Quốc hội thảo luận dự án Luật Đất đai sửa đổi
Sáng 3/11, đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tổ, góp ý xây dựng dự Luật Đất đai sửa đổi với hàng loạt chính sách mới trong thu hồi, xác định giá đất...
Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo luật đã nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Dự luật cũng hoàn thiện quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất; quy định cụ thể thẩm quyền, mục đích, phạm vi, tiêu chí thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng...
‘Đóng băng’ tài sản công ty, cá nhân liên quan Vạn Thịnh Phát
Sở KH-ĐT Hà Nội vừa có thông báo tạm dừng biến động đối với tài sản, gồm: bất động sản, cổ phần, vốn góp, cổ phiếu… thuộc sở hữu của các bị can, cá nhân, công ty liên quan trong vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty CP tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan để phục vụ yêu cầu điều tra vụ án.
Theo Sở KH-ĐT, việc phong tỏa này thực hiện theo đề nghị của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an. Trong đó có nội dung ngăn chặn các tổ chức và cá nhân tẩu tán tài sản; tạm dừng giao dịch chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của các công ty ở Hà Nội thuộc sở hữu của những bị can, cá nhân và công ty liên quan vụ án nêu trên.
Việc tạm dừng biến động tài sản nêu trên được đề nghị áp dụng đối với 762 công ty trên địa bàn Hà Nội, và 14 cá nhân liên quan. Theo cáo buộc, các bị can đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian năm 2018-2019.
Kiến nghị kiểm soát huy động vốn của doanh nghiệp BĐS
Bộ Xây dựng cũng kiến nghị phải kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán, tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá.
Trong báo cáo vừa gửi tới đại biểu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, tính đến tháng 9/2022, giá trị vốn hóa ngành bất động sản ước tính khoảng 1,7 – 1,8 triệu tỷ đồng. Dư nợ tín dụng BĐS tính đến 31/8/2022 đạt 777.235 tỷ (giảm so với thời điểm 30/6/2022 là 784.575 tỷ)
Theo Bộ trưởng, thị trường bất động sản trong 9 tháng đầu năm 2022 tiếp tục gặp khó khăn trong việc huy động các nguồn vốn và khan hiếm về nguồn cung. Nguồn cung về nhà ở từ các dự án mới được bổ sung không nhiều, nguồn cung nhà ở mới trong 9 tháng chủ yếu vẫn đến từ những dự án đã được triển khai và đang được mở bán. Giá bất động sản vẫn ở mức cao so với khả năng chi trả của đại đa số người dân.
Để khắc phục các tồn tại liên quan đến vấn đề vốn cho thị trường bất động sản, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị, phải có giải pháp kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán, tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá.
Bên cạnh đó, phải kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm.
Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, cho vay đối với lĩnh vực bất động sản bảo đảm đúng quy định của pháp luật; khẩn trương xem xét ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá phù hợp với đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình, có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ.
Bổ sung 6 dự án quốc gia quan trọng
4 dự án cao tốc, 2 dự án hàng không đã được bổ sung vào danh mục dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký quyết định bổ sung danh mục dự án và kiện toàn Ban chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia , trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Cụ thể, Thủ tướng quyết định bổ sung một số dự án vào danh mục dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải gồm cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, Hòa Bình - Mộc Châu - Sơn La, Hữu Nghị - Chi Lăng, Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Thủ tướng cũng quyết định bổ sung dự án nhà ga hành khách T3 - cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và dự án xây dựng đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh (kết nối vào nhà ga T3) vào danh mục dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Theo: Thanh Niên, CafeF, VnExpress