Cần Thơ 'vượt mặt' Hà Nội, Quảng Ninh, lọt top 5 hút FDI
Bước vào năm 2021, Cần Thơ bất ngờ lọt Top địa phương dẫn đần cả nước về thu hút FDI, vượt các tỉnh thành xưa nay nổi bật trong thu hút FDI như Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Đồng Nai... để vươn lên đứng thứ 5 cả nước. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 10 tháng đầu năm 2021, TP chỉ thu hút được 4 dự án FDI, song tổng số đăng ký lên tới 1,32 tỷ USD.
Vốn FDI của TP Cần Thơ có bước đột phá lớn trong năm nay chủ yếu nhờ vào dự án “khủng” Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (vốn Nhật Bản) với tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD. Đây cũng là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn TP Cần Thơ.
Dự án được xây dựng tại Trung tâm Điện lực Ô Môn, phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, có công suất thiết kế 1.050 MW, với mục tiêu xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia. Điều này cũng trở thành "đòn bẩy" đưa Cần Thơ giữ vị thế hàng đầu trong thu hút đầu tư của vùng ĐBSCL.
Nhìn lại thời điểm năm 2017, toàn TP chỉ thu hút 4 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 26 triệu USD, xếp thứ 43 cả nước. Đến năm 2019, tình hình thu hút FDI trên địa bàn TP có nhiều tín hiệu khởi sắc khi thu hút được 7 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 68 triệu USD, đứng thứ 38 cả nước. Năm 2020, quy mô nền kinh tế của Cần thơ ước đạt 120.000 tỷ đồng, tăng 1,63 lần so với năm 2015. GRDP bình quân đầu người đạt 97,2 triệu đồng, tăng 1,65 lần so với năm 2015. Lũy kế đến nay, Cần Thơ đang thu hút 85 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 2 tỷ USD, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động.
DIC Corp mở rộng thị trường phía Bắc, nghiên cứu đầu tư khu đô thị Bắc Ninh
Thông tin từ Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, Mã: DIG), doanh nghiệp đang triển khai nghiên cứu đầu tư Khu đô thị có quy mô khoảng 160 ha tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Dự án này là khu đô thị hạt nhân nằm trong khu đô thị phía Tây và Tây Bắc huyện Thuận Thành với quy mô 1.530 ha mà DIC Corp đang tài trợ lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000.
DIC Corp cho biết, nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu Đô thị phía Tây và Tây Bắc huyện Thuận Thành đã được UBND tỉnh phê duyệt và nội dung đồ án cũng đã được UBND tỉnh thông qua. Dự kiến trong dự án khu đô thị 160 ha mà DIC Corp đang nghiên cứu sẽ có khoảng 62 ha đất ở và 15 ha đất thương mại dịch vụ, resort kết hợp với các khu công viên, khu vui chơi giải trí.
KĐT gần 1.400 tỷ sắp được quy hoạch tại Nghệ An
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An vừa công bố danh mục dự án có sử dụng đất cần lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án Khu đô thị tại xã Văn Thành, huyện Yên Thành.
Dự án có quy mô gần 25 ha, sơ bộ tổng chi phí thực hiện gần 1.400 tỷ đồng. Ranh giới phía Bắc dự án giáp khu dân cư và hành lang an toàn kênh chính; phía Nam giáp đường đi thị trấn và xã Đức Thành; phía Đông giáp hành lang an toàn kênh chính; phía Tây giáp đường liên xã.
Mục tiêu dự án nhằm xây dựng khu nhà ở tại xã Văn Thành và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc, cảnh quan.
Về quy mô đầu tư, dự án sẽ có khu thương mại dịch vụ gồm hai khu (hơn 7.464 m2); khu nhà ở thấp tầng gồm nhà ở liền kề, biệt thự, được bố trí tiếp giáp các trục đường chính đô thị và đường nội bộ (hơn 8,3 ha); khu cây xanh, cảnh quan gồm cây xanh thể dục thể thao, cây xanh cảnh quan, được bố trí tại trung tâm khu đất và xen kẹp trong các khu nhà ở thấp tầng (hơn 3 ha),...
Thời hạn đầu tư dự án không quá 50 năm. Tiến độ thực hiện dự kiến ba năm, kể từ ngày giao đất cho nhà đầu tư.
Hiện trạng khu đất chưa giải phóng mặt bằng. Khu đất chủ yếu đang là đất trồng lúa, đất giao thông, kênh mương nội đồng, bờ thửa.
Doanh nghiệp muốn đầu tư Trung tâm logistics Cái Mép Hạ hơn 19.000 tỷ phải đáp ứng tiêu chí nào?
Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải (GTVT), việc lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp này được thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 29 Nghị định số 31 ngày 25/5/2021 của Chính phủ. Do đó, Sở GTVT đã đề xuất tiêu chí khung và phương pháp đánh giá lựa chọn nhà đầu tư cho dự án.
Cụ thể, những tiêu chí quan trọng mà nhà đầu tư cần có như:
Thứ nhất, phải chứng minh được giá trị tài sản ròng, vốn chủ sở hữu tối thiểu, khả năng thu xếp vốn vay.
Thứ hai là không nợ đọng thuế, nợ xấu ngân hàng, môi trường, tài chính.
Thứ ba là nhà đầu tư phải có khả năng kêu gọi các nhà đầu tư chuyên ngành thứ cấp.
Thứ tư là có khả năng kết nối với các nhà đầu tư, khai thác logistics tại Việt Nam và nước ngoài.
Dự án này có diện tích khoảng 1.763 ha, bao gồm: Trung tâm logistics và bến cảng Cái Mép Hạ (hơn 984 ha); diện tích mặt nước (gần 456 ha); đất dự trữ kho năng lượng sạch (gần 198 ha); diện tích mặt nước tiềm năng (hơn 125 ha). Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 19.200 tỷ đồng, trong đó chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng.
Đến nay, đã có 5 nhà đầu tư quan tâm và gửi hồ sơ đề xuất thực hiện dự án, gồm: Liên danh CTCP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội - Geleximco và CTCP Vận tải và Thương mại quốc tế - ITC (liên danh Geleximco - ITC); liên danh Việt Nam - EU giữa Besix - Boskalis - Hateco; CTCP IMG Innovations; CTCP Xuất nhập khẩu quốc tế Tân Đại Dương; CTCP Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group).
Nguồn: Vietnambiz, CafeF