Hiểu “chuẩn” về sao kê ngân hàng

Một số người cho rằng hiện tại do dịch bệnh nên không thể tiến hành việc sao kê tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên theo thông tin từ ngân hàng cho biết dù khách hàng ở nhà vẫn có thể thực hiện sao kê trực tuyến.

Trong chiều ngày 7-9, MC Trấn Thành cũng vừa tung ra bảng sao kê ngân hàng dài hơn 1.000 trang để chứng minh số tiền quyên góp từ thiện hơn 9,6 tỷ đồng. Điều này cho thấy thông tin ngân hàng không thể in sao kê trong thời điểm dịch bệnh là không chính xác.

Xoay quanh câu chuyện ngân hàng, cư dân mạng cũng bắt đầu dậy sóng về các thông tin cơ bản thể hiện trên văn bản sao kê. Để hiểu rõ hơn về cách ngân hàng thực hiện sao kê tài khoản, mời bạn tham khảo thêm các thông tin dưới đây.

Sao kê ngân hàng là gì?

Sao kê ngân hàng là bản sao ghi nhận chi tiết những giao dịch đã phát sinh của tài khoản thanh toán cá nhân hoặc tổ chức. Những phát sinh giao dịch này bao gồm tất cả các giao dịch tín dụng ra và vào tài khoản. Sao kê chỉ được thực hiện theo yêu cầu của chủ tài khoản.

sao-ke-truc-tuyen-min-1631079139.png
Hầu hết ngân hàng đều có dịch vụ sao kê trực tuyến trên Internet Banking

Hiện nay các ngân hàng có hai hình thức sao kê chính là sao kê trực tiếp và sao kê online.

Sao kê trực tuyến: Khi đã đăng ký dịch vụ internet banking, khách hàng dễ dàng truy cập vào website của ngân hàng để kiểm soát giao dịch từ tài khoản. Bảng sao kê trên hệ thống chỉ mang tính chất kiểm soát, do không có dấu mộc xác nhận từ ngân hàng nên không thể bổ sung hồ sơ giấy tờ cho các thủ tục hành chính liên quan như: hồ sơ vay, hồ sơ chứng thực tài sản… hay làm bằng chứng cho các khiếu nại khác.

Sao kê trực tiếp: là hình thức chủ tài khoản trực tiếp đến ngân hàng mở thẻ để yêu cầu sao kê. Bản sao kê được cấp có dấu mộc đỏ chứng thực của ngân hàng nên có giá trị về mặt pháp lý, bổ sung hợp lệ vào hồ sơ hành chính.

Tuy nhiên đối với nhóm khách hàng có tài sản lớn sẽ được ngân hàng nhận diện là khách VIP. Những vị “thượng đế” này sẽ được các ngân hàng ưu ái hơn và cung cấp các dịch vụ đặc quyền như hỗ trợ hotline riêng, phục vụ 24/7, miễn phí sao kê tài khoản,… Và đặc biệt, khách VIP chỉ cần “nhấc máy” sẽ có nhân viên hỗ trợ gửi các bưu phẩm từ ngân hàng về tận nhà riêng.

Cách đọc thông tin trên sao kê ngân hàng

sao-ke-tai-khoan-ngan-hang-min-1631079139.jpg
Mẫu sao kê tài khoản ngân hàng

1. Số dư đầu kỳ: số dư của tài khoản tại thời điểm đầu tiên trong khoảng thời gian đã chọn hay còn được biết là số dư của cuối kỳ trước.
2. Ngày giao dịch: là ngày giao dịch thanh toán được thực hiện.
3. Số tiền ghi nợ: Ghi nhận số tiền chi ra (biến động giảm) trong tài khoản tại thời điểm giao dịch
4. Số tiền ghi có: Ghi nhận số tiền tài khoản nhận được (biến động tăng) tại thời điểm giao dịch
5. Nội dung chi tiết: thể hiện thông tin chi tiết của giao dịch như chuyển khoản, chi tiêu mua sắm, nhận tiền từ ai,…
6. Số dư: Số dư của tài khoản, được ghi nhận tại giao dịch cuối cùng của ngày
7. Số dư cuối kỳ: được xác định bằng công thức Số dư cuối kỳ = Số dư đầu kỳ + Tổng số tiền ghi có – Tổng số tiền ghi nợ
8. Dấu mộc: bảng sao kê được ngân hàng xác nhận phải có chữ ký từ đại diện ngân hàng, có dấu đóng trùm lên 1/3 chữ ký về bên trái. Nếu bản sao kê ngân hàng từ 2 tờ trở lên phải có thêm dấu mộc đỏ giáp lai đóng lên lề bên trái hoặc bên phải của văn bản.