Điểm tin bất động sản 4/11: Biệt thự biển tồn kho 50-70%

Minh Anh
Bất động sản nghỉ dưỡng suy yếu, quỹ đất nhà giá rẻ chỉ đáp ứng được 36% nhu cầu, thị trường địa ốc quý III/2022 suy yếu… là những tin tức thị trường địa ốc đáng chú ý sáng ngày 4/11.

Biệt thự biển tồn kho, phục hồi chậm

Theo Báo cáo BĐS nghỉ dưỡng của DKRA Việt Nam, trong quý III/2022, cả nước chỉ bán được 389 căn biệt thự biển, tương dương chưa đến 30% tổng nguồn cung mới. So với nửa đầu năm, lượng tiêu thụ BĐS biển ba miền Bắc – Trung – Nam khá chậm. Thậm chí vài nơi đóng rổ hàng, tạm ngưng giao dịch khiến thị trường trầm lắng.

biet-thu-bien-1667550458.jpg
Các chuyên gia cho biết tình trạng "ế" giao dịch hiện tại đã được dự đoán từ trước

Việc tăng cường siết tín dụng ảnh hưởng nhiều đến thị trường địa ốc, kéo theo sự thận trọng của các chủ đầu tư khi chào bán sản phẩm. Ông Võ Hồng Thắng - Phó giám đốc R&D DKRA Group cho biết tình hình ảm đạm giao dịch hiện tại đã được dự đoán trước. Song nhiều chủ đầu tư vẫn “chới với” do ảnh hưởng bất ngờ từ lạm phát cùng một số bất cập liên quan đến hành lang pháp lý chưa được tháo gỡ triệt để.

Đà phục hồi của thị trường BĐS biển từ đây đến cuối năm được các chuyên gia dự đoán sẽ diễn ra khá chậm chạp. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), lý do chính bắt nguồn từ các vướng mắc liên quan đến pháp lý chưa hoàn thiện. Ngoài ra, việc cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình phục vụ mục đích lưu trú, du lịch trên đất thương mại, dịch vụ từng bị thu hồi, hủy bỏ trước đây… cũng là vấn đề cần sớm tháo gỡ để thị trường phục hồi.

Siết tín dụng khiến thị trường BĐS khó khăn

Tiếp nối những bất cập kìm chân thị trường địa ốc trong năm nay, chiều 3/11, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị dự báo tình hình sẽ tiếp tục khó khăn do nguồn cung vừa thiếu, vừa thừa, côgnj thêm việc siết tín dụng, ảnh hưởng nhiều đến tỷ lệ tiêu thụ.

Lý giải cho việc kiểm soát tín dụng BĐS, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết thực trạng tiếp cận vốn tín dụng để xây dựng, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân… tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bà cho rằng vốn tín dụng chỉ là một trong những nguồn lực cần có để thị trường bất động sản phát triển. Thay vào đó, vốn từ đầu tư trực tiếp, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, vốn tự có của doanh nghiệp, người dân... mới là nguồn vốn cần thiết cho thị trường.

Đồng thời, Thống đốc cũng chỉ ra rủi ro của tín dụng BĐS cao bắt nguồn từ yếu tố vay dài hạn với số tiền huy động lớn. Trong khi đặc tính huy động của ngân hàng là vốn ngắn hạn, nếu không tổ chức, điều tiết tốt sẽ đối diện với rủi ro thanh khoản, khó khăn trong chi trả cho người dân.

Quỹ đất xây nhà giá rẻ không đủ đáp ứng nhu cầu

Cũng trong phiên chất vấn chiều 3/11, các đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề với Bộ Xây dựng về quỹ đất xây nhà giá rẻ khi nhu cầu tăng cao nhưng lại thiếu thốn nguồn cung. Cụ thể, tính đến hiện tại cả nước mới đạt 7,79 triệu m2 nhà ở xã hội, trong khi yêu cầu chung của phân khúc này lại đến 12,5 triệu m2. Theo đó, nguồn cung chỉ mới chỉ đáp ứng được 36% nhu cầu.

quy-dat-xay-nha-gia-re-1667550458.jpg
Nguồn cung nhà giá rẻ chỉ mới chỉ đáp ứng được 36% nhu cầu

Giải đáp vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết việc đầu tư nhà ở xã hội thời gian qua ghi nhận một số kết quả song chưa đạt kỳ vọng ban đầu. Nguyên nhân bắt nguồn từ môt jsố vướng mắc liên quan đến quy định pháp luật sửa đổi bổ sung để đáp ứng nhu cầu người dân. Thêm vào đó, viẹc sửa đổi Luật nhà ở và các luật có liên quan về một số nội dung như trình tự mua bán nhà ở xã hội, việc xác định giá bán nhà ở xã hội, các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở để cho thuê… cũng ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung.

Bộ trưởng cũng đưa ra ba nhóm giải pháp cụ thể cho vấn đề này gồm: tháo gỡ vướng mắc pháp lý; rà soát nhận diện để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án; và tập trung tối ưu hiệu quả triển khai đề án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

Đề xuất bỏ thu hồi đất dự án nhà ở thương mại

Trong khuôn khổ kỳ họp Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các đại đề xuất ý kiến rà soát, làm rõ việc thu hồi đất để tránh lạm dụng thu hồi tràn lan, khiếu nại, khiếu kiện. Ngoài ra, có đại biểu nêu ý kiến bỏ thu hồi dất các dự án nhà ở thương mại vì là hoạt động kinh tế đơn thuần do chủ đầu tư và các doanh nghiệp bất động sản thực hiện.

“Việc Nhà nước tham gia vào quá trình thu hồi đất để chuyển giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án có thể làm phát sinh tranh chấp khiếu kiện của người sử dụng đất, tác động đến quyền lợi của người sử dụng đất. Đối với dự án này, cần quy định theo hướng là chủ đầu tư phải thực hiện việc thỏa thuận với người sử dụng đất”, đại biểu nêu ý kiến.

Đáp lại các đề xuất trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết quan điểm của Bộ là chỉ thu hồi đất khi dự án chứng minh được đó là dự án công, những dự án an ninh, quốc phòng, dự án kinh tế xã hội, nhưng mang lại lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

“Vấn đề quan trọng nhất là bằng cách nào chứng minh được dự án đó mang lại lợi ích quốc gia, công cộng? Việc này chúng tôi xác định sẽ để những người dân trực tiếp bị thu hồi đất nêu ý kiến”, Bộ trưởng cho biết.