Sắp đánh thuế nhà ở để hạn chế đầu cơ?
Bộ Tài chính được giao nghiên cứu đề xuất bổ sung một số loại thuế liên quan đến thị trường bất động sản như thuế tài sản nhà ở, nhằm ổn định thị trường và hạn chế đầu cơ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 2161 phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, một trong những mục tiêu tổng quát của chiến lược là phát triển thị trường bất động sản nhà ở theo hướng bền vững, minh bạch dưới sự điều tiết, giám sát của Nhà nước, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; hạn chế tình trạng đầu cơ, lãng phí tài nguyên đất trong phát triển nhà ở.
Đáng chú ý, Bộ này cũng được yêu cầu nghiên cứu đề xuất bổ sung một số loại thuế liên quan đến thị trường bất động sản như thuế tài sản nhà ở nhằm ổn định thị trường, hạn chế đầu cơ, khai thác có hiệu quả bất động sản nhà ở và đảm bảo quyền lợi của Nhà nước.
Đồng thời hướng dẫn thực hiện các ưu đãi liên quan đến chính sách tài chính, thuế, tín dụng, chế độ miễn tiền sử dụng đất, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền quy định chế độ miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và các thuế khác liên quan đến hoạt động phát triển nhà ở xã hội.
Gần 200ha đất được giao thêm thực hiện sân bay Long Thành
UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định về việc giao thêm gần 200 ha đất đợt 2 cho Cảng vụ Hàng không miền Nam để thực hiện Dự án sân bay Long Thành...
Mục đích sử dụng đất là đất giao thông. Hình thức giao đất là Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất với thời hạn sử dụng lâu dài.
Sân bay Long Thành được xây dựng tại xã Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với diện tích 5.000 ha. Trong đó, giai đoạn 1 có diện tích hơn 1.800 ha, được khởi công vào tháng 1/2021, dự kiến năm 2025 sẽ đưa vào khai thác. Cuối năm 2020, Đồng Nai đã giao cho Cảng vụ Hàng không miền Nam hơn 1.280 ha đất. Đến nay, tổng diện tích đất tỉnh đã giao là gần 1.500 ha.
Gamuda Land muốn thâu tóm quỹ đất tại Việt Nam
Bình Dương mở rộng quốc lộ 13 lên 8 làn xe; Novaland muốn huy động gần 6.000 tỷ đồng từ trái phiếu… là các tin bất động sản đáng chú ý sáng 24/12.
Mới đây, tại một hội thảo kinh tế, ông Angus Liew, Tổng giám đốc Gamuda Land (HCMC) đã chia sẻ về kế hoạch phát triển bền vững tại Việt Nam. Theo Tổng giám đốc Gamuda Land, doanh nghiệp đã thông qua nhiều phương án đầu tư, sẵn sàng rót hàng tỷ USD vào Việt Nam để mở rộng quỹ đất dưới nhiều phương thức như mua bán và sáp nhập (M&A), chuyển nhượng, đấu thầu... trong các năm tới.
"Chúng tôi mong muốn có thêm cơ hội để xây dựng nhiều khu đô thị hơn nữa ở Việt Nam, để có thể triển khai phương thức quy hoạch tổng thể đột phá của mình", ông Angus Liew nói.
Ông Angus Liew cũng tiết lộ doanh nghiệp đang quan tâm đến việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm tại Việt Nam như các dự án phức hợp cao tầng, nhà ở thương mại... Đây đều là những phân khúc mà Gamuda Land có đủ năng lực để triển khai.
"Chúng tôi đã phát triển 2 dự án khu đô thị tại Việt Nam. Có thể trong thời gian tới, chúng tôi ra mắt những dự án phức hợp mang dấu ấn của Gamuda Land, không phải ở khu trung tâm mà là ở các thành phố vệ tinh hoặc các tỉnh lân cận", ông Angus Liew chia sẻ thêm
Bộ Xây dựng: Cần chặn hiện tượng tung tin đồn thổi giá đất
Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi các địa phương đề nghị một số biện pháp để kiểm soát rủi ro bong bóng bất động sản và tăng cường việc quản lý trên thị trường.
Theo đó, địa phương được đề nghị tăng cường thanh kiểm tra thị trường; có giải pháp phù hợp ngăn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông,...gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh xã hội và đời sống của người dân.
Địa phương cần quản lý những người làm môi giới bất động sản và xử phạt nghiêm các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, quyền sử dụng đất...vi phạm. Trong đó, Bộ đặc biệt lưu ý các dự án bất động sản chưa đủ điều kiện pháp lý đã được đưa vào kinh doanh.
2030: công trình đầu tư công công sử dụng 100% vật liệu không nung
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 2171/QĐ-TTg ngày 23/12/2021 phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030.
Mục tiêu chung của Chương trình đẩy mạnh sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất nông nghiệp, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường; tận dụng phế thải từ các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.
Mục tiêu cụ thể là đẩy mạnh sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế một phần gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 35 - 40% vào năm 2025, 40 - 45% vào năm 2030 trong tổng số vật liệu xây, đảm bảo tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình theo quy định; giảm phát thải khí CO2 vào năm 2025 là trên 2,5 triệu tấn/năm và năm 2030 là trên 3 triệu tấn/năm (so với sản xuất gạch nung với khối lượng tương đương).
Nguồn: VnExpress, VnEconomy, Vietnambiz