9 km dự án Vành đai 3 TP HCM sắp khởi công
Dự án 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc Vành đai 3, tổng vốn 5.300 tỷ đồng, dự kiến khởi công quý 1/2022, giúp tăng kết nối TP HCM, Đồng Nai và Bình Dương.
Dự án 1A kết nối từ tỉnh lộ 25B (Đồng Nai) đến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Vốn thực hiện công trình từ nguồn vay Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng trong nước. Trước đó, công trình tính khởi công năm 2021, nhưng nhiều đầu việc cần được nhà tài trợ chấp thuận.
Giai đoạn một, dự án làm đường rộng 20-26 m cho 6 làn xe, vận tốc 80 km/h. Khi hoàn thành, tuyến đường giúp rút ngắn hành trình từ Nhơn Trạch, Đồng Nai đến TP HCM và Bình Dương; tạo thuận lợi vận chuyển hàng hoá, hành khách…
Vành đai 3 TP HCM dài hơn 90 km chạy qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, chia làm 4 đoạn lớn: Tân Vạn - Bình Chuẩn, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - quốc lộ 22 và quốc lộ 22 - Bến Lức. Trong đó, đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (một phần đường Mỹ Phước - Tân Vạn thuộc tỉnh Bình Dương) dài 16 km đã đầu tư hoàn thành.
Phát triển Cam Lâm theo hướng đô thị sân bay, du lịch
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản gửi Thủ tướng xin chủ trương cho phép quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm.
UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, với vị trí là đô thị nằm giữa, Cam Lâm có vai trò quan trọng trong việc kết nối chuỗi các đô thị gồm: Nha Trang, Diên Khánh và Cam Ranh, tạo thành cấu trúc đô thị đa dạng, với mỗi đô thị mang tính đặc thù riêng, bổ trợ lẫn nhau.
Đồng thời, địa phương này đủ điều kiện tạo thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội làm cơ sở hình thành hệ thống đô thị khung cho đô thị Khánh Hòa trong tương lai, đảm bảo sự liên kết, đồng bộ, khai thác hiệu quả hạ tầng vùng, liên thành phố.
Ngoài ra, Cam Ranh cũng có nhiều tuyến giao thông huyết mạch đi qua (đường sắt, đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc Bắc Nam, quốc lộ 1) đặc biệt là gần sân bay quốc tế Cam Ranh và cảng Cam Ranh. Cam Lâm còn có Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh đang hoạt động và tiếp tục phát triển với 41 dự án du lịch, resort nổi tiếng, thu hút lượng lớn du khách quốc tế.
Aeon Mall đầu tư 170 triệu USD làm TTTM tại Thừa Thiên - Huế
Theo Cổng thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam – Nhật Bản diễn ra sáng nay (25/11), Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương và Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam đã ký kết, trao bản ghi nhớ về quyết định đầu tư Trung tâm thương mại Aeon Mall.
Theo đó, dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 170 triệu USD. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2023.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế cam kết hỗ trợ thực hiện các thủ tục pháp lý của dự án, đảm bảo giải quyết thủ tục nhanh nhất, đơn giản nhất, áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của nhà nước theo quy định hiện hành.
Trước đó ngày 23/11, trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Tập đoàn Aeon Motoya Okada cho biết, tập đoàn coi Việt Nam là thị trường quan trọng không kém thị trường chính tại Nhật. Tập đoàn này dự kiến tăng gấp đôi các trung tâm thương mại tại Việt Nam trong thời gian tới.
Nhiều vi phạm về đất đai ở huyện Long Thành, Đồng Nai
Ngày 19/11/2021, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã làm việc với các sở, ngành về kết quả kiểm tra, xử lý việc phân lô, bán nền, xây dựng trái phép và kết quả xử lý vi phạm đất đai, xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, theo Quyết định số 1675 (ngày 23/8/2016) của Thủ tướng Chính phủ.
Theo báo cáo, tổng số vi phạm về đất đai, xây dựng là 1.081 trường hợp, trong đó phân lô bán nền có 94 trường hợp, đa số tập trung ở huyện Long Thành, Đồng Nai.
Về sử dụng đất không đúng mục đích, có 388 trường hợp, tập trung ở các huyện: Xuân Lộc, Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Long Thành. Ngoài ra, các trường hợp lấn chiếm đất công 599 trường hợp.
Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại hạn chế trên là do công tác quản lý đất đai của chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, còn lỏng lẻo, chưa chủ động kiển tra, phát hiện sớm để xử lý kịp thời các vi phạm. Việc xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến các vi phạm về đất đai, xây dựng chưa nghiêm.
Nguồn: VnEconomy, VnExpress, Vietnambiz