Hơn 1,2 tỷ USD vốn FDI "đổ" vào bất động sản trong tháng đầu năm

Minh Triết
Vốn ngoại đăng ký vào hoạt động kinh doanh bất động sản Việt Nam tăng mạnh trong tháng đầu năm 2024, đạt hơn 1,27 tỷ USD.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), tính đến ngày 20/1/2024, tổng số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, cả nước có 190 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký cấp mới đạt 2,01 tỷ USD, tăng 24,2% về số dự án và tăng 66,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản được cấp phép mới đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 1,24 tỷ USD, chiếm 61,8%.

Ngoài ra, có 75 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 235,4 triệu USD, giảm 23,1% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư nước ngoài vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,25 tỷ USD, chiếm 55,7% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm.

Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 22,1 triệu USD, chiếm 18,9% giá trị góp vốn.

Như vậy, trong tháng đầu tiên của năm 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào ngành kinh doanh bất động sản đạt hơn 1,27 tỷ USD (gấp 2 lần so với cùng kỳ). Trong đó, lượng vốn thực hiện (giải ngân) đạt 147,3 triệu USD.

Tháng 1/2024 có 6 quốc gia nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó, Mỹ là nước dẫn đầu với 5,9 triệu USD (chiếm 36,1% tổng vốn đầu tư); Đức 5,4 triệu USD (chiếm 33,2%); Lào 4,2 triệu USD (chiếm 26,2%).

Theo dự báo của bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield, sẽ có một lượng lớn nguồn vốn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ hoàn tất và đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024 - 2026, nhiều giao dịch đã và đang trong quá trình đàm phán khá tích cực.

Các mục tiêu đầu tư dự kiến vẫn nằm ở việc tìm kiếm những quỹ đất sạch, có chất lượng tốt, có giá trị thật, cũng như có quyền sở hữu hợp pháp, đền bù giải phóng hoàn chỉnh và có tiềm năng phát triển.

Tuy còn nhiều thử thách nhưng bà Trang tin rằng đây vẫn là thời điểm phù hợp để các doanh nghiệp tăng cường các hoạt động thâu tóm hoặc liên kết hợp tác, đặc biệt là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh.

Vì hiện nay, mặt bằng lãi suất đã giảm, nhiều nghị định và quy định mới nhằm gỡ vướng cho dự án bất động sản đã được ban hành, bên cạnh nhiều giải pháp tích cực khác mà chính phủ đang thực hiện để cải thiện tính minh bạch, chấp hành pháp luật cũng như môi trường kinh doanh nói chung. Những quy định mới sẽ giúp tạo giải pháp cho các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc mở rộng thị trường và liên kết hợp tác.

Mạc Ngôn