Căn hộ dịch vụ - điểm sáng bất động sản Đông Nam Á

Hoạt động du lịch tạm dừng kéo theo tỷ lệ lấp đầy khách sạn đã giảm mạnh trên toàn cầu, tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, lĩnh vực căn hộ dịch vụ vẫn có khả năng phục hồi phần lớn.

Các căn hộ dịch vụ có thương hiệu hoạt động tại châu Á đã điều chỉnh mô hình dịch vụ để đáp ứng nhu cầu thay đổi của người dùng. Bằng chứng cho thấy công suất thuê cao tới 80% ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng cao điểm.

Giải thích cho sự tăng trưởng và lợi nhuận chủ sở hữu và nhà đầu tư giữa giai đoạn ảm đạm của đại dịch, ông Michael Roberts, Giám đốc Phụ trách Khách sạn, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Savills cho biết: “Nhờ vị trí tốt kèm theo cung cấp dịch vụ lưu trú dài ngày khép kín, lĩnh vực căn hộ dịch vụ trở thành lựa chọn của nhiều chính phủ để hợp tác các hợp đồng lưu trú cáh ly cho du khách lẫn người công tác khi đại dịch bùng phát trở lại”.

Cũng theo ông Roberts, các quy trình cách ly nghiêm ngặt được yêu cầu bởi các căn hộ dịch vụ có thương hiệu quản lý cao mang lại cho khách hàng sự yên tâm hơn so với chỗ ở kiểu Airbnb, cho phép lĩnh vực này hoạt động tốt hơn cả các khách sạn chính thống và các nền tảng lưu trú khác. 

Căn hộ dịch vụ được cho là sản phẩm “bất động sản linh hoạt”, dễ dàng chuyển đổi sang các mục đích sử dụng khác nhau: căn hộ cho sinh viên, căn hộ cho gia đình, hoặc hình thức cách ly tại khách sạn. 

“Ngoài ra, căn hộ dịch vụ cũng đang trở thành lựa chọn sáng giá khi hình thức thuê nhà chung (co-living) đang dần trở nên phổ biến”, lãnh đạo Savills châu Á cho biết.

lyf-funan-singapore-apartment-one-of-a-kind-890x500px-1626780234.jpg
Căn hộ dịch vụ Lyf vận hành bởi thương hiệu Ascott.

“Chúng ta thấy Lyf của Ascott ra đời, tức ngày càng nhiều thương hiệu và chủ sở hữu sẽ chuyển đổi căn hộ dịch vụ theo khẩu vị mới của người thuê”.

Đồng quan điểm trên, ông Dean Schreiber – CEO Oakwood cho rằng, Đông Nam Á vẫn được đánh giá là thị trường tăng trưởng mạnh mẽ hàng đầu về thị trường căn hộ dịch vụ, đặc biệt là các quốc gia như Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

“Trong những năm gần đây, khách du lịch đã nhận ra sự linh hoạt của các căn hộ dịch vụ trong việc đáp ứng sở thích sống của họ. Không giống như các khách sạn truyền thống, căn hộ dịch vụ được thiết kế cho việc sinh sống dài hạn. Không gian sống lớn hơn, nhà bếp tiện nghi, không gian làm việc thoải mái và rộng rãi đáp ứng xu hướng làm việc từ xa tăng cao.

Nhìn ở góc độ đầu tư, ông Robert đánh giá việc các thương hiệu hay đơn vị vận hành ký hợp tác dài hạn đối với một dự án cũng giúp nhà đầu tư yên tâm hơn khi nhận về lợi nhuận trong thời gian lâu dài, thay vì phải tự mình tìm kiếm và xử lý công tác cho thuê như sản phẩm căn hộ đơn thuần.

Dù vậy, lãnh đạo Savills cũng nhấn mạnh rằng, trong Covid-19, nhiều nhà khai thác đã thay đổi cách tiếp cận. Họ chỉ thỏa thuận quản lý chứ không cho thuê. Nhà đầu tư cần cân nhắc hình thức này sẽ đẩy các rủi ro tài chính về phía chủ sở hữu tài sản. Tuy nhiên, với kết quả hoạt động của ngành du lịch trong các quý tới khi tỷ lệ tiêm chủng tăng cao, kết hợp với bối cảnh lãi suất thấp, các ngân hàng có vốn hóa tốt, ông Michael Roberts kỳ vọng sẽ thấy sự quan tâm đầu tư mới trong lĩnh vực, đặc biệt là tình hình chuyển nhượng cũng sẽ phục hồi nhanh chóng.

Thực tế ở Việt Nam thì sao?

Căn hộ dịch vụ tại Việt Nam vẫn được xem là hình thức mới, xuất hiện tại Việt Nam khoảng 10 năm trở lại đây, nhằm phục vụ cho nhu cầu các chuyên gia công tác ngắn hạn hoặc dài hạn ở Việt Nam. Gần đây, mô hình này đang dần lan tỏa sang các phân khúc thấp hơn, phục vụ cho giới văn phòng thuê nhà ở tại các thành phố lớn. Thậm chí một số hình thức nhà trọ dịch vụ, chỉ những căn hộ mini dành cho sinh viên hay người đi làm nhưng trang bị tiện nghi hiện đại, nội thất bắt mắt cũng chớm nở tại TP HCM. Chính nhờ dịch vụ đi kèm và tiện nghi được đề cao, các căn hộ dịch vụ vẫn sống tốt, thậm chí còn cạnh tranh với các hình thức cho thuê truyền thống.

Thậm chí, dù vấp phải hai đợt dịch bệnh bùng phát trong nửa đầu năm 2021, nhiều đơn vị kinh doanh căn hộ dịch vụ vẫn “ăn nên làm ra”. 

Đơn cử, đại diện S.E.M Apartment (phường Thảo Điền, TP Thủ Đức) cho biết đạt tỷ lệ lấp đầy 100% trong suốt hai quý đầu 2021, chủ yếu đến từ hợp đồng dài hạn với các chuyên gia giảng dạy tại trường quốc tế cùng khu vực. 

Hay tòa nhà với 8 căn hộ dịch vụ dạng studio của chị Thanh Tuyền (quận Bình Thạnh, TP HCM) lấp kín chỉ chỉ sau 3 tháng. Bình quân một căn hộ sẽ ký hợp đồng 6 tháng, mức phí thu về từ 8-12 triệu/tháng tùy diện tích. Mức giá này đánh giá ngang bằng hoặc thậm chí cao hơn căn hộ cho thuê tại các dự án của Vinhomes ở cùng quận. 

200724063-771294243541601-5689864553576859710-n-1-1626779291.jpg
Căn hộ dịch vụ tại quận Bình Thạnh, TP HCM trang bị đầy đủ tiện nghi, nội thất.

“Ngoài không gian bên trong căn hộ được trang bị đầy đủ nội thất, bếp, máy lạnh, máy giặt, khách thuê còn có thể sử dụng không gian chung tại sảnh hoặc sân thượng để tiếp khách, hội họp. Chúng tôi cũng cung cấp dịch vụ vệ sinh phòng ốc và khu vực chung định kỳ”, chị Tuyền cho biết.

Theo báo cáo quý II/2021 của Savills, phân khúc căn hộ dịch vụ tại Việt Nam vẫn cho thấy bức tranh khả quan, tương đồng với tình hình thực tế lẫn nhận định của ông Michael Roberts.

Cụ thể, ở TP HCM Covid-19 ảnh hưởng đến phân khúc căn hộ dịch vụ nhưng được đánh giá “không quá nghiêm trọng như suy nghĩ ban đầu”. Nhìn chung, thị trường căn hộ dịch vụ cho thấy khả năng hồi phục đáng kể, chủ yếu nhờ các hợp đồng dài hạn. Công suất cho thuê trung bình đạt 64%, tăng 1 % theo quý, chủ yếu do các dự án hoạt động kém hiệu quả đã đóng cửa. Công suất tăng 3 điểm % so với cùng kỳ năm trước do các hợp đồng lưu trú dài hạn trở lại và các chuyên gia nước ngoài quay lại Việt Nam. 

Thị trường Hà Nội cũng ghi nhận nguồn cung trỗi dậy ở khu vực phía Tây. Tổng nguồn cung căn hộ dịch vụ trong nửa đầu năm 2021 tăng mạnh 20% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 5.500 căn. Công suất thuê toàn thị trường vẫn ở mức 69%. Trong đó, khu vực ngoại thành như Gia Lâm khả quan hơn cả, khi tăng 32% theo quý nhờ khả năng đáp ứng tốt của tòa nhà S2.17 của đại đô thị Vinhomes Ocean Park cho các sinh viên trường quốc tế và chuyên gia Hàn Quốc làm việc tại các khu vực lân cận.
Tuy vậy, các hợp đồng thuê ngắn hạn từ khách thuê trong nước, chủ yếu là khách đi công tác, tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian bùng phát dịch bệnh. Đà tăng trưởng các hợp đồng thuê dài hạn này sẽ có thể chững lại do thị trường sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức bởi việc đóng cửa biên giới, các chuyến bay bị gián đoạn và hạn chế nhập cảnh.