Metro số 1 chạy thử ngày 21/12

Thông tin được đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM (MAUR) cho biết ngày 12/12. Đây là lần đầu Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chạy thử ở tuyến chính, sau khi toàn bộ 17 tàu thuộc dự án được đưa về TP HCM hồi tháng 5.

Việc chạy thử dự kiến diễn ra trong một ngày, với một đoàn tàu (số 6 hoặc 7) do nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) phụ trách. Trước khi thử, hệ thống tiếp điện trên cao cùng trạm cung cấp điện chính sẽ được nhà thầu nghiệm thu. Đầu máy, toa xe cũng được đơn vị này kiểm tra nghiêm ngặt, đảm bảo tất cả thiết bị trên tàu hoạt động ổn định, trơn tru...

metro-sai-gon-min-1670908890.jpeg
 

Đoạn trên cao có tốc độ thiết kế 110 km/h, nhưng quá trình chạy thử, tàu sẽ bắt đầu chạy với tốc độ 5 km/h, sau đó tăng lên tối đa 20 km/h. Tàu cũng dừng đón trả khách tham gia thử nghiệm ở ga Suối Tiên hoặc Bình Thái.

Các đoàn tàu của Metro số 1 đều sản xuất tại Nhật Bản, trong đó tàu ba toa dài 61,5 m, sức chứa 930 khách (147 khách ngồi và 783 khách đứng). Từ tháng 8 năm nay, toàn bộ 17 tàu thuộc dự án lần lượt được thử nghiệm trong depot Long Bình, kết hợp kiểm tra chức năng các hệ thống hỗ trợ như: hãm, sức kéo, cấp điện... Nhà thầu cũng đã chuyển tàu lên đoạn trên cao ở gần depot để kiểm tra kỹ thuật, trước khi cho chạy thử trên tuyến chính.

Bà Rịa - Vũng Tàu chi 1.250 tỷ làm cao tốc, Vành đai 4

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định chi 1.250 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng làm cao tốc nối Biên Hòa và đường Vành đai 4 TP HCM, đoạn qua địa bàn.

Nội dung được nêu trong nghị quyết duyệt kế hoạch đầu tư công năm 2023 do HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khóa VII, thông qua tại kỳ họp thứ 11, ngày 10/12.

Theo đó, tỉnh thống nhất bố trí 1.250 tỷ đồng để bồi thường, giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 TP HCM, đoạn qua địa phương (750 tỷ) và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (500 tỷ đồng).

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) dài 53,7 km, quy mô 4-6 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 17.800 tỷ đồng, dự kiến khởi công năm tới và hoàn thành năm 2025. Đoạn qua Bà Rịa - Vũng Tàu dài 19,5 km, kinh phí đầu tư hơn 5.190 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.333 tỷ đồng, địa phương cam kết bố trí 50% vốn (khoảng 670 tỷ đồng).

Quảng Bình thu hồi 569ha đất để thực hiện loạt dự án

Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình cho biết, tại kỳ họp thứ 8 khóa XVIII nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND tỉnh Quảng Bình đã thông qua nghị quyết về việc bổ sung mới 214 dự án thu hồi đất trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích sử dụng đất 569,58 ha.

quang-binh-thu-hoi-dat-min-1670909105.jpeg
 

Trong số này có 4 dự án khu đô thị đó là: Khu đô thị phía Nam phường Phú Hải, TP. Đồng (diện tích thu hồi đất lúa 21,34ha và các loại đất khác là 10,16ha); khu đô thị Bảo Ninh 10, TP. Đồng Hới (diện tích thu hồi các loại đất khác là 42,4ha); khu đô thị Võ Ninh, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh (diện tích thu hồi các loại đất khác là 158,8ha); khu đô thị mới Lương Ninh, xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh (diện tích thu hồi đất lúa là 28,89ha và các loại đất khác là 7,53ha).

HĐND tỉnh Quảng Bình cũng bổ sung thêm mới 10 dự án chuyển mục đích đất trồng lúa với tổng diện tích sử dụng đất 5,25 ha – bao gồm 4,50 ha đất trồng lúa và 0,75 ha các loại đất khác.

Chứng khoán phiên sáng 13/12: Nhóm bất động sản là tâm điểm giao dịch

Các cổ phiếu bất động sản, trong đó, NVL, PDR, HPX vẫn đang là những cái tên được chú ý nhất trên bảng điện tử. Sáng nay 13/12, lực bán tiếp tục gia tăng khiến sắc đỏ lấn át trên bảng điện tử, chỉ số VN-Index không rơi sâu mà rung lắc khá mạnh chủ yếu nhờ một vài mã lớn còn xanh như GAS, VIC, VNM và một số cổ phiếu ngân hàng VCB, BID, VPB, STB…

Trên bảng điện tử, có lúc đã có đến gần 300 mã giảm và dù rằng biên độ giảm đa số không quá lớn, trừ một vài cái tên như TVB, IBC khi đều giảm và tiếp tục mất thanh khoản.

Các cổ phiếu bất động sản bị chốt lời với ITA, CTD, HQC, HBC, DXG, KDH, CRE, DXS, TGG, DIG mất từ 3,5% đến hơn 6%.

Cổ phiếu đáng chú ý nhất vẫn là NVL, khi mở cửa tăng kịch trần lên 19.000 đồng, nhưng sau đó đã dần hạ độ cao và còn nhích hơn 2%, khớp lệnh hơn 29 triệu đơn vị, cao nhất thị trường, trong đó, khối ngoại giao dịch rất sôi động với hơn 7 triệu đơn vị mua và gần 1 triệu đơn vị bán ra.

Đáng kể khác là HPX, sau phiên hôm qua sớm tăng trần đã trở về mặt đất trong phiên sáng nay, có thời điểm đã về giá sàn tại 6.950 đồng. Tương tự là PDR, khi cũng có thời điểm lau sàn tại 14.450 đồng, khớp lệnh hai mã này cũng đang thuộc top cao nhất sàn HOSE.

Giá vàng hôm nay (13-12): Giảm mạnh

Giá vàng thế giới hôm nay

Giá vàng thế giới rạng sáng nay (13-12) giảm mạnh với giá vàng giao ngay giảm 16,1 USD xuống còn 1.781,8 USD/ounce. Vàng tương lai tháng 2 giao dịch lần cuối ở mức 1.792,3 USD/ounce, giảm 18,4 USD so với rạng sáng ngày trước đó.

Thị trường kim loại quý giảm do chịu áp lực bởi sự phục hồi của đồng USD. Rạng sáng hôm nay, chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt vượt mức 105, tăng nhẹ 0,21%.

Giá vàng trong nước hôm nay

Giá vàng trong nước rạng sáng hôm nay biến động nhẹ. Hiện tại, giá vàng trong nước đang niêm yết cụ thể như sau:

Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 66,4 triệu đồng/lượng mua vào và 67,22 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng.

Giá vàng DOJI ở khu vực Hà Nội đang niêm yết ở mức 66,25 triệu đồng/lượng mua vào và 67,05 triệu đồng/ lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng thương hiệu này đang mua vào nhưng bán ra cao hơn 50.000 đồng so với khu vực Hà Nội.

Theo CafeF, VNExpress, tinnhanhchungkhoan