Chiều 12/12, tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh và Tập đoàn Vingroup tổ chức khởi công xây dựng Nhà máy Sản xuất Pin VinES, quy mô giai đoạn 1 trên diện tích 8 ha với tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và nhấn nút khởi công dự án.

vingroup-nha-may-pin-min-1639536819.jpeg
Vingroup đầu tư xây nhà máy sản xuất pin 4.000 tỷ đồng

Trước đó vài tháng, thông tin này đã lan truyền trong giới “đầu tư” địa phương, khiến giá đất nơi đây dậy sóng. Văn phòng đăng ký đất đai Kỳ Anh cho biết, đến nay đã xử lý khoảng 9.000 giao dịch liên quan đất ở Vũng Áng, trong đó hồ sơ chuyển nhượng làm bìa đỏ mới khoảng 5.000, còn lại là đăng ký biến động, cho tặng. "Con số này gấp 5-6 lần so với năm 2020. Các giao dịch bắt đầu sôi động và diễn ra dồn dập từ tháng 4 đến nay", cán bộ văn phòng đăng ký đất đai Kỳ Anh nói.

Ngoài Kỳ Long, người dân nhiều địa bàn xung quanh Khu kinh tế Vũng Áng như phường Kỳ Thịnh, Kỳ Liên, xã Kỳ Lợi… cũng luôn bận rộn tiếp đón nhiều khách lạ từ tỉnh khác đến hỏi mua đất. Biển rao bán đất kèm số điện thoại được gắn vào cột điện hoặc sơn chi chít lên bờ tường, hàng trăm điểm giao dịch bất động sản mọc lên nhan nhản.

Trước đó, khảo sát của Toàn cảnh Bất động sản trên các nền tảng rao bán nhà đất như Chợ Tốt, Batdongsan.com, Propzy… cho thấy, giá đất mặt tiền đường Rừng Sác, cách bến phà Bình Khánh (Cần Giờ, TP HCM) khoảng 1-2 km đang có giá dao động 60-75 triệu đồng một m2. Đất ở các tuyến đường chính như Tắc Xuất, Cần Thạnh cũng đang được rao bán khoảng 45-50 triệu đồng một m2. Các đường nhánh ở khu vực cũng rục rịch “lên chảo lửa” với mức giá quanh 25-35 triệu đồng một m2. So với nền giá cách đây chỉ một năm, các con số này đã tăng từ dăm ba triệu đồng đến “nóng đỏ lửa” ở mốc 75-90%.

Nguyên nhân của “cơn sốt” đất Cần Giờ được các chuyên gia, nhân viên môi giới, nhà đầu tư, dân địa phương… giải thích ngắn gọn trong cụm từ “hiệu ứng Vinhomes Long Beach”. Theo báo cáo của các công ty chứng khoán, đây được xem là dự án “xương sống” của doanh nghiệp bất động sản vốn hoá lớn nhất thị trường với tổng vốn đầu tư lên đến 10 tỷ USD.

Đây không phải những lần hiếm hoi sự có mặt của Vinhomes làm dậy sóng thị trường bất động sản khu vực xung quanh. Các cụm từ “liền kề Vinhomes Grand Park”, “liền kề Vinhomes Ocean Park”, “liền kề Vinhomes Dream City”… xuất hiện phổ biến trong những tin rao bán nhà đất khu vực xung quanh những đại dự án của doanh nghiệp này và trở thành lý do hợp lý và hiển nhiên để giá bán bất động sản tăng lên mức hai chữ số.

Vì sao lại như thế?

Trước hết, Vinhomes là doanh nghiệp nổi tiếng sở hữu quỹ đất “hoa hậu”. Rổ hàng của doanh nghiệp này thường có vị trí đẹp, trung tâm của các khu vực đang hoặc sẽ phát triển về kinh tế - xã hội. Chủ đầu tư họ nhà Vin cũng đón đầu được các dự án hạ tầng sẽ có mặt tiệm cận hoặc quanh dự án. Đây là động lực tăng giá chính của bất động sản nói chung.

Lấy ví dụ về Vinhomes Grand Park (TP Thủ Đức, TP HCM). Cách trung tâm đến gần 60 phút chạy xe nhưng hàng chục block căn hộ được ra mắt đều có tỷ lệ hấp thụ cao. Với kế hoạch xây dựng TP Thủ Đức trở thành trung tâm thứ hai của TP HCM, dự án này đang có vị trí tiệm cận phân khu Công nghệ cao và phân khu nông nghiệp sinh thái Tam Đa. Đường Vành đai 3 cũng nằm trong quy hoạch tương lai để hoàn chỉnh hệ thống giao thông liên vùng Đông Nam Bộ. Chỉ hai yếu tố trên cũng khiến dự án trở thành một trong những “hoa hậu” của khu Đông. Nhờ đó, các dự án bất động sản và nhà đất riêng rẻ tự tin gán cụm “liền kề Vinhomes” để thuyết phục khách hàng với giá bán cao gấp đôi so với 5 năm về trước. 

Lý do thứ hai, các dự án nhà Vinhomes luôn được quy hoạch đồng bộ tiện ích, kéo cư dân về sinh sống tại khu vực. Trong phiên họp thường niên năm 2021, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng từng bàn về lý do Vinhomes luôn hút khách. Theo ông, thực tế chứng minh tại nhiều dự án của doanh nghiệp này, giá bán ra nhỉnh hơn các dự án trong khu vực nhưng khách hàng mua vẫn đông hơn. “Tại sao, khách hàng lại chọn thương hiệu Vinhomes? Tôi cho rằng, vấn đề không phải nguồn cung mà trọng tâm là sản phẩm và chính sách", ông Vượng lý giải.
Tỷ phú này nói thêm, khi phát triển bất động sản, Vinhomes không lo ngại vấn đề nguồn cung mà tập trung phát triển sản phẩm hệ sinh thái ăn, ở, tiêu dùng của cư dân để các khu đô thị của Vinhomes có “hệ sinh thái tốt nhất”. Đó là lý do hút khách.

Mỗi dự án nhà ở thương mại của doanh nghiệp này phải có ít nhất một công viên rộng, khối đế thương mại dễ lấp đầy với nhiều cửa hàng, sân chơi thể thao nhiều loại hình, nhiều hồ bơi và các khu vực sinh hoạt, vui chơi khác… Một số dự án lớn còn có “đặc sản” là trung tâm thương mại Vincom, trường học liên cấp Vinschool và bệnh viện Vinmec.

banner-vinhomes-long-beach-can-gio-2-1639537298.jpg
Giá bán ra của Vinhomes luôn nhỉnh hơn các dự án trong khu vực nhưng khách lúc nào cũng đông hơn

Với tiện ích đầy đủ, dù vị trí xa hay gần trung tâm, các dự án của Vinhomes vẫn đủ sức kéo người mua và khách thuê nhà về sinh sống ổn định. Có “nam châm” là dự án đầy đủ tiện ích, nhiều người dân có nhu cầu thực tế và nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng dễ dàng đổ tiền vào bất động sản xung quanh.

Nhưng trên thị trường, không phải mỗi Vinhomes làm được điều này. Vậy tại sao “cơn sốt” đối với hiện tượng “liền kề Vinhomes” vẫn liên tục được gia nhiệt?

Nguyên nhân có thể kể đến là hiệu ứng FOMO (Fear Of Missing Out - sợ bị bỏ lỡ). Thuật ngữ này ám chỉ tâm lý của những người sợ bỏ lỡ cơ hội khi đứng ngoài trào lưu của đám đông. Thực tế, với hơn 40 dự án đang sở hữu và quản lý từ Bắc chí Nam, Vinhomes gần như không có một trường hợp bất bại. Những nhà đầu tư “ăn theo” cũng gặt hái nhiều lợi nhuận đáng kể. Ngay cả dự án đến nay vẫn gây tranh cãi như Grand Park, thị trường vẫn phản hồi những tín hiệu tích cực. Với những thành công trước mắt từ người thật việc thật, các nhà đầu tư dễ sa vào hiệu ứng FOMO “liền kề Vinhomes” là điều có thể dễ hiểu.

Chưa kể, các cấp quản lý và chuyên gia quy hoạch thời gian gần đây liên tục hướng về mô hình chuỗi đô thị. Việc hình thành các dự án liền kề một đại dự án ngày càng phổ biến và nhận được nhiều sự ủng hộ. Từ đó, hiệu ứng FOMO và niềm tin về mức lợi nhuận đúng kỳ vọng hay một nơi an cư lý tưởng càng dâng cao.

Tuy nhiên, không phải mọi “cơn sốt” đất đều diễn ra hợp lý khi thị trường không chỉ xuất hiện kẻ bán và người mua. Lãnh đạo một doanh nghiệp môi giới bất động sản lớn từng chia sẻ trước truyền thông rằng, tình trạng sốt đất xảy ra ít nhiều do các nhà đầu cơ tham gia vào thị trường.

Nhóm này nghiên cứu kỹ quy hoạch của các địa phương. Nơi nào có quy hoạch mới hoặc có những dự án lớn sắp điểm danh, họ sẽ gom hàng từ trước và tung chiêu “đánh sóng” để thu về khoảng giá chênh lệch. Chưa kể, mỗi đợt còn có sự phối hợp của đội ngũ “cò đất” chuyên nghiệp, khiến làn sóng lan ra thị trường mạnh mẽ.

Một khi có người nâng giá nhà đất cao hơn mặt bằng chung khu vực, những người bán thực thụ - dù không cố ý - vẫn dễ nương theo nền giá mới để giao dịch trên thị trường. Đây đang  được xem là “căn bệnh” chung của ngành bất động sản. Và các khu vực “liền kề Vinhomes” cũng không ngoại lệ.