Masterise bán sạch căn hộ hàng hiệu Ritz-Carlton trong ngày đầu
Chỉ trong đợt mở bán đầu tiên diễn ra vào ngày 23/10 vừa qua, toàn bộ căn hộ hàng hiệu Ritz- Carlton, Hanoi tại The Grand dành cho thị trường trong nước đã nhanh chóng có chủ nhân.
Ngay trong buổi mở bán đầu tiên ngày 23.10 vừa qua, toàn bộ căn hộ dành cho thị trường trong nước đã được sở hữu. "Đây là dịp duy nhất để giới tinh hoa có thể trở thành một trong những chủ nhân tương lai tại dự án bất động sản hàng hiệu đầu tiên và duy nhất tại Hà Nội gắn liền với thương hiệu huyền thoại Ritz-Carlton, sở hữu một tài sản có giá trị bền vững vượt thời gian." – Ông Gibran Bukhri, Giám đốc Kinh doanh của Masterise Homes phát biểu tại sự kiện.
TP. HCM cần 50.000 tỷ đồng làm 7 dự án kết nối miền Tây
Theo Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, 7 dự án kết nối với Long An và miền Tây có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế vùng trọng điểm phía Nam.
Đáng chú ý là dự án đường Võ Văn Kiệt nối dài (đoạn từ đường vành đai 3 đến ranh Long An) có tổng số vốn khoảng 14.000 tỷ đồng. Sở Giao thông Vận tải TP. HCM và Long An đã thống nhất sắp tới đường Võ Văn Kiệt sẽ được nghiên cứu nối dài từ TP. HCM đến khu công nghiệp Hải Sơn - Tân Đô (huyện Đức Hòa).
Tiếp theo là dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 (đoạn từ nút giao Tân Kiên đến ranh tỉnh Long An), tổng số vốn đầu tư khoảng 13.000 tỷ đồng. Đây là dự án được đánh giá rất cần thiết, cấp bách và cần sớm được đầu tư. Bởi đoạn quốc lộ này là tuyến huyết mạch ở cửa ngõ phía tây thành phố, mật độ xe cao và đang liên tục gia tăng nên thường xuyên ùn tắc.
Ngoài ra, TP. HCM và Long An cũng sẽ nghiên cứu mở đường mới phía tây bắc với số vốn 7.500 tỷ đồng. Dự án dài khoảng 19,8km, có điểm đầu tại quốc lộ 1 (quận Bình Tân) và điểm cuối tại đường vành đai 4 gần thị trấn Hậu Nghĩa (Long An). Dự án này có vai trò chia sẻ lượng xe trên đường tỉnh lộ 9 (Đặng Thúc Vịnh) và tỉnh lộ 10.
Giá phòng khách sạn 4-5 sao ở TPHCM vẫn tiếp tục lao dốc
CBRE Việt Nam cho biết, lệnh giãn cách kéo dài góp phần tạo thêm nhiều sức ép cho du lịch và khách sạn tại TPHCM - hai nhóm ngành vốn đã phải chịu nhiều tổn thất nặng nề trong suốt năm 2020.
Trong 9 tháng đầu năm nay, lượng khách nội địa đến TPHCM tiếp tục giảm 31,0% so với cùng kỳ, với 7,8 triệu lượt khách được ghi nhận. Trong khi đó, khách du lịch quốc tế hầu như không có. Tính đến hết quý III, thị trường khách sạn 4 - 5 sao tại TPHCM có tổng cộng 11.182 phòng với 51 dự án.
Theo số liệu của đơn vị này, giá phòng bình quân quý III chỉ đạt 61 USD (khoảng 1,4 triệu đồng), giảm 26,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục kéo dài với diễn biến khó lường, các khách sạn đã chủ động chuyển đổi mô hình kinh doanh để nhanh chóng thích nghi như đăng ký làm cơ sở cách ly có trả phí, hoặc cung cấp dịch vụ lưu trú dài hạn.
Giá căn hộ tăng, giá nhà ở riêng lẻ, đất nền lại giảm
Bộ Xây dựng vừa có báo cáo về tình hình bất động sản quý III năm nay.
Theo Bộ này, trong 6 tháng đầu năm, thị trường bất động sản vẫn có dấu hiệu và một số chỉ số tương đối khả quan. Tuy nhiên, dưới tác động kéo dài và sự bùng phát mạnh của đợt dịch tiếp theo, thị trường bất động sản trong quý III cũng gặp nhiều khó khăn hơn.
Cụ thể, về nguồn cung, tại nhiều địa phương đặc biệt là tại Hà Nội, TPHCM, Bình Dương…, các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản phải tạm dừng hoạt động nên hầu như các dự án bị ngưng trệ, không có dự án được hoàn thành và mở bán; các bất động sản giao bán trên thị trường chủ yếu từ nguồn cung của các dự án mở bán trong giai đoạn trước.
Theo thống kê sơ bộ, số lượng nhà ở đủ điều kiện bán khoảng 20.000 căn, tương đương khoảng 60 - 70% so với quý II.
Về lượng giao dịch, Bộ Xây dựng cho biết lượng giao dịch bất động sản thành công giảm mạnh so với quý II; tại các địa phương thực hiện giãn cách triệt để, hoạt động đi lại, giao dịch, kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp, người dân không thể thực hiện được; nhiều khu vực thị trường có hiện tượng "đóng băng tạm thời".