Sôi động nguồn cung 

Ghi nhận cho thấy, thời điểm mở cửa, nhiều nhà đầu tư lớn dồn sự chú ý tới Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đáp ứng nhu cầu kho bãi lớn. Các tỉnh ven trung tâm thành phố như Bình Dương, Long An, Bắc Giang, Hưng Yên… được đánh giá tiếp tục là điểm sáng thu hút sự quan tâm các nhà đầu tư. 

Hàng loạt ‘ông lớn’ bất động sản công nghiệp tham gia ký kết xây dựng mới, hoàn thành các dự án hiện hữu. Điển hình như khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP 3) vừa được khởi công vào nửa cuối tháng 3/2022, quy mô 175 ha. Dự án thu hút đến hơn hơn 30 tập đoàn, công ty trong và ngoài nước cũng quan tâm tìm hiểu khả năng phát triển sản xuất. 

Cùng với đó, khu công nghiệp Amata Long Thành (Đồng Nai) vừa hoàn thành hạ tầng và sẵn sàng cho thuê, khu công nghiệp Phú An Thạnh Đồng Nai đầu tư nhà máy Coca Cola trị giá hơn 136 triệu USD. Tại thị trường phía Bắc, nhiều đồ án quy hoạch khu công nghiệp được chấp thuận xây dựng hứa hẹn sẽ mang đến nguồn cung phong phú. Mới đây nhất, Hoà Phát sẽ đầu tư dự án 2.600 tỷ đồng ở Hưng Yên với quy mô 216 ha, Thái Bình duyệt hàng loạt đồ án quy hoạch khu công nghiệp theo hình thức khu công nghiệp - đô thị - dịch, quy mô hơn 785 ha. 

bds-cong-nghiep-min-1654224982.jpeg
Việt Nam đang là điểm đến thu hút các tập đoàn lớn thúc đẩy nguồn cung bất động sản công nghiệp dồi dào

Ngoài các khu công nghiệp, loại hình nhà xưởng sẵn cũng nhộn nhịp không kém. Tại phía Nam, nhiều dự án được xây dựng và sẽ hoàn thành trong năm 2022 như SLP, BWID, khu công nghiệp Việt Nam, JD.com… cung cấp thị trường thêm khoảng 800.000 m2 diện tích kho xưởng. Hai dự án mới khởi công tại khu công nghiệp Phú An Thạnh (Long An) và Frasers Property Vietnam tại khu công nghiệp Bình Dương ước tính sẽ bổ sung 85.000m2 nhà xưởng xây sẵn vào cuối năm 2022. Loại hình này hấp dẫn các nhà đầu tư trong đó phải kể đến tập đoàn Framas (Đức) chuyên sản xuất các bộ phận làm từ nhựa chất lượng cao cho Nike, Adidas,... vừa thuê khu nhà xưởng xây sẵn rộng 20.000m2 tại khu công nghiệp KTG Industrial Nhơn Trạch 2 (Đồng Nai).

Đánh giá về mức tăng trưởng tích cực của bất động sản công nghiệp, Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, nhu cầu lớn khiến tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp phía Nam luôn duy trì ở mức cao, dao động ở mức 90%, mức giá thuê ổn định nhờ nguồn cung dồi dào. 

Trong đó, các tỉnh như Long An, Đồng Nai… ngày càng được đầu tư hạ tầng kết nối tạo điều kiện mức giá cho thuê loại hình nhà xưởng tăng mạnh so với cùng kỳ từ 21 - 45%. Tại thị trường phía Bắc đạt trên 80%, nhà xưởng xây sẵn đạt 98%, nguồn cung không ngừng mở rộng. 

… vẫn chưa thỏa cầu

Mặc dù đang có những động lực phát triển mạnh mẽ song giá bất động sản đang đẩy lên rất cao, cơ sở hạ tầng, logistic cũng như chất lượng lao động chưa đồng bộ cũng là điểm nghẽn lớn cần tháo gỡ. 

Hành lang pháp lý chưa đồng bộ và thống nhất đang là yếu tố tác động nhiều nhất tới thị trường bất động sản, đặc biệt trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.

Ông Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, hiện nay các thủ tục hành chính đang được giảm tối đa để đưa các dự án đi vào hoạt động nhanh nhất, đồng bộ và hạn chế các thủ tục đầu tư trùng lặp… 

Bên cạnh đó việc đẩy mạnh xây dựng hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội song song với các dự án khu công nghiệp để giúp nguồn lao động tại đây luôn ổn định. Những chính sách xanh được ban hành sẽ giúp nhà đầu tư FDI có công nghệ tiên tiến cùng hợp tác để phát triển các khu công nghiệp sinh thái, xanh và bền vững.

Ông Lance Li, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp BW Industrial cho rằng, sự khan hiếm các quỹ đất tại trung tâm đã khiến giá đất tăng nhanh. Ngoài ra, Việt Nam đang thiếu cơ sở công nghiệp và logistics. 

“Để đáp ứng nhu cầu mở rộng kinh doanh của nhà đầu tư, xây dựng kho hậu cần vệ tinh tại các vị trí chiến lược, các cơ sở công nghiệp cũng như logistics cao tầng được xem là giải pháp cho tình trạng khan hiếm đất tại các vị trí trung tâm và giá đất tăng nhanh. Điều này cũng sẽ giúp các doanh nghiệp linh hoạt, tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn", ông Lance Li nhấn mạnh.

Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Công ty Cushman & Wakefield, cho rằng giá đất công nghiệp đã đẩy lên cao vượt qua kỳ vọng về chi phí thấp của nhà sản xuất. Để tháo gỡ điểm nghẽn này, thị trường cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ cho các tỉnh còn đang nhiều dư địa để phát triển nhưng có vị trí xa các khu kinh tế trọng điểm.

Thách thức lớn nhất của bất động sản công nghiệp là cơ sở hạ tầng chưa phát triển. "Để có thể chuyển dịch lên một nấc thang mới trong chu kỳ phát triển công nghiệp, logistics và trở nên thu hút, cạnh tranh…. Việt Nam cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng bao gồm hệ thống đường cao tốc, cảng biển nước sâu, nâng cao hệ thống điện nước, gồm cả hệ thống tái tạo năng lượng", bà Trang Bùi nhấn mạnh.