Giải pháp vượt rào cho startup proptech tại Việt Nam

Bảo An
Tiếp nối chuỗi talk series do Làng SmartCity & proptech do Techfest Việt Nam 2021 tổ chức, chủ đề “Yếu tố then chốt để tiếp cận nhà đầu tư" sẽ đưa ra những vấn đề thường gặp trong lúc gọi vốn của các startup proptech non trẻ cũng như đưa ra lời khuyên vượt qua rào cản từ mô hình này. 

Chương trình được dẫn dắt bởi chị Minh Lê - Đồng trưởng làng Làng SmartCity & Proptech với sự tham dự của anh Thông Đặng, co-founder nền tảng Wiziin.

Cần xác định giải pháp

Trong những năm gần đây, nền tảng công nghệ số hóa trên thị trường bất động sản được biết đến ngày một rộng rãi dưới tên gọi proptech. Nó trở thành cầu nối không thể thiếu giữa những nhà đầu tư và các khoản dự án tiềm năng thích hợp.

Có thể thấy, trong những năm gần đây proptech “bùng nổ" tại Việt Nam với hàng loạt các hợp đồng triệu đô được ký kết thông qua nền tảng này. Tháng 6 vừa qua, Rever được Vinacapital Ventures rót thêm 4 triệu đô la Mỹ. Nền tảng bất động sản thật Propzy đang dự kiến kêu gọi thêm 25 triệu đô la Mỹ trong vòng gọi vốn series B năm nay.

screenshot-2021-10-15-104308-custom-1634269616.png

Tuy nhiên, theo anh Thông Đặng, co-founder nền tảng Wiziin, các startup proptech non trẻ của Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư vì không xác định rõ giải pháp mang lại cho thị trường.

“Nếu bạn tạo ra một sản phẩm mà thị trường đã có, vậy sản phẩm của bạn sẽ khác biệt gì so với những cái trước đó. Đây chính là rào cản lớn nhất của họ”, ông Thông nói.

Theo chuyên gia, với đặc tính của thị trường bất động sản ở Việt Nam có nhiều phát sinh, dễ dẫn đến các vấn đề về vướng mắc pháp lý, giao dịch không minh bạch thì bài toán thường đặt ra cho các startup về proptech là giải pháp quản lý và định giá tài sản chính xác. Bên cạnh đó, một số giải pháp tiềm năng còn là phát triển các tour xem nhà ảo, đảm bảo chất lượng của các giao dịch trước thách thức của giãn cách xã hội.

Quy trình tiếp cận các nhà đầu tư 

Thông qua các tổ chức kết nối nhà đầu tư như Wiziin, hoặc các cuộc thi như Techfest, nơi các bạn trẻ tìm được các nhóm cộng đồng và các chuyên gia trong lĩnh vực sẽ giúp các bạn định hướng mô hình phát triển.

Riêng đối với mô hình như Wiziin, đội ngũ cố vấn sẽ giúp các startup có những bước chuẩn bị cần thiết để gọi vốn thành công thông qua các buổi tham vấn 101. Sau đó, Wiziin sẽ lên danh sách các nhà đầu tư tiềm năng phù hợp với sản phẩm gọi vốn để phân phát hồ sơ. Các nhà đầu tư có phản hồi sẽ được chọn lọc và kết nối với startup thông qua các kênh riêng để hoàn thiện các bước phát triển chiến lược tiếp theo.

Các bước chuẩn bị hồ sơ gọi vốn cần thiết cho các startup

Theo anh Thông Đặng, để chuẩn bị một bộ hồ sơ gọi vốn “pitch deck” đạt chuẩn, các nhà startup trẻ cần lưu ý và chuẩn bị câu trả lời rõ ràng, chính xác cho các câu hỏi sau đây:

- Mô hình kinh doanh của bạn là gì? Tỷ lệ lợi nhuận trong tương lai như thế nào?
Lưu ý: Các nhà đầu tư sẽ chỉ quan tâm nếu mô hình của bạn đem lại những lợi nhuận “đột biến" thay vì mức tăng trưởng 10-20%

- Giải pháp mà sản phẩm của bạn mang lại cho thị trường là gì? Có giải quyết được nhu cầu của thị trường hay không?

- Làm rõ những hoạt động đã làm được, như thế nào và trong bao lâu. Mô hình của bạn đã trải qua những giai đoạn nào?

- Làm rõ đội ngũ nhân sự hiện tại. Ai là người lãnh đạo? Tầm nhìn và chiến lược mà người này đề ra là gì?

- Bức tranh tài chính tổng quát cho giai đoạn 1-3 năm tới là gì?

Những lưu ý đối với các startup trẻ

Kết thúc buổi chia sẻ, ông Thông Đặng đưa ra một số lưu ý cho cộng động startup nói chung và các startup proptech đang tham dự cuộc thi “GIẢI PHÁP ĐÔ THỊ THÔNG MINH & CÔNG NGHỆ BẤT ĐỘNG SẢN TRONG KỶ NGUYÊN SỐ HÓA”:

Thứ nhất, quy trình gọi vốn cần thời gian 3-6 tháng để thẩm định hồ sơ, các startup nên chuẩn bị các công việc liên quan đến giấy tờ thủ tục từ trước đó. Ví dụ đến cuối năm 2022 bạn sẽ hết vòng runway đầu tiên thì từ tháng 6 bạn nên bắt đầu chuẩn bị các hồ sơ thủ tục cần thiết.

Thứ hai, đối với các startup đang trong giai đoạn sơ khai, các bạn chưa nên tìm đến hình thức gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) vì một quyết định phải phụ thuộc vào quy trình dân chủ từ các cổ đông gây mất thời gian và giảm năng suất công việc. Thay vào đó, CEO hoặc người đứng đầu nên là người đưa ra quyết định.

Thứ ba, nếu mới chỉ hình thành với các ý tưởng, các bạn trẻ chưa nên bắt đầu gọi vốn mà nên chọn cách nhờ tham vấn từ các nhà cố vấn chuyên gia trong lĩnh vực proptech. Sẽ tốt hơn nếu bạn dành thời gian để thành lập đội ngũ nhân sự và công ty có pháp lý rõ ràng trước khi đi gặp các nhà đầu tư.

Về Làng SmartCity & Proptech - Techfest Việt Nam 2021

Thành phố 'Xanh - Thông minh - Hiện đại' với chuyển đổi số là nền tảng phát triển, đổi mới sáng tạo đang là xu hướng tất yếu và ưu tiên của Quốc gia trong quá trình hội nhập kỷ nguyên số. Làng SmartCity & Proptech Village trong khuôn khổ dự án Techfest 2021 sẽ là nơi hỗ trợ và lan tỏa những giá trị cộng đồng, là vườn ươm và hỗ trợ những startup đang khởi nghiệp trong mảng đô thị thông minh và công nghệ bất động sản theo tiêu chí "Xanh - Thông minh - Hiện đại"

Các bước đăng ký tham dự Techfest 2021 - Làng SmartCity & Proptech
- Link đăng ký: https://techfest.vn/hoat-dong/tham-gia-cuoc-thi/
- Hạn chót đăng ký: 26/10/2021

Các thí sinh đăng ký tham dự chuẩn bị đầy đủ thông tin, gồm có:

- Đầy đủ thông tin về dự án/ doanh nghiệp dự thi: Tên doanh nghiệp, Độ tuổi doanh nghiệp, Trụ sở, Tên người đại diện- Chức vụ…
- Hồ sơ năng lực dự án
- Video giới thiệu sản phẩm