Giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành mới đạt hơn 50%, ba vướng mắc cản tiến độ

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể vừa ký báo cáo gửi Quốc hội về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Báo cáo chỉ rõ ba vướng mắc lớn, khiến công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vẫn chậm so với kế hoạch.

Hiện các nội dung vướng mắc này đã và đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, tổ chức các cuộc họp kiểm điểm tiến độ để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

san-bay-long-thanh-min-1634271698.jpg
Chậm giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án

Thứ nhất, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, UBND tỉnh Đồng Nai đã huy động mọi nguồn nhân, vật lực để triển khai công tác phòng, chống dịch và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, do vậy ảnh hưởng không nhỏ tới công tác giải phóng mặt bằng của dự án.

Thứ hai, tại phạm vi giải phóng mặt bằng dự án có khoảng 1.000 hộ dân đang gặp khó khăn trong xử lý hồ sơ bồi thường trong chuyến nhượng, cho tặng bằng giấy viết tay. Điều đáng nói là nếu không giải phóng toàn bộ mặt bằng sạch của giai đoạn 1 theo đúng tiến độ sẽ ảnh hưởng đến biện pháp thi công tổng thể giai đoạn 1.

Thứ ba, UBND tỉnh Đồng Nai đang gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện giải trình với Kiểm toán nhà nước theo thông báo số 509/KTNN ngày 31/12/2020, như điều chỉnh khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư; không hỗ trợ chuyển đổi việc làm đối với các đối tượng nhân công, nội trợ; các nhân khâu trong sô hộ khẩu có mối quan hệ gia đình... thì không đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ ổn định đời sống sản xuất; giá trị bồi thường, hỗ trợ vườn cây của Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai.

Dù vậy, một tín hiệu tích cực là tiến độ 3 dự án thành phần vẫn đang bám sát kế hoạch đề ra.

Kéo dài đường sắt Cát Linh - Hà Đông thêm 20km về phía Xuân Mai

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện chính sách phát triển giao thông vận tải đường sắt và sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho giao thông vận tải đường sắt.

Theo báo cáo này dự kiến sẽ xây dựng 8 tuyến đường sắt đô thị khu vực trung tâm với chiều dài 305km.

Tuyến số 1 gồm 2 nhánh: Ngọc Hồi - ga trung tâm Hà Nội - Gia Lâm - Yên Viên và Gia Lâm - Dương Xá (Phú Thụy) với chiều dài tuyến khoảng 36km.

Tuyến số 2 là Nội Bài - Nam Thăng Long - Hoàng Hoa Thám - Bờ Hồ - Hàng Bài - Đại Cồ Việt - Thượng Đình - Vành đai 2,5 - Hoàng Quốc Việt với chiều dài khoảng 42km.

Tuyến số 2A là tuyến Cát Linh - Ngã tư Sở - Hà Đông với chiều dài khoảng 14km.

Tuyến số 3 là Trôi - Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai với chiều dài khoảng 26km.

Tuyến số 4 là Mê Linh - Đông Anh - Sài Đồng - Vĩnh Tuy - Vành đai 2,5 - Cổ Nhuế - Liên Hà với chiều dài khoảng 54km. 

Tuyến số 5 là đường Văn Cao - Ngọc Khánh - đại lộ Thăng Long - Vành đai 4 - Hòa Lạc với chiều dài khoảng 39km. 

Tuyến số 6 là Nội Bài - Phú Diễn - Hà Đông - Ngọc Hồi với chiều dài khoảng 43km.

Tuyến số 7 là Mê Linh - Đô thị mới Nhổn - Vân Canh - Dương Nội với chiều dài khoảng 28km.

Tuyến số 8 là Sơn Đồng - Mai Dịch (trung chuyển với tuyến số 2) - Vành đai 3 - Lĩnh Nam - Dương Xá với chiều dài khoảng 37km. 

Nhiều 'ông lớn' địa ốc đổ xô đến Thanh Hoá

Trong quý 4/2021, thị trường bất động sản Thanh Hóa gây sốt chưa từng có, khi 3 tập đoàn bất động sản lớn nhất Việt Nam là Flamingo, Sungroup, Vingroup đồng loạt triển khai các siêu dự án có quy mô hơn 3.000 ha với tổng mức đầu tư hơn 3 tỷ USD. Điều đáng chú ý, những dự án này không chỉ tập trung tại Sầm Sơn như trước, mà được phân bổ đều từ thành phố Sầm Sơn, thành phố Thanh Hoá, huyện Quảng Xương, huyện Hoằng Hóa…

Tập đoàn Sun Group đang triển khai tổ hợp dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô 1.260 ha tại thành phố biển Sầm Sơn. Tập đoàn này cũng đang nghiên cứu triển khai Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng quy mô gần 100 ha tại huyện Quảng Xương.

Trong khi đó, tại thành phố Thanh Hóa, Vinhomes đang mở bán phân khu biệt thự Hướng Dương thuộc khu đô thị Vinhomes Star City, quy mô 147ha.

Hồi tháng 6, T&T Group cũng khởi công xây dựng dự án khu du lịch sinh thái Tân Dân tại phường Tân Dân, thị xã Nghi Sơn. Khu du lịch sinh thái Tân Dân có quy mô 84,8ha, tổng vốn đầu tư hơn 3.660 tỷ đồng.

Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Hải Dương đến năm 2040 là đô thị cấp vùng, phát triển công nghiệp nhẹ

Bộ Xây dựng vừa tổ chức Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Đại diện Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia, đơn vị tư vấn về điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, cho biết, phạm vi khu vực lập điều chỉnh quy hoạch lần này là toàn bộ ranh giới hành chính TP. Hải Dương được điều chỉnh theo Nghị quyết số 788 (ngày 16/10/2019) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gồm 19 phường và 06 xã, với tổng diện tích tự nhiên là 111,64 km2.

Theo điều chỉnh quy hoạch này, TP. Hải Dương sẽ được phát triển theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả những tiềm năng của thành phố; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, có mạng lưới dịch vụ hoàn thiện, hấp dẫn nhà đầu tư, thu hút lực lượng lao động, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu; đầu tư xây dựng hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I…

Vĩnh Phúc giải quyết được nhiều tồn tại về đất đai dự án

9 tháng đầu năm, Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo quy định. Công tác bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; công tác định giá đất, ký hợp đồng thuê đất được tập trung triển khai với 9 phương án bồi thường hỗ trợ thực hiện thu hồi đất được thẩm định.

Kết quả, trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã thực hiện giải phóng mặt bằng cho 338 dự án, công trình phát triển kinh tế - xã hội (bao gồm 196 dự án chuyển tiếp và 142 dự án giao mới) với tổng diện tích cần thực hiện giải phóng mặt bằng là 3.205,9 ha.

Đến nay, tỉnh cơ bản giải quyết tồn tại cho các dự án kéo dài nhiều năm và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư xây dựng, điển hình như: Dự án Khu công nghiệp Đồng Sóc, Dự án chợ đầu mối của huyện Vĩnh Tường, Dự án đường song song đường sắt tuyến phía Nam, Dự án đường Nguyễn Văn Cừ đi thung lũng Thanh Xuân,...

 

Nguồn tổng hợp: VnExpress, Vietnamfinance, Vietnambiz