Cổ phiếu BĐS 2021, người trúng lớn người lỗ thảm

Lan Anh
Năm 2021 đánh dấu kỷ lục lập đỉnh liên tiếp của cổ phiếu nhóm ngành bất động sản. Đối mặt với những cơn sóng ngành “dập dìu” khiến người trúng lớn, nhưng cũng nhiều “chứng sĩ” lao đao.

9 tháng đầu - tăng trưởng duy trì

Trong 9 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán trở nên hưng phấn nhờ các dòng tiền mới đổ mạnh vào các nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép,…. Ở giai đoạn này, nhóm ngành bất động sản bị chững lại do ảnh hưởng từ dịch bệnh. Sức cầu và nguồn cung bị giảm khiến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản chưa có điểm nổi bật.

Tuy nhiên 2021 cũng chứng kiến lượng nhà đầu tư F0 tham gia vào thị trường đạt kỷ lục với gần 1,3 triệu tài khoản mới lập trong 11 tháng. Thêm vào đó mặt bằng giá nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn nằm trong biên độ hấp dẫn khiến dòng tiền có xu hướng tập trung mạnh vào các nhóm cổ phiếu bluechip.

Các ông lớn bất động sản (bluechip) có quỹ đất thuộc hàng top có những tín hiệu khởi sắc như CTCP Thaiholdings (THD) tăng từ 115.000 đồng/cp lên 228.000 đồng/cp (+99%), CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) tăng từ 41.952 đồng/cp lên 81.800 đồng/cp (+95%). Trong đó nổi bật nhất CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (NVL) với mức tăng ấn tượng từ 36.749 đồng/cp lên tới 77.899 đồng/cp (+112%)

co-phieu-bds-bluechip-1640574592.jpg
Tỷ lệ tăng giá nhóm cổ phiếu BĐS Bluechip giai đoạn 01/01 - 30/09

CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) tăng từ 26.626 đồng/cp lên 41.600 đồng/cp (+56%), CTCP Vinhomes (VHM) tăng từ 67.920 đồng/cp lên 78.300 đồng/cp (+15%), Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) tăng từ 21.566 đồng/cp lên 31.000 đồng/cp (+43%).

co-phieu-bds-penny-midcap-1640574592.jpg
Tỷ lệ tăng giá nhóm cổ phiếu BĐS midcap và penny giai đoạn 01/01 - 30/09

Tuy không được chào đón nhiệt tình như bluechip, nhiều mã bất động sản vốn hóa vừa (midcap) và nhỏ (penny) vẫn duy trì được độ tăng trưởng nhịp nhàng như CTCP Louis Land (BII) tăng từ 3.900 đồng/cp lên đến 17.800 đồng/cp (+356%), CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG) tăng từ 31.885 đồng/cp lên 48.359 đồng/cp (+52%), Tổng công ty IDICO (IDC) tăng từ 34.598 đồng/cp lên 50.679 đồng/cp (+46%),...

top-co-phieu-anh-huong-vnindex-1640574592.jpg

Đón sóng BĐS - người trúng lớn, kẻ lao đao

Ở phiên giao dịch cuối tháng 10, chỉ số VN-Index đã tạo chuỗi 4 phiên tăng và 3 phiên phá đỉnh liên tiếp. Thời điểm cao nhất đạt được 1.444,27 điểm, xác lập mức kỷ lục mới sau hơn 21 năm thành lập. Trong đó, dòng tiền chủ yếu chảy về nhóm bất động sản. Theo thống kê trong 122 mã bất động sản đang giao dịch trên thị trường thì có đến 91 mã tăng giá, trong khi chỉ có vỏn vẹn 27 mã giảm.

Bên cạnh đó, từ đầu quý III tới nay, dòng tiền của nhà đầu tư có xu hướng chảy vào nhóm cổ phiếu bất động sản có vốn hóa vừa và nhỏ. Giá trị giao dịch của nhóm vốn hóa lớn đã giảm 25%, trong khi nhóm cổ phiếu midcap tăng gấp đôi và đặc biệt là nhóm vốn hóa nhỏ đã tăng mạnh 121%. Trong đó nhiều mã cổ phiếu bất động sản vốn hóa nhỏ ngập tràn sắc xanh, tím với mức tăng đến 300% chỉ trong vài tháng.

Tuy nhiên đội “bắt kèo” bất động sản chưa kịp vui mừng, các cổ phiếu của nhóm ngành này nhanh chóng đo sàn trong những ngày đầu tiên của tháng 11. Trước nhịp tăng nóng cổ phiếu bất động sản trong hai tuần trước, nhà đầu tư đứng dưới áp lực chốt lời và rút tiền khiến hàng loạt mã khiến thị trường bị rung lắc mạnh.
Sắc đỏ được ghi nhận ở một loạt mã như KDH (-3%), DXG (-3,8%), PC1 (-1,6%), TDC (-1%), SCR (-0,96%), PDR (-0,94%), LCG (-3,11%), DPG (-3,11%), HBC (-3,33%). Trong đó, 2 cổ phiếu trước đó tăng trần là DIG và BCE cũng đảo chiều giảm sàn. Ngay cả cổ phiếu bluechip cũng bị ảnh hưởng nhịp điều chỉnh khá mạnh như VHM (-1,4%), VIC (-1,6%).

Một số nhà đầu tư F0 chưa vững chiến lược, thấy thị trường dù đã lên cao 2 – 3 phiên nhưng do tâm lý FOMO nên vẫn mua đuổi giá. Kết quả mức sinh lời kỳ vọng bị vụt tầm tay bởi thị trường bị nhuốm đỏ đột ngột. Những nhà lướt sóng buộc phải chọn một trong hai con đường là trở thành cổ đông hoặc điều chỉnh ngưỡng cắt lỗ phù hợp.

Thêm một điểm thú vị ở giai đoạn này chính là dòng tiền rút về không chạy đi đâu xa, mà quay về lại với nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán quen thuộc. Dòng tiền luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, thép,... thay nhau tăng một hai phiên rồi đảo chiều.

Một lý do để khiến cho Bất động sản phân hóa là Ngân hàng đang đồng loạt tăng giá sau khi có đề xuất của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về việc điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại. Dù chỉ là thông tin đề xuất nhưng các mã cổ phiếu ngân hàng như OCB (+4,8%), LPB (+4%), TCB (+3,9%), VIB (+3,6%), STB (+3,4%), ACB (+2,1%), HDB (+2,1%), MSB (+1,9%) vẫn tạo ra sức hút dòng vốn từ các nhà đầu tư. Các mã vốn hóa lớn nhất ngành CTG (+1,5%), BID (+1,7%), VCB (+0,8%) cũng đều có sự hưởng ứng cần thiết.

Penny tăng mạnh, Bluechip rơi vào dòng nước “rút” 

Vào tháng cuối cùng của năm 2021, sau những nhịp điều chỉnh sâu các nhóm ngành đều có xu hướng bật tăng trở lại. Tương tự như xu thế trước đó, dòng tiền tiếp tục phân hóa mạnh ở những doanh nghiệp có vốn hóa vừa và nhỏ. Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng dồn dập tăng mạnh nhiều phiên liên tiếp.

Điển hình là cổ phiếu CEO giao dịch quanh ngưỡng 11.000 - 12.000 đồng/cp tính tới cuối tháng 11. Nhưng chưa đầy 1 tháng, bất chấp tình hình kinh doanh thua lỗ, mã này vẫn tăng lên hơn 67.000 đồng/cp.

Tương tự, DIG khởi đầu từ vùng giá khoảng 30.000 đồng/cp, đến nay đã tăng trưởng gấp ba lần, dừng ở mức giá 90.000 đồng/cp. Biên độ tăng với một loạt các mã midcap và penny nổi bật như CII, CEO, SCR, ITA, CLG, NTB, PPI, STL, V11… thậm chí còn lớn hơn.

Một sự kiện đặc biệt tạo “sóng” cho cổ phiếu bất động sản tại thời điểm này là phiên đấu giá kỷ lục tại 4 khu đất Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức). Từ diễn biến giá thực tế cho thấy nhiều nhà đầu tư rất quan tâm đến các doanh nghiệp hưởng lợi từ các lô đất tại đây. Điển hình là CTCP đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) - một trong những “đại gia” đang sở hữu quỹ đất lớn tại khu đô thị Thủ Thiêm. Ở thời điểm ngày 1/10, cổ phiếu CII ở mức 18.500 đồng/cp. Trước phiên đấu giá đạt mức 26.750 đồng/cp. Và sau khi phiên đấu giá diễn ra vào ngày 10/12, giá cổ phiếu CII được ghi nhận tăng mạnh lên đến 39.000 đồng/cp chỉ trong vài ngày.    

Ở diễn biến khác, sau phiên bán tháo đẩy thanh khoản lên sát ngưỡng kỷ lục, áp lực bán vơi đi giúp những cổ phiếu bất động sản bluechip có cơ hội quay lại tăng trưởng, tuy nhiên vẫn có mã chỉ đi ngang hoặc thậm chí giảm sàn.

CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (NVL) trong tháng 12 cũng đạt mức tăng trưởng 14%, từ 77.899 đồng/cp lên đến 88.900 đồng/cp.

Cũng trong thời gian này, nhóm cổ phiếu “họ Vin” cũng liên tục gây áp lực trái chiều lên thị trường. Cụ thể, giá cổ phiếu Tập đoàn VINGROUP (VIC) giảm mạnh 8,1%, từ 105.000 đồng/cp chỉ còn 96.500 đồng/cp. Tương tự, CTCP Vinhomes (VHM) cũng trượt giá nhẹ từ 84.600 đồng/cp xuống còn 82.900 đồng/cp. Riêng CTCP Vincom Retail (VRE) có mức tăng 4,87%, từ 29.800 đồng/cp lên 31.250 đồng/cp. 

Nửa đầu tháng 12, Cổ phiếu của CTCP phát triển Sunshine Homes (SSH) chỉ dao động trong vùng 95.000 – 100.000 đồng/ cp. Về sau mức giá chỉ dao động đi ngang trong khoảng 100.000 đồng/cp.

Đặc biệt là thông tin sẽ chính thức hủy giao dịch trên sàn UPCoM kể từ ngày 04/01/2022 khiến cổ phiếu CTCP Khu Công nghiệp Hố Nai (HIZ) sụt giảm mạnh từ 113.000 đồng/cp xuống chỉ còn 51.900 đồng/cp (-54%).

Đến thời điểm hiện tại, giới chuyên gia vẫn chưa thể đưa ra bất cứ dự đoán nào cho cổ phiếu nói chung và cổ phiếu bất động sản nói riêng năm 2022. Hy vọng sau báo cáo tài chính quý IV và cuối năm, thị trường sẽ sáng rõ hơn.

Hoàng Lân