Công trình xanh là gì? Top 7 công trình xanh nổi bật tại Việt Nam

Lan Anh
Phát triển công trình xanh ở Việt Nam dần trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Đặc trưng của những dự án công trình xanh chính là sử dụng tài nguyên hiệu quả, giảm chi phí vận hành, giảm thiểu tác động tới môi trường trong khi vẫn tạo điều kiện sống tốt nhất cho con người.

Công trình xanh là gì?

toan-canh-bat-dong-san-cong-trinh-xanh-la-gi-1678675520.jpg
Công trình xanh, xu hướng tiết kiệm năng lượng

Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC) định nghĩa công trình xanh là công trình đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng và vật liệu, giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường; đồng thời được thiết kế để có thể hạn chế tối đa những tác động không tốt của môi trường xây dựng tới sức khỏe con người và môi trường tự nhiên thông qua:

- Sử dụng năng lượng, nước và các nguồn tài nguyên khác một cách hiệu quả;

- Bảo vệ sức khỏe người sử dụng và nâng cao năng suất lao động;

- Giảm thiểu chất thải, ô nhiễm và hủy hoại môi trường

Tiêu chuẩn công trình xanh

Hội đồng công trình xanh Việt Nam đưa ra một số tiêu chuẩn để tạo nên một công trình xanh gồm:

- Sử dụng hiệu quả năng lượng, nước và các tài nguyên khác

- Sử dụng năng lượng thay thế (VD: năng lượng mặt trời)

- Có giải pháp hạn chế ô nhiễm, phế thải và tái chế, tái sử dụng

- Đảm bảo chất lượng không khí của môi trường bên trong công trình

- Sử dụng vật liệu không độc hại, có trách nhiệm và bền vững

- Tính đến yếu tố môi trường trong thiết kế, thi công và vận hành

- Tính đến chất lượng cuộc sống trong thiết kế, thi công và vận hành

- Thiết kế đảm bảo phù hợp với biến đổi của môi trường

Lợi ích của việc xây dựng công trình xanh

1. Tiếp cận năng lượng theo cách thông minh

Công trình xanh khuyến khích lập kế hoạch và nhắm mục tiêu sử dụng năng lượng ngay từ đầu của dự án, tận dụng địa điểm xây dựng và điều kiện khí hậu để giảm nhu cầu sưởi ấm và làm mát cũng như chiếu sáng. Tích hợp thiết kế cảnh quan vào các công trình chắn nắng, gió, khuyến khích sử dụng giao thông công cộng, tích hợp giải pháp sử dụng năng lượng tái tạo,...

2. Bảo vệ nguồn nước

Các công trình xanh nhằm mục đích giảm lượng nước tiêu thụ đồng thời đảm bảo chất lượng nước thông qua các thiết bị sử dụng nước hiệu quả. Một số giải pháp tiên tiến như thu gom, tái chế nước mưa… cũng được ứng dụng rộng rãi.

3. Giảm chất thải và ô nhiễm

Giảm thiểu phát thải đòi hỏi phải xem xét cẩn thận trong suốt quá trình thiết kế, xây dựng và vận hành công trình. Công trình xanh giúp hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường thông qua chiến lược 3R Reduce - Reuse - Recyle (Tạm dịch: Giảm thiểu – Tái sử dụng – Tái chế).

Ví dụ, bằng cách giảm diện tích không thấm nước, công trình xanh có thể giúp giảm lượng nước mưa chảy tràn và giúp giảm nhiệt độ bề mặt cảnh quan. Chúng ta cũng có nhiều cơ hội để tái sử dụng các cấu trúc hiện có hoặc thu hồi và tái sử dụng vật liệu trong các khu vực công trình.

4. Đảm bảo sức khỏe và sự thoải mái của cư dân tòa nhà

Cung cấp đủ không khí trong lành cho các không gian trong nhà thông qua hệ thống thông gió hiệu quả giúp đảm bảo chất lượng không khí tốt và ngăn ngừa sự tích tụ các hóa chất độc hại trong hoạt động của vật liệu và thiết bị. Công trình xanh khuyến khích sử dụng rộng rãi các giải pháp chiếu sáng tự nhiên nhằm đáp ứng yêu cầu chiếu sáng không gian, tạo tầm nhìn tốt và giảm đáng kể chi phí chiếu sáng nhân tạo.

Công trình xanh là một hình thức thiết kế "hấp dẫn về mặt thị giác và thính giác". Trên thực tế, trong thiết kế trường học, bệnh viện, nhà ở và văn phòng, yêu cầu về môi trường âm thanh và cách âm đóng vai trò quan trọng trong việc tạo không gian tốt để tập trung và làm việc hiệu quả cũng như nghỉ ngơi tại nhà. Công trình xanh khuyến khích sử dụng phương pháp làm mát thụ động thông qua che nắng và thông gió thích hợp, thậm chí đơn giản như thiết kế và lắp đặt hiệu quả các thiết bị như quạt trần.

5. Giúp gìn giữ cảnh quan xanh

Trong thiết kế kiến ​​trúc của các công trình xanh, cần đặc biệt chú ý đến việc lựa chọn địa điểm xây dựng, bảo vệ thảm thực vật hiện có và gia tăng không gian xanh. Thảm thực vật giúp giảm nhu cầu sưởi ấm và làm mát, thanh lọc không khí, giảm thiểu hiệu ứng đảo nhiệt và mang lại nhiều lợi ích khác.

6. Kết nối cộng đồng

Ngay từ khâu thiết kế, công trình xanh chú trọng đến khoảng cách giữa nơi ở và nơi làm việc của người sử dụng công trình và các dịch vụ tiện ích khác nhằm giảm thiểu tác động môi trường của phương tiện giao thông cá nhân và phương tiện lưu thông trên đường. Công trình xanh khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường như xe đạp và các giải pháp giao thông xanh khác.

7. Tối ưu hóa chi phí trong suốt vòng đời dự án

Công trình xanh xem xét chi phí trong toàn bộ vòng đời của công trình, trong khi công trình truyền thống chỉ tập trung vào chi phí thiết kế và xây dựng ban đầu.

Các công trình xanh tại Việt Nam

1. Trường liên cấp Genesis

toan-canh-bat-dong-san-cong-trinh-xanh-truong-lien-cap-genesis-1678675520.jpg
Trường liên cấp Genesis

Trường liên cấp Genesis tọa lạc trên đường Nguyễn Văn Huyên, Tây Hồ, Hà Nội là trường đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận Bông Sen Vàng. Trường cao 3 tầng, có 20 phòng học, tổng diện tích là 6.128m2.

Tòa nhà sử dụng gạch không nung, kính năng lượng thấp để giảm nhiệt, cấu trúc sàn nevo không dầm và hệ thống phát điện năng lượng mặt trời 20kW, thảm thực vật bao phủ 39,2% diện tích đất, trong đó có 835m2 mái xanh.

Kết quả là trường đã tiết kiệm được 60,9% năng lượng và 47,9% lượng nước sử dụng. Theo VGBC, trường nhận được số điểm xanh là 72/118.

2. Trường Quốc tế Concordia

toan-canh-bat-dong-san-cong-trinh-xanh-truong-quoc-te-concordia-1678675520.jpg
Trường Quốc tế Concordia

Trường Quốc tế Concordia tọa lạc trên khu đất rộng 17.000m2 tại Đông Anh (Hà Nội) đã nhận chứng nhận Bông Sen Vàng vào tháng 8/2019. Diện tích đầu tư xây dựng 8.090 mét vuông, chủ đầu tư đã áp dụng các biện pháp xanh hóa như lắp đặt máy nước nóng năng lượng mặt trời, đo chỉ số chất lượng không khí (AQI) trong khu vực cứ nửa giờ một lần và cung cấp dịch vụ lọc thứ cấp và xử lý nước làm mát tại chỗ.

Tường và sàn tòa nhà được bao phủ hoàn toàn bằng các chất có hàm lượng VOC thấp (hàm lượng hợp chất hữu cơ dễ bay hơi). Toàn bộ tường được làm bằng vật liệu không nung như bê tông hoặc thạch cao và 64,2% diện tích xây dựng được bao phủ bởi ánh sáng ban ngày. Kết quả tích cực mà trường Quốc tế Concordia thu được là tiết kiệm 32,5% năng lượng và 52,6% lượng nước sử dụng. Điểm số xanh mà công trình này đạt được là 77/118.

3. Đại học FPT

Trường Đại học FPT TP. HCM tọa lạc tại đường D1, Khu Công Nghệ Cao, Q.9 – là một trong những vị trí đắc địa tập trung các doanh nghiệp lớn và các trung tâm nghiên cứu khoa học, kỹ thuật hiện đại. Trường có tổng diện tích sàn lên đến gần 30.000m2. Theo thiết kế của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa cho biết trường đại học FPT TP. HCM được xem là một trong top công trình có kiến trúc xanh tại Sài Thành. Tòa nhà hiệu bộ đại học FPT giành giải Nhất kiến trúc xanh Việt Nam và được vinh danh tại Festival Kiến trúc thế giới.

toan-canh-bat-dong-san-cong-trinh-xanh-truong-dai-hoc-fpt-1678675521.jpeg
Trường đại học FPT TP.HCM

Tòa nhà hiệu bộ của đại học FPT có 7 tầng với tổng diện tích sử dụng 11.065m2 đang trong quá trình thi công. Mặt tiền được thiết kế ô vuông đặc rỗng so le nhau tạo nhịp điệu đơn giản nhưng ấn tượng. Việc trồng cây tại các ô block sẽ bảo vệ tòa nhà không bị mặt trời chiếu trực tiếp mà vẫn đảm bảo đủ ánh sáng tự nhiên, không cần dùng đèn điện vào ban ngày. Việc tận dụng gió tự nhiên thông thoáng cho cả tòa nhà cũng được tính toán kỹ lưỡng.

KTS. Võ Trọng Nghĩa cho biết, kiến trúc xanh như nhà hiệu bộ của Đại học FPT rất phù hợp để áp dụng cho các trường đại học, các công trình công sở, các bệnh viện, thậm chí cả nhà riêng của người dân.

“Kiến trúc xanh đúng là xa xỉ nhưng chỉ là trong tư duy và suy nghĩ. Trong điều kiện dân cư chật chội đông đúc, kiến trúc xanh là bài toán để giải đáp cho đô thị hiện tại”, anh Nghĩa nhận định.

4. Ecohome 3 

Tòa nhà NO2 và NO3 của Ecohome 3 là dự án nhà ở xã hội đầu tiên nhận Chứng chỉ Xanh EDGE của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC).

toan-canh-bat-dong-san-cong-trinh-xanh-ecohome-1678675520.jpg
Tòa nhà NO2 và NO3 của Ecohome 3 là dự án nhà ở xã hội đầu tiên nhận Chứng chỉ Xanh EDGE

EcoHome 3 xanh từ khâu thiết kế: sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường như tạo không gian mở đón gió, 4.300 m3 ánh sáng tự nhiên được thiết kế ngoài quy hoạch, gồm 800 cây xanh, cùng cảnh quan, đài phun nước giúp giảm 1-2 độ C so với môi trường xung quanh, tạo không gian đẹp, mát mẻ, thư thái cho cư dân. Các căn hộ có cửa sổ hướng Tây sử dụng kính Low-E giúp giảm nhiệt vào mùa hè, hệ thống lọc nước UF tạo ra nguồn nước an toàn, không làm mất đi các vi lượng có lợi khác.

Được thiết kế theo tiêu chuẩn xanh về năng lượng, nước và vật liệu, các tòa nhà NO2 và NO3 được kỳ vọng sẽ tiết kiệm đến 36% lượng nước sử dụng, 25% năng lượng tiêu thụ và 32% năng lượng hàm chứa trong vật liệu.

5. Diamond Lotus riverside

toan-canh-bat-dong-san-cong-trinh-xanh-diamond-lotus-riverside-1678675520.jpg

Bao phủ khu đất xây dựng với hơn 8.000m2 cây xanh, mật độ xây dựng 19%, Diamond Lotus Riverside được xem là một trong những dự án có mật độ xây dựng thấp nhất và mật độ cây xanh cao nhất TP.HCM. Không chỉ xanh trong quá trình thi công và xanh trong cách vận hành nhằm đạt các mục tiêu: tiết kiệm năng lượng, sử dụng nước hiệu quả, giảm phát thải khí CO2, cải thiện chất lượng môi trường trong và ngoài khu căn hộ.

6. The Coastal Hill

Các căn hộ khách sạn của dự án được tiếp xúc trực tiếp 100% với ánh sáng tự nhiên và khí trời. Chủ đầu tư sử dụng các vật liệu tiên tiến, ít tác động đến môi trường, đảm bảo an toàn sức khỏe cho du khách, thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu.

toan-canh-bat-dong-san-cong-trinh-xanh-can-ho-khach-san-coastal-hill-1678675520.jpg
Thiết kế tòa nhà căn hộ khách sạn The Coastal Hill tối ưu sử dụng năng lượng tái tạo.

Thiết kế tòa nhà tối ưu sử dụng năng lượng tái tạo. Khuôn viên cây xanh được trang bị hệ thống tưới tuần hoàn, giúp tiết kiệm nước ngọt một cách tối đa. Thay vì sử dụng các loại hóa chất tẩy rửa thông thường, bể bơi của dự án sử dụng vi tảo, rất an toàn cho người sử dụng. Dự án có mật độ xây dựng khá thấp chiếm 12,4% diện tích nhờ đó, toàn bộ dự án được phủ xanh trên hơn 70% diện tích.

7. Campus F-Town 3 - FPT Software

Được xây dựng trên diện tích 69.000m2, F-Town 3 là trung tâm phần mềm lớn và hiện đại nhất của TP.HCM với hơn 7.500 nhân lực ngành công nghệ. Tạp chí hàng đầu về kiến trúc, mỹ thuật và thời trang nước Anh đã xếp toà nhà “sóng bê-tông” F-Town 3 của FPT Software vào bộ ba công trình đặc trưng cho lối kiến trúc Sinh khí hậu (bioclimatic) của thành phố Hồ Chí Minh.

toan-canh-bat-dong-san-cong-trinh-xanh-f-town-3-fpt-software-1678675521.jpeg
F-Town 3 của FPT Software lọt vào top ba công trình đặc trưng cho lối kiến trúc Sinh khí hậu (bioclimatic) của thành phố Hồ Chí Minh.

Bắt đầu đi vào hoạt động vào cuối năm 2019, công trình F-Town 3 với phong cách thiết kế ấn tượng chan hòa với thiên nhiên đã thu hút nhiều sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là giới kiến trúc. Công trình mang phong cách kiến trúc sinh khí hậu – đây là phong cách xây dựng, thiết kế cấu trúc toà nhà tận dụng tối đa lợi thế của khí hậu, thiên nhiên để mang đến môi trường sống thoải mái, tiện nghi cho con người.

Theo tác giả Joshua Zukas, từ trên cao nhìn xuống, F-Town 3 trông như những ngọn sóng bằng bê-tông trắng (Concrete Waves) khổng lồ bao bọc lấy một mảnh vườn xanh tốt. Thiết kế thông thoáng, đón gió trời góp phần làm mát toàn bộ không gian bên trong. Mảng xanh ở trung tâm đóng vai trò lọc không khí, giữ ẩm và thấm nước mưa.

Trụ sở chính Tập đoàn Viettel

Trụ sở chính của Viettel tọa lạc tại Lô D26, ngõ 3, đường Tôn Thất Thuyết, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Từ tòa nhà nhìn ra là khu công viên rộng 32ha trong đó bao gồm hồ điều hòa với 19ha diện tích mặt nước. Trụ sở đáp ứng nơi làm việc cho khoảng 1000 cán bộ, nhân viên, nơi được coi là cơ quan đầu não của Tập đoàn Viettel.

tru-so-chinh-tap-doan-viettel-1678676366.jpeg
Trụ sở chính của tập đoàn Viettel là một trong số ít công trình ở Việt Nam nhận được chứng chỉ xanh (LEED) (cấp độ Silver).

Công trình được thiết kế bởi Công ty tư vấn thiết kế Gensler của Mỹ, là một đơn vị tư vấn thiết kế số 1 thế giới theo đánh giá của tổ chức uy tín World Architect. Tòa nhà lấy cảm hứng từ logo của Viettel – đại diện cho thương hiệu, triết lý kinh doanh và các giá trị cốt lõi của Tập đoàn.

Toàn bộ mái của công trình được phủ xanh, vuốt cong từ dưới chân mái lên đỉnh mái lấy cảm hứng từ logo của Viettel. Mỗi tầng của công trình được thiết kế với chức năng riêng. Bao gồm tầng hầm là hội trường dùng để tổ chức hội nghị. Tầng 1 là các không gian tiếp khách, triển lãm, trưng bày và nhà ăn. Tầng 2 là khu vực tổ chức hội họp. Từ tầng 3 đến tầng 8 là khu vực văn phòng làm việc.

Công trình được thiết kế theo xu thế của thời đại hướng đến một công trình xây dựng bền vững bao gồm các tiêu chí tiết kiệm năng lượng, tái tạo năng lượng, gần gũi và thân thiện với môi trường. Đây là một trong số ít công trình ở Việt Nam nhận được chứng chỉ xanh (LEED) (cấp độ Silver).

Hồng Phúc