Nhìn lại 2021: Nghỉ dưỡng thấm mệt; Nhà ở, Công nghiệp tăng giá bất chấp

Bảo An
Nhìn lại 2021: Nghỉ dưỡng thấm mệt; Nhà ở, Công nghiệp tăng giá bất chấp

Ông David Jackson - Tổng giám đốc Colliers Vietnam

Thị trường bất động sản Việt Nam đã chịu những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 trong năm 2021, nhất là trong quý III khi mà nhiều địa phương tiến hành các biện pháp giãn cách xã hội. Số lượng các giao dịch đương nhiên là giảm đi nhiều trong khi nguồn cung phân khúc bất động sản nhà ở tiếp tục thiếu hụt. Không ít các doanh nghiệp làm dịch vụ môi giới đã phải giảm lương, cắt giảm nhân viên hoặc thậm chí là ngưng hoạt động.

Bất động sản nghỉ dưỡng là phân khúc bị ảnh hưởng nặng nề bậc nhất với việc vắng bóng khách quốc tế. Có những quãng thời gian mà các khách sạn ở những vị trí tốt tại các địa phương nổi tiếng về du lịch được rao bán khá nhiều, giá thấp hơn 15-25% so với giai đoạn trước đại dịch.

1-custom-1-1640588669.png

Bất động sản công nghiệp và logistic là phân khúc hiếm hoi vẫn tăng trưởng bất chấp dịch bệnh do những lợi thế tự thân. Với tác động tích cực từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết cùng với đà tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử, đây nhiều khả năng sẽ là phân khúc “sáng” nhất trong năm mới 2022.

Dù đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn nhưng hiện tượng sốt đất thi thoảng vẫn xảy ra ở một số địa phương. “Kịch bản” lợi dụng thông tin quy hoạch để gây “nhiễu” thông tin, lợi dụng tâm lý đám đông để nâng giá vẫn được một số người môi giới lợi dụng. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng liên quan và nhiều địa phương cũng đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh kịp thời và phù hợp.

Đáng chú ý là đông đảo nhà đầu tư F0 đã tham gia thị trường trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán…có nhiều biến động. Đông đảo nhà đầu tư tin rằng bất động sản là “hầm trú ẩn” an toàn trong bối cảnh đại dịch vẫn còn tiềm ẩn những diễn biến khó lường và BĐS có xu hướng tăng giá theo thời gian.

TS Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam 

Năm 2021, giá trị bất động sản tăng xấp xỉ từ 30-40% ở hầu hết các phân khúc về bất động sản nhà ở. Tại Việt Nam, dù đang trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn nhưng bất động sản nhà ở vẫn có chiều hướng gia tăng trong nhiều khu vực, đặc biệt là các tỉnh thành phố lớn.

Mặc dù thời gian qua, pháp lý của nhiều dự án bất động sản tại Việt Nam gặp khó khăn nhưng các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn "chia sẻ" và kiên nhẫn tham gia thị trường vào giai đoạn này. Nhiều nhà đầu tư coi đây là kênh tích lũy cho các khoản đầu tư của họ bởi bất động sản tăng giá đáng kể.

4-custom-1640588669.png

Bà Phạm Minh Nguyệt – CMO Propzy

Ảnh hưởng của đại dịch dẫn đến kinh tế tăng trưởng chậm nhưng giá giao dịch vẫn tăng tại tất cả các khu vực. Có thời điểm thị trường bất động sản nhà phố trầm lắng rất lâu do Covid-19 đợt 4, nhưng thanh khoản hồi phục chỉ 3-4 tháng sau đỉnh dịch, điều đó thể hiện nhu cầu mạnh mẽ của thị trường bất động sản nhà phố tại TP HCM.

Một số động lực thúc đẩy bao gồm: lãi suất tiết kiệm ở mức thấp nhất trong giai đoạn 20 năm qua; việc thành lập TP. Thủ Đức và phương án chuyển các huyện ngoại thành lên thành quận.

2-custom-1640588669.png

Ngoài ra, sự xuất hiện ngày càng nhiều và vai trò ngày càng quan trọng của công nghệ trong thị trường bất động sản nhà phố: từ việc xem nhà - định giá - so sánh - quy hoạch… có thể trở nên minh bạch, nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Ông Nguyễn Quốc Anh -  Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn

Thế mạnh của bất động sản Việt Nam là nhu cầu về nhà ở, về giao dịch mua bán trong dân vẫn rất lớn, không hề suy giảm vì dịch bệnh.

Trong thời điểm dịch bệnh, do việc hạn chế di chuyển và tiếp xúc nên các hoạt động mua bán nhà đất bị đình trệ tạm thời, dòng tiền có xu hướng chuyển dịch sang kênh chứng khoán. Tuy nhiên kết thúc giãn cách, một lượng lớn tiền không nhỏ rút từ các lĩnh vực khác đang có xu hướng đổ vào bất động sản để tìm cơ hội đầu tư.

3-custom-1640588669.png

Dù kinh tế khó khăn nhưng nhu cầu nhà ở vẫn luôn cao, nhất là trong tình hình dịch bệnh, người dân càng mong muốn sở hữu một ngôi nhà riêng an toàn. Điều này sẽ tiếp tục là tiền để để thị trường bất động sản thu hút dòng vốn lớn từ trong dân.

Ông Phạm Văn Nam - Đồng sáng lập Cổng thông tin Khu công nghiệp Việt Nam 

Thị trường bất động sản công nghiệp năm 2021 nhìn chung tương đối thuận lợi, dẫn chứng bởi ba yếu tố sau:

Về giá cả, do sự khan hiếm nguồn cung bất động sản chất lượng nên có sự tăng giá khá mạnh tại các dự án có vị trí thuận lợi.

Về tình hình thu hút đầu tư, Covid-19 tuy gây cản trở lớn cho nhà đầu tư vừa và nhỏ trong quá trình tiếp cận dự án và làm suy giảm việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong giai đoạn Q2 và Q3 năm 2021. Tuy nhiên, tại các tháng cuối năm 2021, tình hình thu hút đầu tư đang khởi sắc trở lại và hứa hẹn một năm 2022 nhiều triển vọng.

5-custom-1640588669.png

Vấn đề lao động, việc an sinh cho người lao động trong giai đoạn trước chưa thực sự tốt, chưa đảm bảo để phát triển bền vững lực lượng lao động cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Trong giai đoạn bình thường mới chắc chắn các chủ dự án sẽ lưu tâm đặc biệt đến vấn đề này và đây có thể coi sẽ trở thành một lợi thế cạnh tranh không nhỏ của các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong tương lai.