Môi giới địa ốc giảm 80% thu nhập
Chia sẻ với VnExpress, ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết: "Thu nhập của môi giới bất động sản tại TP HCM hiện giảm trung bình 40-50% so với 6 tháng trước nếu là công ty quy mô lớn. Với công ty nhỏ, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, các nhân viên môi giới bị sụt doanh số do thị trường khó khăn, thanh khoản kém đã giảm đến 70-80% thu nhập".
Do lượng giao dịch trên thị trường địa ốc lao dốc mạnh so với trước dịch nên thu nhập của môi giới cũng giảm. Lương cơ bản hàng tháng không đáng kể so với chi phí marketing sản phẩm trung bình 12-15 triệu đồng một tháng. Sau bốn đợt dịch, thu nhập của môi giới hiện không đủ chi tiêu, phần lớn trang trải cuộc sống từ các nguồn tiền đã tích luỹ từ trước.
Hiện chưa có thống kê đầy đủ, nhưng dịch bệnh đã đẩy một lượng lớn các công ty môi giới địa ốc quy mô vừa và nhỏ rời thị trường vì không đủ năng lực duy trì hệ thống, kéo theo nhiều sale bất động sản thất nghiệp. Đây là cuộc đại sàng lọc ngành môi giới, dẫn đến số lượng sale địa ốc bỏ nghề, chuyển nghề tăng mạnh hoặc nếu muốn bám trụ, môi giới sẽ phải dịch chuyển về các công ty lớn để tìm nơi trú bão, vượt khó mùa dịch.
DXS chào sàn chìm trong sắc đỏ
Sáng 15/7, hơn 358,2 triệu cổ phiếu của CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Đất Xanh Services, Mã: DXS) chính thức giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 32.000 đồng/cp, biên độ dao động 30%. Mức giá trên tương đương với giá chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và chào bán cho cổ đông hiện hữu 32.000 đồng/cp được công ty thực hiện vào cuối tháng 4.
Tuy nhiên, theo Reatimes, mã DSX đã giảm đến 9,4% ngay trong phiên đầu chào sàn HNX. Hiện thị giá của DXS chỉ còn 29.000 đồng/cp. Ở phiên này, DXS đưa hơn 358 triệu cổ phiếu lên giao dịch ở sàn HNX với giá tham chiếu 32.000 đồng/cp. Mức này bằng giá chào bán lần đầu cho công chúng (hơn 35,8 triệu cổ phiếu) và thấp hơn giá 4x (trên 40.000 đồng/cp) mà lãnh đạo công ty dự kiến trong buổi roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư.
Chung cư tại Hà Nội tăng sức hút người mua
Nhìn về tương lai gần, thị trường Hà Nội cũng cho thấy nguồn cung dự kiến trong giai đoạn 2021-2022 khả quan hơn so với TP.HCM. Theo CBRE, nguồn cung chào bán mới tại Hà Nội trong năm 2021 dự kiến dao động trong khoảng 21.000-24.000 căn, trong khi doanh số bán tiếp tục giữ ở mức khả quan và cao hơn lượng mở bán mới. Dự báo về mức mở bán và doanh số bán trong năm 2021 sẽ cao hơn so với năm 2020, tuy nhiên vẫn chưa trở lại mức trước dịch Covid-19.
Nguồn cung mới tại Hà Nội trong năm 2021-2022, dự kiến sẽ cao hơn khoảng 25-30% so với lượng căn hộ chào bán mới tại thị trường TP. HCM. Giá bán sơ cấp trong 2 năm tới dự kiến tăng trong khoảng từ 4-6%, cao hơn mức tăng của năm 2020 là 3% nhờ hệ thống cơ sở hạ tầng đang dần cải thiện và nguồn cung mới không quá dồi dào như so với giai đoạn trước dịch Covid-19.
Gần 90% nhà hàng, quán ăn ở Hội An đóng cửa vì dịch
Ảnh hưởng liên tiếp 4 đợt dịch Covid-19, trong nhiều tháng trở lại đây, nhiều nhà hàng, quán xá tại Hội An tạm dừng hoạt động. Các quầy hàng lưu niệm ở khu phố cổ không một bóng người, có nơi đóng hẳn vì không có khách. Ghi nhận của Zing trong những ngày đầu tháng 7, hàng loạt cửa hàng, cửa hiệu buôn bán tại khu vực phố cổ Hội An trong tình trạng cửa đóng then cài vì không có khách du lịch, việc kinh doanh vì vậy cũng không thể tiếp tục.
Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, cho biết các hộ kinh doanh tại khu vực phố cổ Hội An là người địa phương cũng như từ một số tỉnh thành đến thuê mặt bằng. Theo ông Thanh, do ảnh hưởng dịch Covid-19, đến nay có hơn 80% hộ kinh doanh trả mặt bằng, dừng hoạt động vì không thể cầm cự nổi. "Hầu như những người thuê nhà đều trả hết, họ không kéo dài tình trạng này được. Nhiều chủ nhà cũng có ý cho thuê không lấy tiền trong đợt dịch để giúp đỡ người kinh doanh", ông Thanh nói.
Vốn hóa của Becamex ‘bốc hơi’ gần 10.500 tỷ đồng
Cổ phiếu BCM của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp (Becamex) vừa có 2 phiên giảm sàn liên tiếp (ngày 14-15/7) với tình trạng dư bán khối lượng lớn hàng trăm nghìn cổ phiếu mỗi phiên. Tính rộng ra từ đầu tháng 7, cổ phiếu của doanh nghiệp khu công nghiệp này đã mất 17% giá trị về vùng giá còn 45.250 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa thị trường còn hơn 46.800 tỷ đồng, tương đương với việc bốc hơi gần 9.500 tỷ đồng. Becamex được biết đến là một trong những doanh nghiệp có quỹ đất khu công nghiệp thuộc top đầu cả nước và là một trong 3 tổng công ty lớn nhất tỉnh Bình Dương (cùng với Tổng công ty Sản xuất xuất nhập khẩu Bình Dương - Protrade và Tổng công ty Thanh Lễ - Thalexim).