đồng, phần nào giúp tháo gỡ vướng vắc về vốn cho doanh nghiệp và các nhà thầu đang xây dựng tại dự án dở dang.
Hưng Thịnh đang lên kế hoạch đưa dòng tiền vào trực tiếp các dự án, triển khai xây dựng và sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay LPBank cũng đã hết room cho vay bất động sản nên gặp khó khăn trong việc triển khai các gói tiếp theo. Do đó, ông Cường đề xuất chính sách nới room tín dụng cho những ngân hàng tham gia tái cơ cấu cho thị trường bất động sản.
Ngoài ra, theo ông Cường trong điều kiện pháp lý của các dự án bất động sản đang triển khai kéo dài nên đề nghị các ngân hàng tối giản các điều kiện cho vay đối với các dự án, đồng thời kéo giãn thời gian cho vay dài hơn so với giai đoạn trước để doanh nghiệp có thêm thời gian xoay sở trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Trong bối cảnh các nhà đầu vô cùng khó khăn khi các chủ đầu tư gặp khó, ông cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại có thêm cơ chế kéo dài thời gian cho vay đối với các nhà thầu thi công, các nhà thầu cung cấp nguyên vật liệu cho các dự án trong khoảng thời gian 15 -24 tháng thay vì 6 -12 tháng như hiện nay. Các ngân hàng sẽ cùng giám sát chặt chẽ để thu về nợ trước hạn khi doanh nghiệp có dòng tiền.
Còn ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinhomes cho biết, các doanh nghiệp bất động sản đến nay vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp do các ngân hàng, hạn chế ở room tín dụng khiến ngân hàng cân nhắc lựa chọn khách hàng khi cho vay, mặt bằng lãi suất vẫn chưa đạt như kỳ vọng.
Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo đã thấp hơn giá trị thực trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng, không có nhiều giao dịch để tham chiếu. Các dự án bất động sản bị vướng mắc trong quy trình, thủ tục.
Nhiều ngân hàng chỉ giải ngân cho vay với tài sản bất động sản, không chấp nhận những tài sản khác như cổ phiếu niêm yết, những máy móc thiết bị, quyền tài sản phát sinh từ dự án.
Ông Hoa mong muốn các lãnh đạo bộ ngành, ngân hàng, chính phủ ủng hộ, phối hợp tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bởi hiện nay vẫn còn hiện tượng trốn tránh trách nhiệm ở một số bộ phận trong bộ máy Nhà nước dẫn đến tình trạng trì trệ kéo dài, ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Tập đoàn Novaland cho biết, đang gặp khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án và tiếp cận vốn tín dụng.
Novaland đề nghị Thủ tưởng Chính phủ chỉ đạo sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 44/2014/NĐ-CP nhằm có phương án cuối cùng trong quản lý sử dụng đất; tính tiền sử dụng đất tại các dự án của Novaland và các dự án đang ách tắc trên cả nước.
Phía doanh nghiệp cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo có chính sách giảm thuế và giãn thuế TNDN cho các doanh nghiệp bất động sản để tháo gỡ khó khăn và tập trung ổn định kinh doanh trong 3 năm (2022, 2023 và 2024).
Ngoài ra, đại diện Novaland cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ đồng lòng hỗ trợ trong việc cơ cấu khoản vay và giảm lãi suất cho những dự án sẽ triển khai trong 2 năm tới để giãn dòng thanh toán cho doanh nghiệp.
Sửa đổi, bổ sung thông tư 08/2020/TT-NHNN, giúp tổ chức tín dụng có thể sử dụng tối đa 34% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn như hiện giờ, thay vì 30%.
Ông Lâm Hoàng Đăng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Văn Phú – Invest cho rằng quy định của Ngân hàng Nhà nuwocs liên quan đến việc vay vốn phát triển dự án phải có vốn tự có là 30% đang làm khó các chủ đầu tư.
Bởi khi thị trường địa ốc khó khăn, doanh nghiệp vẫn phải trả lãi, trả gốc vay và các chi phí khác thì bản thân doanh nghiệp phải ứng vốn tự có của mình ra. Vì vậy, số vốn tự có này dần dần sẽ bị giảm đi, gâp áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp. Do đó, vị này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm tỷ lệ này xuống còn 10 – 15% để giúp doanh nghiệp vượt qua trong giai đoạn khó khăn.